Đề tài khoa học góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT-XH

09:14, 29/01/2007

(HGĐT)- Tôi đã được tiếp cận với nhiều đề tài khoa học ở các lĩnh vực khác nhau. Có đề tài đọc xong, dư âm đọng lại chẳng là bao. Nhưng cũng có đề tài đã để lại nhiều ấn tượng. Ấn tượng bởi ý nghĩa xã hội, sự tâm huyết, tập trung trí tuệ của người làm khoa học.


2 trong nhiều đề tài đã mang lại niềm hy vọng lớn cho người dân mà tôi tâm đắc đó là đề tài “Điều tra, nghiên cứu các nguồn nước Karst” và “ứng dụng chế phẩm Kivica điều chỉnh thời vụ chín cam sành Hà Giang”.

Chúng tôi về xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) đúng ngày Sở KH-CN phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Ứng dụng chế phẩm Kivica điều chỉnh thời vụ chín cam sành Hà Giang”. Sau khi tham quan thực tế diện tích thực nghiệm tại khu vườn của gia đình anh Trần Thanh Lưu, thôn Vĩnh Sơn, các đại biểu dự hội thảo đều khẳng định tính ưu việt của đề tài này so với một số đề tài đã từng nghiên cứu trước đây. Tính ưu việt thể hiện trên các yếu tố như chi phí thấp, mẫu mã quả cam đẹp, cây khỏe và điều quan trọng hơn nó kéo dài thời gian làm chín quả khoảng 50 ngày nhưng không ảnh hưởng đến vụ cam năm sau. Hiện nay, vùng cam đã vào mùa thu hoạch rộ nhưng 0,5ha cam thực nghiệm với chế phẩm Kivica của gia đình anh Lưu quả vẫn xanh. Theo dự tính của các chuyên gia thuộc trường ĐH Nông nghiệp I cũng như chủ nhiệm đề tài thì khoảng tháng 2 âm lịch, diện tích cam sử dụng chế phẩm Kivica sẽ cho thu hoạch. Vào thời điểm này, cam chính vụ đã thu hoạch xong nên cam chín muộn bán ra thị trường giá thành sản phẩm sẽ cao hơn. Anh Lưu là người đi tiên phong thực hiện đề tài khoa học ứng dụng chế phẩm Kivica nhằm kéo dài thời gian chín của cam. Đưa chúng tôi đi thăm vườn cam, anh Lưu cho biết: Năm 2005, gia đình anh thực hiện thí điểm đề tài khoa học ứng dụng chế phẩm Kivica nhưng mới chỉ giám thử nghiệm trên 15 cây. Sau Tết Nguyên đán, số cam đó chín anh bán ra thị trường giá rất cao. Còn tại diện tích thực nghiệm năm trước, năm nay cây vẫn phát triển tốt, quả đều, đẹp.

 

Nhiều cán bộ làm công tác khoa học đã khẳng định: Cho đến bây giờ chưa có loại cây nào lại làm hao tốn nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của các nhà khoa học như cây cam. Đã có nhiều đề tài khoa học được thực hiện nhưng rất ít đề tài mang lại thay đổi lớn cho người dân vùng cam. Chị Nguyễn Thanh Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và chuyển giao công nghệ, người đã chỉ đạo thực hiện nhiều đề tài khoa học đối với sản phẩm cam sành cho biết: Từ năm 1993 đã bắt đầu có những đề tài khoa học nghiên cứu đối với sản phẩm cam sành. Những năm tiếp theo, nhiều nhà khoa học cả T.Ư, địa phương đã dành thời gian nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị kinh tế của vùng cam. Nhưng cũng phải thừa nhận, rất ít đề tài được ứng dụng sâu, rộng. Ngay như Trung tâm đã có những đề tài nghiên cứu đối với sản phẩm cam nhưng cũng chưa chọn được giải pháp thích hợp. Và từ năm 2005 đến nay, Trung tâm đã triển khai đề tài nghiên cứu mới, ứng dụng chế phẩm Kivica. Sau 2 năm triển khai nghiên cứu, bước đầu đề tài đã mang đến những thành công. Thế nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng bộ môn Công nghệ sau thu hoạch (ĐH Nông nghiệp I), chuyên gia của đề tài thì đây mới chỉ là thành công bước đầu. Để triển khai rộng còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện. Với mục đích tìm ra hướng phát triển mới cho vùng cam, nhóm chuyên gia trường ĐH Nông nghiệp I đã nâng đề tài khoa học ứng dụng chế phẩm Kivica từ cấp tỉnh lên cấp bộ. Động thái này nhằm tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khoa học, hoàn chỉnh hơn những hiệu quả của chế phẩm Kivica trên cam sành, tiến tới sử dụng chế phẩm sao cho vừa kéo dài thời gian chín, vừa làm giảm số hạt trong múi cam, như vậy mới nâng cao được giá trị của cam sành Hà Giang.

