Trẻ tử vong tại xã Yên Hà (Quang Bình) do viêm phổi/suy hô hấp
HGĐT- Trước thông tin trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắc xin sởi – rubella tại xã Yên Hà (Quang Bình). Ngày 16. 11, Hội đồng tư vấn chuyên môn của Sở Y tế đã có cuộc họp đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin tiêm chủng.
Đồng chí Đặng Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp. Cùng dự có đồng chí Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế; ThS. BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư; ThS. BS. Nguyễn Liên Hương, Chuyên gia đánh giá phản ứng sau tiêm chủng - Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.
Trước đó, 8 giờ ngày 14.11.2014, tại Trạm Y tế xã Yên Hà, cháu Đặng Mạnh Tú, dân tộc Dao, sinh ngày 10.3.2013 đã được tiêm vắc xin sởi – rubella do chương trình Tiêm chủng mở rộng cấp (vắc xin đã được kiểm định nghiêm ngặt và cấp phép sử dụng của Bộ Y tế). Qui trình bảo quản, vận chuyển vắc xin từ tỉnh đến huyện, xã, được thực hiện đúng qui định. Tại Hà Giang đã triển khai 2 đợt chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella. Đến nay không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm vắc xin ở tất cả các xã trong tỉnh đã triển khai chiến dịch ngoài trường hợp báo cáo ở trên. Cùng lô vắc xin sởi – rubella trên địa bàn huyện Quang Bình đến nay đã tổng hợp nhanh được kết quả 14.801 trẻ được tiêm sởi – rubella đến nay không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm nào ngoài trường hợp nêu trên. Riêng trong buổi tiêm chủng tại xã Yên Hà có 29 trẻ được tiêm vắc xin sởi – rubella tại điểm tiêm này; 9 cháu khác cùng sử dụng lọ vắc xin với cháu Tú đều bình thường.
Trạm Y tế xã Yên Hà đã thực hiện đúng qui trình tiêm chủng: Khám sàng lọc, chỉ định và sử dụng đúng loại vắc xin, đúng liều lượng, đúng đường tiêm và theo dõi sau tiêm chủng. Sau tiêm vắc xin, cháu Tú được theo dõi tại Trạm y tế 30 phút, không có biểu hiện gì bất thường cũng như các triệu chứng dị ứng toàn thân khác. Về nhà, cháu vẫn chơi và vẫn ăn cơm bình thường.
Tại nhà, 10 giờ sau tiêm chủng cháu có biểu hiện sốt, gia đình không cặp nhiệt độ, không điều trị và cũng không thông báo cho các cơ sở y tế biết. Đến 13 giờ ngày 15.11 (19 giờ sau khi sốt), thấy cháu có biểu hiện sốt cao và co giật; gia đình đưa cháu đến Phòng khám Đa khoa xã Xuân Giang (Quang Bình) lúc 14 giờ 50 phút cùng ngày sau đó chuyển đến bệnh viện huyện với các triệu chứng sốt cao, co giật, li bì, thở nhanh, phổi có ral ẩm, mạch 141 lần/phút, SP02: 74. Chụp X quang phổi có hình ảnh viêm phổi (phế huyết quản hai bên tăng đậm, đỉnh phổi hai bên mờ đậm). Cháu Tú đã được Bệnh viện xử trí kháng sinh, thở oxy, truyền dịch.
Với biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng như trên, đây là trường hợp viêm phổi/suy hô hấp. Bệnh diễn biến nặng nhanh, trẻ tử vong.
Cơ quan pháp y đã tiến hành khám tử thi, kết luận toàn thân không phù nề, không có tổn thương; trên da, tại vết tiêm không có biểu hiện bất thường.
Sau khi phân tích, tổng hợp các đánh giá theo từng nhóm nguyên nhân có thể xảy ra, Hội đồng tư vấn chuyên môn của Sở Y tế đã thống nhất kết luận: Cháu Đặng Mạnh Tú tử vong do viêm phổi/suy hô hấp.
Ý kiến bạn đọc