Gần 3 năm đợi... sửa đường ống dẫn nước
HGĐT- Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi được nghe ý kiến của nhiều người dân xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) về việc đường ống dẫn nước từ hồ treo phục vụ cuộc sống bà con hai thôn Xà Phìn A và B cũng như trường Tiểu học của xã bị hư hỏng gần 3 năm nay vẫn chưa được sửa chữa. Tuy không ít lần người dân và chính quyền địa phương kiến nghị lên các cơ quan liên quan nhưng việc khắc phục vẫn... “án binh bất động”. Vào mùa khô, nhiều gia đình phải vất vả vượt mấy cây số đường núi đi lấy nước, thậm chí có những ngày phải “sống khát” ở phía dưới hồ treo.
Theo tìm hiểu, nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch phục vụ ăn uống và sinh hoạt của 68 hộ dân với 358 nhân khẩu ở 2 thôn Xà Phìn A và B, ngày 26.5.2011, UBND huyện Mèo Vạc đã ra Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình Cấp nước sinh hoạt tập trung xóm Xà Phìn A và B. Đây là công trình được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 134 và các nguồn vốn khác do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Đến cuối năm 2011, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây được xem là một trong những công trình có ý nghĩa lớn trong việc góp phần xây dựng NTM, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển KT – XH, đảm bảo AN – QP. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng vận hành, hệ thống đường ống dẫn nước (dài gần 3 km, ống thép mạ kẽm, được néo giữ bằng các mố đỡ kết cấu bê tông) đã bị hư hỏng khiến cho nước từ hồ treo không về tới thôn.
Cán bộ xã Thượng Phùng chỉ rõ đoạn đường ống dẫn nước bị hư hỏng, chưa được sửa chữa gần 3 năm nay.
Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã “mục sở thị” hệ thống dẫn nước này. Theo quan sát, có không ít điểm nối các ống nước bị hư hỏng, vì vậy, mặc dù lượng nước trong hồ treo khá nhiều nhưng nước trong đường ống dẫn thì... không có. Ông Thào Mí Pó, trưởng thôn Xà Phìn A cho biết: “Mới đầu nước chảy về nhiều lắm, trong thôn ai cũng mừng vì đỡ vất vả đi lấy nước như trước. Nhưng được hơn một tháng sau đó thì bỗng dưng không thấy nước về nữa, mọi người đi kiểm tra thì thấy chỗ nối ống nước bị hỏng”. Sau khi tìm hiểu, nguyên nhân chính được xác định là do trẻ em đi chăn thả gia súc đã trèo lên đường ống để chơi đùa, khiến cho các điểm nối bị đứt rời nên nước bị thất thoát. Bên cạnh đó, nhiều người còn đặt ra câu hỏi: Liệu chăng có “vấn đề” về chất lượng công trình?. “Chỉ mong sao các cơ quan chức năng sớm sửa chữa giúp chúng tôi bớt vất vả thôi. Bắt đầu vào mùa khô rồi, thiếu nước khổ lắm.” – Ông Pó tâm sự.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng hư hỏng, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Phùng phối hợp với trường Tiểu học khẩn trương sửa chữa. Nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho các học sinh và giáo viên, trường Tiểu học xã Thượng Phùng đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua máy hàn và một số thiết bị hỗ trợ, đồng thời huy động cán bộ tham gia sửa chữa. Tuy nhiên, do không có kỹ thuật cùng với áp lực nước lớn nên việc khắc phục đành “lực bất tòng tâm”. Anh Nguyễn Minh Tài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mặc dù cán bộ, giáo viên rất nhiệt tình, tranh thủ ngày nghỉ để sửa đường ống nhưng sửa được chỗ này thì chỗ khác lại hỏng. Bây giờ chỉ trông mong vào các đơn vị có kỹ thuật giúp đỡ sửa chữa để tránh gây lãng phí công trình”. Được biết, trước khi có hệ thống đường ống dẫn nước, nhà trường cũng đã chủ động đầu tư đường dây nhựa dẫn nước về phục vụ sinh hoạt của học sinh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn là đường dây bị hỏng nên cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhà trường có 542 học sinh, trong đó có 187 em ở bán trú nên nhu cầu sử dụng nước tương đối lớn, nhất là vào mùa khô kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giáo dục cũng như chăm sóc học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Phùng cho biết: “Hồ treo được xây dựng trên khu vực có lượng nước khá dồi dào nhưng do đường ống dẫn nước bị hư hỏng nên không tận dụng được, gây lãng phí rất lớn. Mặc dù các gia đình và đơn vị trường học đã sử dụng mạch nước nguồn nhưng do khó khăn trong việc giữ nước nên vẫn bị thiếu nếu mùa khô kéo dài. Theo ý kiến của người dân, xã cũng đã có ý kiến kiến nghị lên cấp trên nhưng việc sửa chữa vẫn chưa được thực hiện nên công trình vẫn “bỏ không” từ gần 3 năm nay. Người dân cũng như cấp ủy, chính quyền xã rất mong sớm nhận được quan tâm đầu tư sửa chữa để mỗi mùa khô về không còn nỗi lo thiếu nước”.
Ý kiến bạn đọc