Bảo tồn và phát triển nghề thuốc Nam của người Dao ở Nậm Ty

07:07, 12/11/2014

HGĐT- Nằm dưới dải Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, có độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu đãi với thảm thực vật phong phú, nơi đây không chỉ sở hữu hàng trăm loài cây thuốc quý mà còn lưu giữ rất nhiều bài thuốc dân gian, có khả năng chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Trong đó phải kể đến các bài thuốc Nam gia truyền của dân tộc Dao ở Nậm Ty.



Những mẻ thuốc Nam được các thành viên trong HTX phơi rất kỳ công và cẩn thận.


Chúng tôi về thăm xã Nậm Ty khi vụ gặt vừa kết thúc, bà con nơi đây ai ai cũng đều phấn khởi vì lúa năm nay được mùa. Trên mảnh đất trù phú này, từ lâu bà con các dân tộc Dao, Mông, Kinh... sống hòa thuận bên nhau, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Khi được hỏi về nghề truyền thống của người dân, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Hợp liền khoe với chúng tôi: Mỗi khi nhắc đến nghề truyền thống, không thể không nhắc đến nghề làm thuốc Nam gia truyền từ lâu đời của các gia đình người Dao trong xã. Trải qua bao năm tháng, nhiều hộ gia đình vẫn giữ nghề, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Nhiều người trong vùng không biết nghề thuốc có từ bao giờ, chỉ biết rằng những người cao niên ở trong xã cũng từng đi hái thuốc, bốc thuốc và bán thuốc. Tuy nhiên, đây vẫn là nghề tay trái, nghề chính của bà con dân tộc Dao ở đây vẫn là làm ruộng, chăn nuôi.


Tới thăm nhà chị Phàn Thị Moang, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sản xuất và thu mua cây thuốc Nam, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là những mẻ thuốc được phơi rất kỳ công và cẩn thận. Chị Moang cho biết: Nghề thuốc có từ ngày xửa ngày xưa, phải hơn 100 năm rồi. Ông bà truyền cho bố mẹ, bố mẹ lại truyền cho các con, cứ thế mà nghề thuốc Nam vẫn được lưu truyền và phát triển như ngày nay. Hiện tại, trên địa bàn xã Nậm Ty có rất nhiều gia đình người Dao vẫn giữ được nghề làm thuốc Nam , chữa bệnh. Qua lời anh Phàn Tà Diu – chồng chị Moang, chúng tôi được biết, trước đây, những cây thuốc Nam sẵn có ở trên rừng. Tuy nhiên, do bị khai thác quá mức dẫn đến một số loài cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng hoặc còn rất ít. Hiện nay, để tìm được các loại thuốc phải lên tận núi cao, công việc hết sức vất vả.



Các cây thuốc quý như: Lan gấm, Bẩy lá một hoa đang được bảo tồn, nhân giống tại vườn thuốc Nam của gia đình chị Phàn Thị Moang


Đầu năm 2014, những người Dao ở đây đã tập hợp nhau lại thành lập HTX để bảo tồn và phát triển nghề thuốc, lấy tên là HTX sản xuất và thu mua cây thuốc Nam với 32 thành viên tham gia. Chị Triệu Mùi Chản, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Nếu cứ để khai thác tự do, mạnh ai người ấy lấy như trước đây, thì chỉ vài năm nữa là vùng núi này sẽ tuyệt chủng các cây thuốc quý. Sau khi thành lập HTX, các thành viên có trách nhiệm bảo tồn, phát triển các loài thuốc quý của dân tộc mình. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong HTX sẽ quy hoạch để trồng một vườn cây thuốc Nam tại gia đình với mục đích vừa để bảo tồn, vừa để nhân giống các loài cây thuốc quý đang ngày hiếm như: Kim tuyến, Lan gấm, cây Khôi, Huyết dụ, Bẩy lá một hoa, Thài lài tía... Hiện nay, đồng bào Dao ở đây vẫn còn lưu truyền được nhiều bài thuốc cổ truyền rất quý, đang được nhiều người biết và chữa bệnh có hiệu quả như: Thuốc bó gãy xương; thuốc làm tan sỏi thận, sỏi bàng quang; thuốc giúp chị em phụ nữ sau khi sinh; thuốc chữa bệnh vô sinh... Ưu điểm của những loại thuốc này là khi uống không để lại phản ứng phụ, giá cả phù hợp, dễ nấu, dễ uống.


Đồng chí Nguyễn Tiến Hợp, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để có định hướng bảo tồn nghề thuốc gia truyền của đồng bào Dao, từng bước tạo được thương hiệu thuốc Nam . Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ cùng với HTX khảo sát, thống kê lại những loài cây thuốc Nam trong rừng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong xã cùng bảo tồn và phát triển những cây thuốc quý đang dần bị mai một. Bên cạnh chữa bệnh cứu người, nghề thuốc Nam gia truyền cũng đang góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình người Dao. Tuy nhiên, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và cộng đồng để phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, mang lại giá trị kinh tế cho người dân tại địa phương.


Góp vốn, đất đai, cây thuốc... thành lập HTX, cách làm này đã và đang giúp cho đồng bào người Dao ở xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc cũng như các bài thuốc quý của dân tộc.


TIẾN LÂM

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Quang Bình: Nỗ lực tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS
HGĐT- Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn, việc lây truyền căn bệnh này. Những năm qua, huyện Quang Bình đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả góp phần đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
29/10/2014
10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm
HGĐT- Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, trong 10 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 người mắc; trong đó, 7 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc chủ yếu là do độc tố tự nhiên, đặc biệt là ngộ độc do ăn phải quả rừng và bánh ngô bị mốc...
29/10/2014
Triển khai Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết 1 năm Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone
HGĐT- Ngày 29.10, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống TPTNXH & phong trào toàn dân BVANTQ tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 20.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết 1 năm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Dự hội nghị có đồng chí Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế, Phó BCĐ, các ngành thành viên BCĐ…
29/10/2014
Xã Đông Minh 3 năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3
HGĐT- Lâu nay, vấn đề sinh con thứ 3 ở các huyện vùng cao luôn khó giải quyết. Thế nhưng, nhận thức được sự khó khăn của việc sinh đông con, nhà nghèo; người dân ở xã Đông Minh (Yên Minh) đã thực hiện tốt việc kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), giữ vững thành tích 3 năm liền không có người sinh con thứ 3, một tỷ lệ sinh thấp nhất huyện.
28/10/2014