07:40, 19/06/2012
Hàng năm ở nước ta vào các tháng mùa hè, có mưa nhiều, bệnh sốt xuất huyết rất dễ bùng phát, bệnh không khu trú ở một vùng nào của đất nước. Có 2 loại bệnh sốt xuất huyết, đó là bệnh sốt Dengue và bệnh sốt xuất huyết Dengue cùng chung một loại virus Dengue gây bệnh nên được gọi là bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD).
Sự nguy hiểm của bệnh SXHD
Thực ra bệnh SXHD không chỉ có ở nước ta mà nó có ở tất cả các nước nằm trong vùng nhiệt đới. Bệnh có tính chất lây lan nhanh và rất có khả năng gây thành dịch làm cho nhiều người ở trong một vùng, một địa phương và trong một thời gian nhất định cùng mắc bệnh SXHD. Loại vi sinh vật gây bệnh là virus Dengue, khi bị bệnh thì các loại kháng sinh vô tác dụng đối với loại virus này. Đây là một điều hết sức bất lợi cho người bệnh cũng như bất lợi cho các bác sỹ khám bệnh, điều trị và cũng có nghĩa là bất lợi cho cộng đồng.
Phun thuốc trừ muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết.
|
Quá trình lây lan của bệnh SXHD có liên quan mật thiết với muỗi truyền bệnh. Nếu không có các loài muỗi truyền virus Dengue từ người bệnh sang cho người lành thì sẽ không có dịch sốt xuất huyết Dengue xảy ra. Có hai loài muỗi truyền bệnh SXHD, đó là muỗi Aedes aegypti và Aedes alborpitus (muỗi vằn). Nói chung cả hai loài muỗi này đều có những đặc tính chung là hút máu người cho đến khi dạ dày đầy máu mới rời vật chủ. Chúng thường đậu ở nơi tối, đậu cao tới trên 2m và bay đi khá xa. Chúng có thể đậu ở góc nhà, trên quần áo, màn, dây phơi quần áo, tường nhà…
Chúng có thể đốt và hút máu người cả ban ngày, lẫn ban đêm, nhất là lúc sáng sớm và lúc chập tối. Đặc điểm của các loài muỗi lại rất dễ phát triển vào những mùa mưa do nước là môi trường thuận lợi nhất để muỗi trưởng thành đẻ trứng. Bệnh SXHD rất nguy hiểm vì tính chất lây lan nhanh đồng thời triệu chứng rất phức tạp. Để giúp cho việc chẩn đoán, nhận biết, tiên lượng bệnh và tìm giải pháp xử trí phù hợp với tình hình của từng cơ sở y tế, người ta chia SXHD thành 4 mức độ:
Độ I: sốt đột ngột, kéo dài từ 2 - 7 ngày, có dấu hiệu dây thắt dương tính.
Độ II: triệu chứng như độ I kèm theo xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc niêm mạc.
Độ III: có biểu hiện của tiền sốc, bắt đầu suy tuần hoàn, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp hạ hoặc kẹp (hiệu số giữa huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg), kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt khó chịu, vật vã hoặc li bì.
Độ IV: Sốc xảy ra, mạch nhỏ, nhanh, khó bắt, huyết áp không đo được (huyết áp = 0).
Đặc trưng của SXHD là sốt, xuất huyết và làm thoát huyết tương dẫn đến giảm thể tích máu gây sốc kéo dài, nếu không được chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến nguy kịch và tử vong. Vì vậy, đối với bệnh SXHD điều quan trọng số một là cần phát hiện sốc càng sớm càng tốt, xử lý kịp thời. Có hai giai đoạn của sốc trong bệnh SXHD là tiền sốc và hội chứng sốc Dengue.
Tiền sốc bao gồm một số triệu chứng như vật vã hoặc lừ đừ, li bì; đau bụng; da xung huyết, tay, chân lạnh nhất là vùng gan bàn tay, bàn chân, đầu ngón tay, ngón chân, da lạnh, ẩm. Có dấu hiệu “ấn ngón tay” (hay còn gọi là thời gian hồi phục màu da kéo dài ≥ 2 giây), vị trí xác định của dấu hiệu này là đầu các ngón tay hoặc mặt trong cẳng tay. Hoặc có dấu hiệu dây thắt dương tính. Tiền sốc tương ứng với SXHD độ III.
Hội chứng sốc Dengue bao gồm tất cả các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue kèm theo các triệu chứng như hạ thân nhiệt đột ngột, da ở tay chân lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp hạ hoặc kẹp. Đi tiểu ít nước tiểu. Triệu chứng sốc của SXHD thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến thứ 6 của bệnh. Hội chứng sốc Dengue tương ứng với SXHD độ IV. Một điều nữa cũng cần được lưu ý là mặc dù bệnh SXHD nặng, nguy hiểm và không xử trí kịp thời thì rất có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi nhưng cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị đối với loại virus Dengue.
Cần làm gì khi có bệnh SXHD xảy ra?
Khi trong gia đình, một lớp học có người sốt cao, đặc biệt có nhiều người cùng mắc thì nên nghĩ đến là bệnh sốt xuất huyết và cần khẩn trương cho người bệnh đến cơ sở y tế để khám bệnh, đặc biệt là trẻ em (trẻ càng nhỏ càng phải được đặc biệt quan tâm). Sau khi đã có ý kiến của bác sỹ khám bệnh, nếu thể bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà riêng. Tại nhà riêng phải luôn luôn có người chăm sóc và theo dõi tình trạng bệnh của người bệnh (đặc biệt là trẻ em) kèm theo cho uống nhiều nước, nhất là dung dịch oresol (ORS). Ngoài ra nên cho người bệnh (trẻ em, người lớn) uống thêm nước hoa quả tươi như cam, chanh, dưa hấu, xoài… Nên cho ăn nhẹ như cháo, súp, canh và uống thêm sữa (với trẻ còn bú mẹ thì không hạn chế số lần bú và số lượng sữa bú).
Cần hạ sốt khi thân nhiệt ≥ 38oC (nên lưu ý là nếu cặp nhiệt độ ở nách hoặc bẹn thì cần cộng thêm ½ độ) bằng cách cho uống thuốc paracetamol với liều lượng 10mg/1kg cân nặng, với trẻ nhỏ có thể dùng loại paracetamol viên nang đút vào hậu môn. Ngoài ra nên chườm mát (với trẻ nên chườm ấm, tức là nhiệt độ của nước dùng để nhúng khăn vào đắp lên trán, bẹn cho trẻ nên thấp hơn nhiệt độ của cơ thể trẻ khoảng chừng 2 độ). Vị trí chườm khăn mát, ấm là trán, bẹn, nách.
Không nên chườm lạnh hoặc nước đá cho trẻ vì sẽ làm hạn chế thoát nhiệt của cơ thể trẻ. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin để hạ nhiệt cho người bệnh. Cần theo dõi sát người bệnh, nhất là trẻ em nếu thấy hiện tượng xuất huyết dưới da (chấm, mảng, bầm tím…) hoặc chảy máu mũi, chảy máu chân răng, thậm chí nôn ra máu hoặc bệnh diễn biến nặng lên như chân tay lạnh, thân nhiệt giảm, li bì hoặc vật vã, đau bụng, buồn nôn, nôn thì cần cho người bệnh đến ngay bệnh viện nơi gần nhất để cấp cứu kịp thời không được chần chừ vì bất kỳ lý do gì.
suckhoedoisong.vn
Ý kiến bạn đọc