Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Lợi, người lưu giữ nghề dệt truyền thống dân tộc Tày

07:16, 20/10/2016

BHG- Theo dòng chảy thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Quang Bình cũng ngày càng mai một; trong đó, có nghề dệt của người Tày. Thế nhưng, bằng tình yêu với nghề dệt, Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Lợi (sinh 1950) ở thôn Trung, xã Bằng Lang vẫn ngày ngày miệt mài bên khung cửi, dệt nên những tấm vải thổ cẩm đầy màu sắc, hoa văn truyền thống, với mong mỏi lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.

Các sản phẩm dệt, may truyền thống của Nghệ nhân Hoàng Thị Lợi.
Các sản phẩm dệt, may truyền thống của Nghệ nhân Hoàng Thị Lợi.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Trung, tuổi thơ của bà Lợi gắn liền với những câu ca, điệu hát then, hát cọi, với tiếng kẽo kẹt đưa thoi dệt vải của bà, của mẹ, của người già trong bản. Học nghề dệt từ tuổi lên mười, đến tuổi đôi mươi, cũng như bao cô gái Tày, bà Lợi mặc áo váy chàm, mang theo của hồi môn với đầy đủ chăn, gối, đệm tự tay thêu, dệt về nhà chồng. Những lúc nông nhàn, bà lại đưa thoi dệt vải, cắt may quần áo cho chồng, cho con. Bà chia sẻ: Người phụ nữ Tày thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ, chịu khó chính qua những thước vải tự tay dệt ra. Bởi vậy, 5 cô con gái của bà (Hoàng Thị Sơn, Hoàng Thị Hưng, Hoàng Thị Ngần, Hoàng Thị Dư và Hoàng Thị Bính) đều được truyền dạy nghề dệt từ nhỏ.

Ban đầu bà Lợi chỉ dệt may phục vụ nhu cầu trong gia đình, dần dần, nhiều người trong thôn, trong xã nghe tiếng bà “dệt khéo, may đẹp” tìm đến nhờ cắt may những bộ trang phục truyền thống, chăn hoa, địu cẩm. Bởi vậy, đến đầu năm 2007, bà Lợi quyết định mở một Tiệm dệt, cắt may trang phục truyền thống phục vụ nhu cầu người dân địa phương, cũng như tăng thêm nguồn thu, trang trải cuộc sống gia đình. Bà nhập vải chàm của người dân trong làng và vải của Xưởng nhuộm ở Tân Quang (Bắc Quang). Các sản phẩm dệt, may thổ cẩm của bà khá đa dạng, phong phú, như: Khăn, mặt chăn, địu, trang phục dân tộc... Mỗi ngày cố gắng, bà Lợi cũng may được 2 – 3 bộ váy áo hay mặt địu, còn chăn hoa thì phải mất cả tháng trời. Một bộ váy áo truyền thống của người Tày (đầy đủ áo, váy, khăn chíp pi (khăn vấn), vòng nhung) có giá 350 nghìn đồng/bộ; địu dệt 160 nghìn/chiếc; mặt chăn hoa thì từ 800 nghìn đến hơn triệu cũng có. Nhờ sự khéo léo, tỉ mỉ cũng như năng khiếu bẩm sinh và sự sáng tạo, các sản phẩm của bà làm ra được nhiều người trong và ngoài huyện “nghe tiếng” tìm đến tận nơi đặt hàng. Mỗi năm bà Lợi bán được 20 – 30 bộ váy áo truyền thống và vài chục chiếc địu..., vừa thỏa niềm yêu nghề, vừa đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Đến nay, bà Lợi đã có hơn 50 năm duy trì nghề dệt truyền thống. Tuổi càng cao, sức khỏe càng kém, nhưng bà luôn tâm nguyện truyền dạy nghề dệt cho thế hệ trẻ. Nhiều bạn trẻ trong thôn, bản cũng quan tâm, thường xuyên ghé thăm Tiệm may của bà để học hỏi kỹ thuật dệt thổ cẩm, cắt may trang phục truyền thống. Bà Lợi cũng dự định trong 2 – 3 năm tới sẽ cố gắng may chục bộ váy áo dân tộc Tày, dành tặng các cháu ở Trường Mầm non xã. Chị Hoàng Thị Sơn, con gái cả của bà Lợi, phụ giúp bà duy trì Tiệm dệt, may cho biết: “Mặc dù thu nhập từ việc bán các sản phẩm dệt, may truyền thống không quá lớn nhưng để nghề dệt của bà, của mẹ không bị mai một, tôi vẫn sẽ học hỏi, lưu giữ nghề này để còn trao truyền cho con, cháu đời sau”.

Chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của bà Lợi đối với việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống. Anh Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch HĐND xã Bằng Lang cho biết: “Hiện, trên địa bàn xã chỉ có Nghệ nhân Hoàng Thị Lợi thường xuyên làm nghề dệt truyền thống. Các sản phẩm của bà góp phần quan trọng trong việc lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc Tày tại địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện việc đưa văn hóa truyền thống vào các trường học và mời một số nghệ nhân như bà Lợi đến giảng dạy cho các em học sinh”.

YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển kinh tế HTX được đổi mới, đi vào chiều sâu

BHG - Tính đến trung tuần tháng 8, toàn tỉnh có 22 hợp tác xã (HTX) được thành lập theo Luật HTX năm 2012; 13 HTX thành lập theo mô hình HTX thôn Chang (Việt Lâm - Vị Xuyên); 9 HTX hoàn thành thủ tục cấp giấy đăng ký thành lập và bắt đầu hoạt động... Phát triển HTX kiểu mới, HTX bậc cao là chủ trương lớn, tỉnh ta đã và đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm cụ thể hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi lên thăm Hà Giang năm 1961.

31/08/2016
Sức trẻ miền cực Tây

BHG- "Đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, còn phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa. Đối với cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải củng cố tốt các chi bộ và chi đoàn, phát triển Đảng và Đoàn...". Điều thứ 8 trong 8 lời Bác Hồ dạy khi lên thăm Hà Giang tháng 3.1961.

29/09/2016
Đảng bộ xã Phiêng Luông với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị

BHG - Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, hơn 5 năm qua (2011-2016) việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (nay tiếp tục là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh") đã trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong sinh hoạt, học tập và công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã Phiêng Luông (Bắc Mê), qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu chính trị, KT-XH của địa phương.

27/08/2016
Anh Vàng Thống Cáo "bén duyên" với cây nấm

BHG - Đó là câu chuyện làm giàu từ cây nấm của gia đình anh Vàng Thống Cáo, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Về cơ duyên với cây nấm anh tâm sự: "đến với cây nấm là một sự tình cờ, năm 2013, chị Trần Thị Sinh (một người bạn dưới Hà Nội của anh Cáo), khi lên thăm Quản Bạ thấy nơi đây có nhiều điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để cây nấm phát triển, đã quyết định triển khai mô hình trồng nấm Sò và thuê 200 m2 diện tích đất nhà anh. 

25/08/2016