Để nâng cao năng suất và chất lượng cam Sành Hà Giang

17:48, 28/04/2008

(HGĐT)- Cam sành Hà Giang đã có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhưng trong những năm qua, do dịch bệnh gây hại và tác động của các biện pháp trồng trọt, chăm sóc, nhân giống không phù hợp đã nhanh chóng làm suy thoái các vườn cam.


Bên cạnh đó phong trào bảo quản cam bằng các hoá chất của Trung Quốc, các hoá chất không rõ nguồn gốc và những tác động không phù hợp trong quá trình trồng trọt và bảo quản không những làm giảm năng suất mà còn làm giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của cam Hà Giang. Vì vậy để giữ vững và không ngừng tăng năng suất, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng của cam sành Hà Giang, chúng ta phải tiến hành đồng bộ kịp thời và hiệu quả các chủ trương và biện pháp mang tính cấp bách sau:


1. Về các biện pháp kỹ thuật trồng trọt:

Chỉ được trồng mới bằng các giống cam sạch bệnh từ những vườn nhân giống đạt tiêu chuẩn hoặc những cây giống được chiết ghép từ những cây cam mẹ sạch bệnh, đặc biệt là 2 loại bệnh trên cam quýt có tính chất lây lan nhanh và mang tính huỷ diệt là bệnh vàng lá gân xanh (Greening) và bệnh tàn lụi (Tristeja). ở những vườn cam đang cho thu quả phải dựa vào năng suất, chất lượng và mẫu mã quả mà có biện pháp bón phân hợp lý. Ví dụ nếu thừa đạm, quả cam vỏ dày, chín muộn và chua thì phải giảm bón đạm. Nếu quả chua nhiều xơ, khi chín màu quả xám - tối là hiện tượng thiếu lân thì cần bón tăng lân trong vụ tới. Nếu đất thiếu can xi và mangan thì vỏ quả sần sùi, khi chín xuất hiện các đốm màu xanh xen kẽ màu vàng… thì ta cần bón phân hoặc phun phân bón lá có hàm lượng can xi và mangan cao hơn so với vườn khác. Nếu đất trồng cam bị chua (độ axít cao) sẽ hạn chế khả năng hấp thụ các nguyên tố vi lượng trong đất, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng, mẫu mã quả thì cần bón vôi bột nhằm làm giảm độ chua của đất và tăng can xi cho cây.


Một chủ trương có ý nghĩa quan trọng là cần khẩn trương nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm rải vụ chín của cam, quýt, kéo dài thời gian thu hoạch từ 2 - 3 tháng. Đó là tác động các biện pháp kỹ thuật (như chế độ tưới nước, bón phân, tác động cơ lý vào phần rễ...) làm cho cam ra hoa và chín rải vụ nhưng không ảnh hưởng tới tuổi thọ của vườn cây. (Biện pháp này đã được áp dụng thành công ở nhiều tỉnh trồng cam). Hạn chế tối đa việc dùng hoá chất để ức chế ra hoa và chín muộn của cam, vì biện pháp này đã bộc lộ một số hạn chế ở một số tỉnh trồng cam.


2. Về các phương pháp bảo vệ thực vật trên cam quýt:

Các loài dịch hại trên cam, quýt không những ảnh hưởng tới năng suất mà còn tác động trực tiếp tới mẫu mã và chất lượng của quả. Các nhóm côn trùng chích hút (bọ xít xanh, rày, rệp...) khi hại quả sẽ gây dụng hàng loạt, các loài nhện (nhện đỏ, nhện trắng, nhện vàng) sẽ làm vỏ quả sần sùi hoặc xám đen, khi chín không đều, thường có vị chua làm giảm mẫu mã và chất lượng. Các loại rệp khi hại quả non làm quả phát triển dị dạng, không đạt tiêu chuẩn khi bán và xuất khẩu. Trong công tác bảo vệ thực vật trên cam, quýt cần đặc biệt chú ý rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh (Greening); vi khuẩn và rệp muội là môi giới lan truyền bệnh tàn lụi (Tristeja) do virus. Hai loại bệnh này có tính lây lan và huỷ diệt vườn cam mà hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy vấn đề phòng trừtriệt để rầy chổng cánh và rệp muội cần ưu tiên đặt lên hàng đầu ở những vùng trồng cam đã xuất hiện bệnh vàng lá gân xanh và bệnh tàn lụi.


Để hạn chế dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm cam, quýt, chúng ta cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly của từng loại thuốc khiphòng trừ dịch hại trên cam, quýt. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc nhanh phân huỷ, ít ảnh hưởng tới môi trường, con người và sản phẩm cam, quýt. Cần triển khai rộng rãi các biện pháp dùng bẫy bả để dẫn dụ và tiêu diệt sâu hại nhằm hạn chế tới mức thấp nhất quá trình tiếp xúc của trái cam với các hoá chất trừ dịch hại (nhất là từ khi cam bước vào thời kỳ chín sinh lý từ tháng 11). Đây làbiện pháp có ý nghĩa quan trọng để cam, quýt Hà Giang cạnh tranh với cam vùng khác và cam, quýt của Trung Quốc (do dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật trong quả).


3. Những vấn đề thuộc chủ trương và chính sách:

Phải có biện pháp mạnh, đồng bộ và kịp thời để người trồng cam phải chặt bỏ và tiêu huỷ những cây và vườn cam bị bệnh vàng lá gân xanh (Greening) và bệnh tàn lụi (Tristeja) nhằm loại bỏ nguồn bệnh tránh lây lan. ở những vườn cam đang kinh doanh (cho thu quả) nếu phát hiện những cây bị bệnh vàng lá gân xanh và tàn lụi phải cắt tỉa cành bệnh tiêu huỷ và có biện pháp hữu hiệu để diệt trừ rầy chổng cánh và rệp không để tiếp xúc với cây bệnh (biện pháp này đòi hỏi có sự tham mưu của cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật).


Cùng đó, để cho cam sành Hà Giang không ngừng vươn xa tới các thị trường trong và ngoài nước, cạnh tranh được với cam nước ngoài, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu cam sành Hà Giang. Khi đó cam sành Hà Giang mới xứng tầm là cây mũi nhọn, cây chủ đạo trong xoá đói giảm nghèo, cây làm giàu của nhân dân trồng cam Hà Giang.


Phạm Văn Phú (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thị trường ĐTDĐ: Vẫn bán chạy dù kinh tế suy thoái
Số lượng ĐTDĐ mà các hãng sản xuất bán được trong quý I/2008 đã tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
26/04/2008
Họp Ban chỉ đạo ISO tỉnh
(HGĐT)- Chiều 22.4, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Ban chỉ đạo ISO tỉnh họp đánh giá tình hình thực hiện Đề án áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 tại các cơ quan hành chính Nhà nước năm 2007, đồng thời thông qua 8 đơn vị hành chính Nhà nước áp dụng đợt 2.2008.
23/04/2008
Một số tồn tại và những giải pháp quản lý sử dụng thủy điện ở tỉnh ta
(HGĐT)- Hiện nay ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa có qui hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên nước trên các lưu vực sông, suối, nên công tác quản lý tài nguyên nước ở các hồ chứa thuỷ điện và việc sử dụng nước trong phát điện chưa phát huy được mục tiêu một công trình phục vụ đa mục đích.
23/04/2008
Thuê bao HT Mobile được "chăm sóc" như thuê bao của S-Fone
S-Fone và HT Mobile vừa chính thức hoàn tất biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chuyển giao thuê bao HT Mobile sang mạng S-Fone sau khi HT Mobile chính thức được cấp phép chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang e-GSM.
23/04/2008