Cựu chiến binh Nguyễn Đức Kim và danh trà Shan tuyết Cổng trời 1

08:22, 26/10/2016

BHG- Bằng cơ duyên đặc biệt với những cây chè Shan tuyết cổ thụ nơi địa đầu Tổ quốc, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Kim, thôn Chu Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang) đã làm nên danh trà Shan tuyết Cổng trời 1 nức tiếng.

Ông Nguyễn Đức Kim (bên trái) mời khách thưởng trà và giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết Cổng trời 1 của gia đình.
Ông Nguyễn Đức Kim (bên trái) mời khách thưởng trà và giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết Cổng trời 1 của gia đình.

Năm xưa ra trận, đi qua bạt ngàn rừng chè Shan tuyết cổ thụ, vươn búp xanh non phủ trắng sương mai giữa khung trời bom, đạn của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thiêng liêng của Tổ quốc; người CCB ấy đã kịp trải nghiệm khoảnh khắc đặc biệt khi nếm thử búp chè Shan tuyết chát, ngọt, tạo cảm giác thư thái về mặt tinh thần. Năm 1981 xuất ngũ, mang theo sự lưu luyến đặc biệt về cây chè; người CCB năm xưa quyết định rời quê hương Tuyên Quang để đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc – “thủ phủ” của những cây chè Shan tuyết cổ thụ và làm nên danh trà Shan tuyết Cổng trời 1 nức tiếng.

Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng tại xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) – nơi có những rừng chè Shan tuyết cổ thụ, gia đình ông Kim đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong việc buôn bán chè Shan tuyết. Song, chính những lần thất bại bởi thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã hun đúc trong ông ý chí quyết tâm và sự dạn dày kinh nghiệm với nghề. Đến năm 2003, ông Kim gây dựng được Hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến chè Shan tuyết Kim Chỉnh. Song, giữa lúc HTX trên đà phát triển thì năm 2010, việc sản xuất kinh doanh (SXKD) của gia đình ông sang trang mới...  nhiều khó khăn hơn khi ông quyết định chuyển đến vùng đất mới.

Đó là nơi còn hoang vắng và xung quanh chưa có nhà dân nhưng lại là vị trí đắc địa “cổng trời” – ranh giới giữa địa phận cuối cùng (thôn Chu Thượng, xã Tân Lập) của huyện Bắc Quang với huyện Hoàng Su Phì. Chuyển đến địa điểm mới, ông Kim dừng hoạt động SXKD của HTX để chuyển sang nghề mới. Nhưng đến năm 2013, xưởng chè của gia đình ông hoạt động trở lại. “Bởi qua sự động viên của cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tân Lập, tôi biết mình còn “duyên nợ” với cây chè nên quyết tâm phát triển nghề cũ. Hơn nữa, chè Shan tuyết được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của xã Tân Lập để xóa đói, giảm nghèo nên cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm phát triển” – ông Kim chia sẻ.Bắt tay vào tái sản xuất, điều khó khăn nhất với ông Kim chính là thương hiệu vùng chè. Bởi trong khi nhiều địa phương khác như: Thượng Sơn, Cao Bồ (Vị Xuyên); Chế Là, Nà Chì, Quảng Nguyên (Xín Mần) hay Nậm Ty, Thông Nguyên, Túng Sán (Hoàng Su Phì),... đã xây dựng được thương hiệu chè Shan tuyết chứ danh thì ở Tân Lập, chè Shan tuyết thực sự chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhưng chính điều đó đã giúp ông Kim thêm quyết tâm xây dựng thương hiệu chè. Và ông đã tạo nên danh trà Cổng trời 1, lôi cuốn người thưởng thức bằng sự đặc trưng: Nước xanh, vị đậm, hương thơm của sản phẩm. Đặc biệt hơn, trong năm 2016, danh trà Cổng trời 1 của gia đình CCB Nguyễn Đức Kim đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Giang) Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Giang (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang) cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để SXKD chế biến chè xanh. Đặc biệt, danh trà Cổng trời 1 đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Không những vậy, Chè Shan tuyết Cổng trời 1 còn được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận là 1 trong 8 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016. Điều đặc biệt ở đây, trong số 8 sản phẩm được công nhận thì duy nhất sản phẩm Chè Shan tuyết Cổng trời 1 thuộc sở hữu của hộ SXKD trong khi 7 sản phẩm còn lại thuộc về doanh nghiệp và các HTX...