 

Trong số các đề tài khoa học được nghiên cứu, triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tôi cũng rất tâm đắc với đề tài điều tra, nghiên cứu các nguồn nước Karst của Viện địa chất (Trung tâm KHTN và Công nghệ Quốc gia). Đề tài thành công đã giải mã được những khó khăn cho vùng “cao nguyên khát”. Các huyện vùng cao Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn về mùa khô thiếu nước trầm trọng. Ai cũng biết điều đó nhưng khắc phục như thế nào lại không đơn giản. Mấy năm gần đây, một số dự án được triển khai nhằm cung cấp nước cho vùng cao và đã có tác dụng tích cực. Nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế, trong khi đó yêu cầu đặt ra là phải có sự đánh giá, tìm ra nguồn nước bền vững để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Thực trạng đó đã thôi thúc các nhà khoa học của Viện địa chất thực hiện đề tài khoa học điều tra, nghiên cứu các nguồn nước Karst trên địa bàn tỉnh. Qua nghiên cứu nguồn nước Karst tại thôn Nà Phạ (Mậu Duệ - Yên Minh), nơi có độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển đã khẳng định có khả năng sử dụng để khai thác phục vụ nhu cầu nước tại các cụm dân cư lân cận. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được căn cứ khoa học cho giải pháp phát huy tác dụng nguồn nước khu vực đá vôi Nà Phạ. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã giải quyết tình trạng khan hiếm nước, cải thiện môi trường sinh thái và điều kiện sản xuất ở khu vực các xã Mậu Duệ (Yên Minh), Lũng Phìn (Đồng Văn) và một số vùng khác. Phương thức sử dụng nguồn nước được đưa ra là xây dựng hồ, đập chứa nước ngay tại nguồn và vùng hưởng lợi nguồn nước. Thực hiện phương pháp này có thể khai thác gần hết công suất nước cấp cho 2-3 vạn người kết hợp với phát triển kinh tế tập trung ở các khu vực giáp ranh.

 

Những năm gần đây, tỉnh ta đã có sự đầu tư lớn cho công tác nghiên cứu khoa học, nhằm tìm ra những giải pháp quan trọng góp phần đắc lực vào tiến trình phát triển KT-XH của tỉnh. Các đề tài khoa học sau khi nghiên cứu được triển khai ứng dụng vào thực tế nên đã và đang tạo ra hiệu quả xã hội nhất định. năm 2007, tỉnh ta tiếp tục triển khai nhiều đề tài khoa học như: Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nuôi, bảo tồn cá Chiên trong ao và cho sinh sản nhân tạo nhằm khẳng định được khả năng sinh trưởng và phát triển của loài cá Chiên, chọn lọc được giống cá bố mẹ và bảo tồn phát triển đàn cá bố mẹ; khảo nghiệm một số giống đậu tương mới và xác định thời vụ trồng tại chân ruộng lúa mùa sớm ở Hoàng Su Phì nhằm xác định giống đậu tương có năng suất, chất lượng cao và thời vụ trồng thích hợp nhất trong cơ cấu vụ đông luân canh trên đất lúa mùa sớm, làm cơ sở xây dựng lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp hợp lý... Với nhiều đề tài trên các lĩnh vực sẽ được triển khai nghiên cứu trong năm nay, hy vọng sẽ có những tác động tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những sản phẩm "Hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều"
Khi bức màn của năm cũ sắp buông, danh sách những người thắng kẻ bại trong năm đã được công bố, âu cũng nên là lúc điểm mặt những kẻ "to mồm hứa suông nhất".
29/12/2006
10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật năm 2006
Có thể nói năm 2006 là năm bản lề của ngành CNTT và viễn thông (ICT) của Việt Nam, với những chuyển biến tích cực và sự phát triển vượt bậc so với những năm trước.
29/12/2006
Cả châu Á náo động vì mạng Internet tê liệt
Hệ thống liên lạc khắp châu Á đã bị tê liệt trầm trọng sau khi trận động đất ở Đài Loan làm đứt mạng cáp ngầm dưới biển. Dịch vụ Internet ì ạch như sên, cản trở hoạt động giao dịch tài chính trong khu vực.
28/12/2006
Những thành quả của hoạt động KH&CN năm 2006
Tiếp nối thành tích của những năm qua, năm 2006 ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh ta đã triển khai nhiều đề tài, dự án thiết thực và có hiệu quả; từng bước đổi mới quản lý KHCN theo tinh thần Luật Khoa học và Công nghệ. Các nhiệm vụ nghiên
25/12/2006