Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm ở Bắc Quang
(HGĐT)- Thực phẩm trên thị trường có được vệ sinh, an toàn hay không luôn là vấn đề được người tiêu dùng, xã hội quan tâm, nhất là trong vài năm trở lại đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta nói chung vàhuyện Bắc Quang nói riêng có chiều hướng gia tăng cả về số vụ cũng như tính chất ngộ độc của mỗi vụ.
Những loại thực phẩm, đồ ăn sẵn bày bán tại chợ trung tâm huyện Bắc Quang luôn được người dân chấp hành tốt việc đảm bảo VSATTP.
|
Hầu hết các vụ ngộ độc thường xảy ra tại các khu dân cư thuộc vùng sâu, vùng xa do nhận thức của người dân còn hạn chế, ăn các loại nấm độc và các loại thực phẩm bị mốc, ôi thiu…Điều đó đã đặt ra cho các ngành chức năng, nòng cốt là Trung tâm Y tế dự phòng huyện có biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tối thiểu những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện Bắc Quang, chúng tôi tìm đến cơ quan chuyên môn, trực tiếp phụ trách vấn đề này, đó là Phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thuộc Trung tâm Y tế dự phòng huyện. Qua tham khảo những số liệu báo cáo từ đầu năm tới nay, được biết: 6 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn huyện Bắc Quang xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, chủ yếu là ngộ độc do ăn nấm độc 4 vụ, còn lại là ngộ độc do rượu và do thuốc diệt cỏ, với tổng số người mắc là 17 người, trong đó có 4 người tử vong. Cũng theo số liệu điều tra, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 115 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 877 cơ sởkinh doanh, 117cơ sở dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể. Qua công tác kiểm tra, thanh tra của đoàn thanh tra liên ngành gồm các đơn vị: Y tế, Công an, Quản lý thị trường, Thuế), có 483 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, trong đó có 382 cơ sởđạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện hoạt động; phát hiện 103 cơ sở có dấu hiệu vi phạm, bị nhắc nhở, cảnh cáo; 7 cơ sở vi phạm, bị phạt hành chính với số tiền 1,4 triệu đồng; không có cơ sở bị đình chỉ, đóng cửa.
Để đảm bảo chất lượng VSATTP, tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp từ huyện đến cơ sở xã, thị trấn cũng thường xuyên phối hợp, tổ chức tốt các đợt kiểm tra, đặc biệt là khu vực chợ trung tâm huyện lỵ, chợ phiên ở các xã. Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP và khám sức khoẻ định kỳ cho những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác truyền thông được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng với các nội dung: Tuyên truyền Tháng hành động VSATTP, phòng, chống ngộ độc; các văn bản quy định tiêu chuẩn, điều kiện VSATTP; nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…. những nội dung đó được tuyên truyền rộng khắp các địa bàn, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Qua các hoạt động trên, ý thức người dân và những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng lên rõ rệt, hạn chế nhiều vụ ngộc độc và tử vong đáng tiếc do ngộ độc thực phẩm gây ra.
Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động phòng, chống ngộ độc diễn ra thường xuyên, có hiệu quả hơn, cần có cán bộ chuyên trách về vấn đề này ở cấp xã; các trang thiết bị để xét nghiệm về VSATTP cần được đầu tư đầy đủ (hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng huyện chưa làm được các mẫu xét nghiệm kim loại nặng, dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật và một số chất bảo quản thực phẩm), nhưng điều quan trọng hơn cả là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện phải nghiêm túc thực hiện những quy định về VSATTP; mỗi người dân phải là những nhà tiêu dùng thông thái khi ăn, sử dụng các loại thực phẩm, phụ gia dễ gây ngộ độc.
Ý kiến bạn đọc