Để có được danh trà trên, gia đình ông Kim đặc biệt coi trọng nguyên liệu đầu vào và quy trình sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại. “Giữa lúc loay hoay tìm nguồn vốn để nâng cấp dây chuyền sản xuất thì tháng 4.2016, tôi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Nếu không có nguồn vốn vay này thì gia đình tôi chưa thể nâng cấp, mở rộng nhà xưởng và đầu tư nâng cấp máy sào, máy vò hiện đại” – ông Kim chia sẻ. Theo đó, chỉ chưa đầy 3 ngày thẩm định hồ sơ, gia đình ông Kim đã được Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang giải ngân nguồn vốn 500 triệu đồng để mở rộng SXKD. Với số tiền trên, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong suốt 3 năm liên tục. Qua đó, tạo tiền đề giúp ông hiện thực hóa việc nâng cấp cơ sở sản xuất, để trở thành địa chỉ dừng chân lý thú cho du khách trong và ngoài nước khi đến Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì công tác hay tham quan, thưởng ngoạn du lịch. Khi ấy, dừng chân nơi “cổng trời”, du khách không chỉ được thưởng thức chén trà thơm; tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất, chế biến chè kỳ công của gia đình ông Kim: Từ khâu tuyển chọn nguồn nguyên liệu đầu vào (là những búp chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn kỹ thuật – 1 tôm 2 lá) và chế biến theo phương thức truyền thống, cẩn trọng, từ: Sào chè tươi, diệt men, vò, làm xoăn, sao khô đến sao lấy hương đầy tỉ mỉ rồi mới phân loại, đóng gói sản phẩm. Không những vậy, du khách có thể chọn mua cho mình những hộp chè được thiết kế sang trọng để dành tặng bạn bè, người thân hay khách quy,... như một món quà độc đáo mang đậm tinh hoa đất trời vùng cao Hà Giang.

Lý giải cho sự lôi cuốn khi chén chè Shan tuyết Cổng trời 1 ngát hương bên bàn trà, nhiều người sành trà cho rằng: Sự lôi cuốn ấy không chỉ bởi đặc trưng của chè mà ở đó còn có cả tình yêu, sự tâm huyết, trách nhiệm của người làm nên danh trà ấy!.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển kinh tế HTX được đổi mới, đi vào chiều sâu

BHG - Tính đến trung tuần tháng 8, toàn tỉnh có 22 hợp tác xã (HTX) được thành lập theo Luật HTX năm 2012; 13 HTX thành lập theo mô hình HTX thôn Chang (Việt Lâm - Vị Xuyên); 9 HTX hoàn thành thủ tục cấp giấy đăng ký thành lập và bắt đầu hoạt động... Phát triển HTX kiểu mới, HTX bậc cao là chủ trương lớn, tỉnh ta đã và đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm cụ thể hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi lên thăm Hà Giang năm 1961.

31/08/2016
Sức trẻ miền cực Tây

BHG- "Đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, còn phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa. Đối với cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải củng cố tốt các chi bộ và chi đoàn, phát triển Đảng và Đoàn...". Điều thứ 8 trong 8 lời Bác Hồ dạy khi lên thăm Hà Giang tháng 3.1961.

29/09/2016
Đảng bộ xã Phiêng Luông với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị

BHG - Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, hơn 5 năm qua (2011-2016) việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (nay tiếp tục là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh") đã trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong sinh hoạt, học tập và công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã Phiêng Luông (Bắc Mê), qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu chính trị, KT-XH của địa phương.

27/08/2016
Anh Vàng Thống Cáo "bén duyên" với cây nấm

BHG - Đó là câu chuyện làm giàu từ cây nấm của gia đình anh Vàng Thống Cáo, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Về cơ duyên với cây nấm anh tâm sự: "đến với cây nấm là một sự tình cờ, năm 2013, chị Trần Thị Sinh (một người bạn dưới Hà Nội của anh Cáo), khi lên thăm Quản Bạ thấy nơi đây có nhiều điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để cây nấm phát triển, đã quyết định triển khai mô hình trồng nấm Sò và thuê 200 m2 diện tích đất nhà anh. 

25/08/2016