Đưa văn hóa dân tộc Mông vào trường học

10:12, 19/11/2016

Bh - Những điệu múa gậy, múa khèn của dân tộc Mông được học sinh trường THCS Liên Việt ở thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) thực hiện nhuần nhuyễn, đẹp mắt. Truyền cho các em niềm say mê, yêu thích với văn hóa truyền thống của dân tộc mình là sự nỗ lực của tập thể các thầy, cô giáo, già làng, trưởng bản ở địa phương.

Đến thăm Trường THCS Liên Việt, chúng tôi được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Trường đóng chân trên địa bàn thị trấn Cốc Pài, có đến 3 thôn, gồm: Suôi Thầu, Súng Sảng, Chúng Chải hầu hết đều là dân tộc Mông sinh sống. Do vậy, trường đã lựa chọn đưa văn hóa Mông vào chương trình giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường kể từ năm 2013 khi huyện có đề án về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Xín Mần. Trước đây, trường cũng đã giảng dạy tích hợp trong các môn Lịch sử địa phương, Văn học; nhưng đến nay, thì việc giảng dạy cho các em sâu hơn về các làn điệu, phong tục, tập quán của dân tộc mình”.

Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường THCS Liên Việt ở thị trấn Cốc Pài (Xín Mần).	 Ảnh: CTV
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường THCS Liên Việt ở thị trấn Cốc Pài (Xín Mần). Ảnh: CTV

Trong một giờ ngoại khóa của học sinh ở bán trú của nhà trường, các em hăng say luyện tập múa gậy, chơi các trò chơi dân gian. Số lượng học sinh ở bán trú khá đông, có đến 110 em trong tổng số 309 học sinh toàn trường, hầu hết đều là người dân tộc Mông. Để các em có sự hiểu biết về phong tục tập quán, các làn điệu truyền thống, nhà trường đã mời các già làng, những người am hiểu về phong tục truyền thống đến giảng giải cho các em. Bên cạnh đó, còn dạy các em cách làm các đồ thủ công như: Làm gậy đồng xu, quả yến, cà kheo... Các tiết học về văn hóa truyền thống còn được lồng ghép ở sáng thứ 2 chào cờ đầu tuần, các thầy, cô sẽ giảng giải về một nét đẹp văn hóa truyền thống như: Phong tục đám cưới; đám ma; ngày lễ, Tết... để các em hiểu biết và có ý thức giữ gìn phong tục tập quán của dân tộc mình. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng giảng giải cho các em về phong tục của các dân tộc khác để nâng cao sự hiểu biết của học sinh. “Từ khi có đề án của huyện, việc giảng dạy có hệ thống hơn, có sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, liên hệ với các nghệ nhân dân gian. Nhà trường thành lập tổ truyền dạy và Trung tâm Văn hóa huyện biên soạn tài liệu. Nếu chúng ta không nhanh chóng bảo tồn nhanh thì học sinh sẽ quên mất truyền thống văn hóa của dân tộc mình do sự hòa nhập văn hóa chóng mặt đến từ các phương tiện ti vi, phim ảnh, mạng internet”, thầy Long cho biết thêm.

Hoạt động bảo tồn truyền thống văn hóa ở nhà trường rất phong phú, bắt đầu từ năm học này, học sinh được học nghề thêu của dân tộc Mông. Những em có niềm yêu thích với việc làm đồ thủ công có cơ hội trổ tài, các sản phẩm xuất sắc được mang đi bày bán tại gian hàng trưng bày chợ đêm Cốc Pài, nơi khách du lịch thường đến thăm quan. Được biết, Đội văn nghệ dân gian của nhà trường là một nguồn biểu diễn văn nghệ tại nhiều sự kiện. Cô giáo Vương Thị Thanh Hiền, người trực tiếp luyện tập cho Đội văn nghệ, cho biết: “Các em rất thích tham gia các hoạt động văn nghệ, mặc dù ban đầu còn rụt rè nhưng đến nay thì các em tiếp cận nhanh, giao tiếp tốt”. Em Lù Thị Pằng, dân tộc Mông, chia sẻ rằng em rất vui khi được tham gia múa, hát những bài hát của dân tộc mình tại những buổi liên hoan văn nghệ, trong các sự kiện lớn của huyện.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm cần thiết, song vẫn còn những khó khăn. “Hiện nhà trường thiếu kinh phí để mua dụng cụ, trang phục cho các em luyện tập; khó tìm nghệ nhân đến giảng dạy cho học sinh” - thầy Long giãi bày. Được biết, dân tộc Mông là dân tộc còn gìn giữ được nhiều nét bản sắc phong phú, thông qua đó để các thế hệ trẻ không quên đi bản sắc dân tộc mình.            

Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang sẵn sàng cho Ngày hội

BHG - Việt Nam - dải đất hình chữ S là tổng hòa của 54 dân tộc anh em, từ ngàn đời nay đã chung sống gắn bó, keo sơn. Trong đó, dân tộc Mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn luôn là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc Việt Nam.

29/10/2016
Họp Ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang

BHG - Sáng 25.10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Họp Ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang. 

25/10/2016
Đồng Văn với những nỗ lực chuẩn bị cho Ngày hội

BHG- Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ 2 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lựa chọn tỉnh ta là nơi tổ chức vào trung tuần tháng 11 tới. Để chuẩn bị tốt cho ngày hội diễn trang trọng, mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông, Ban tổ chức (BTC) đã thành lập các Tiểu ban giúp việc, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. 

25/10/2016
Khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II

BHG - Sáng 18.11, tại Quảng trường 26-3, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II năm 2016. Dự lễ khai mạc có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các vụ, viện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Hà Giang và 13 đoàn của các tỉnh tham gia lễ hội.

18/11/2016