Bí quyết giữ cho huyết áp chuẩn
Tăng huyết áp không phải là bệnh mà là một hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt còn có thể đơn thuần do ăn uống ở một số người quá thừa protein, ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn uống các chất quá dư thừa, cơ thể ít vận động, người béo phệ.
Người bị tăng huyết áp nên lựa chọn chế độ ăn nhiều rau quả tươi. |
Đối với chất đạm (protein): Cần hạn chế không ăn nhiều, có thể ăn 0,5-1g/kg trọng lượng cơ thể người bình thường (50kg), tương đương nửa lạng thịt trong ngày để duy trì tình trạng sức khỏe bình thường.
Nên chọn loại thịt trắng (gà, vịt...) tốt hơn là các loại thịt đỏ (trâu, bò...). Không nên ăn các loại thịt tẩm ướp nhiều gia vị như lạp xường, xúc xích, dăm bông... Hạn chế ăn thịt gia súc, gia cầm non, phủ tạng động vật như gan, óc, bầu dục... vì có nhiều nucleoprotein, khi tiêu hóa sinh ra các chất purin, acid uric có hại cho gan, thận, tim, mạch.
Có thể ăn đậu đỗ để bổ sung nguồn protein thực vật cho cơ thể.
Đối với chất béo (lipid): Không nên ăn quá 30g lipid/ngày, trong đó nên ăn dầu thực vật. Những thức ăn giàu chất béo thường có nhiều cholesterol, (mỡ động vật, phủ tạng động vật...), không nên ăn, nhất là những người tăng huyết áp xơ vữa động mạch.
Đối với chất đường (glucid): Nếu ăn nhiều dễ gây béo phì, không tốt cho người tăng huyết áp, vì vậy cần giảm bớt.
Ngoài ra người bị tăng huyết áp không nên dùng các chất kích thích như rượu, cà phê, nước trà đặc, thuốc lá...
Rất tốt nếu ăn nhiều rau xanh: Rau xanh tươi chứa nhiều vitamin, ăn nhiều có lợi cho cơ thể vì nó ổn định huyết áp. Rau xanh chứa nhiều kali, có tác dụng thải loại natri ra ngoài. Vì vậy ăn nhiều rau xanh có tác dụng phòng tăng huyết áp. Rau xanh và các loại hoa quả chứa nhiều chất xơ có tác dụng thúc đẩy quá trình bài tiết ra ngoài nhanh hơn, rất tốt cho cả người huyết áp cao và huyết áp thấp, sẽ phòng ngừa được chứng bí đại tiện mà người tăng huyết áp hay mắc.
Vận động vừa sức: Sáng dậy vận động có 3 cái lợi lớn là có thể phòng bệnh béo phì, rèn luyện cơ thể làm tinh thần thoải mái, và loại trừ các áp lực. Thời gian vận động tốt nhất là 30 phút bằng cách tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp, nhảy dây... Người tăng huyết áp trước khi vận động mạnh cần kiểm tra tim thật cẩn thận, lựa chọn cách vận động thích hợp để tránh xảy ra sự cố.
Duy trì không khí gia đình vui vẻ
Cả nhà đoàn tụ là "liều thuốc ổn định huyết áp": nhịp sống hiện đại luôn căng thẳng bận rộn và nhiều áp lực, đó là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp, nhưng muốn thay đổi những áp lực đó không phải dễ, chỉ có gia đình mới có thể làm giảm và loại trừ những áp lực đó. Rất nhiều trường hợp người bệnh uống thuốc theo đơn bác sĩ mà vẫn không khỏi, nhưng bệnh lại thuyên giảm do có cuộc sống gia đình hòa hợp. Để luôn giữ cho huyết áp ở mức bình thường cần phải có môi trường gia đình vui vẻ, hòa hợp, ấm áp. Nếu vợ chồng hay cãi cọ nhau hoặc giữa cha con, mẹ con có rạn nứt thì nhất định sẽ làm huyết áp tăng lên.
Không được sống buông thả
Không có gì hại hơn là chơi bời thâu đêm, nhảy nhót, đánh bạc... khiến người mệt mỏi, tinh thần luôn căng thẳng, trạng thái đó luôn thúc đẩy trở thành tăng huyết áp, làm cho tim phải chịu gánh nặng hơn.
Cuộc sống tình dục của người tăng huyết áp không được quá độ vì hoạt động tình dục tốn rất nhiều sức lực dễ gây hậu quả xấu, nên "sinh hoạt" khi trong người thư thái thoải mái, có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Luôn cảnh giác, tránh lo lắng
Độ tuổi thanh thiếu niên: Ngay từ nhỏ rèn cho trẻ thói quen ăn uống, không cho trẻ ăn quá mặn và quá thừa dinh dưỡng, vì đó là nguyên nhân gây béo phì và xơ cứng động mạch.
Ở độ tuổi 20-30: Thời kỳ này cần tạo thói quen ăn uống hợp lý, sao cho không bị béo phì. Đây là thời kỳ đẹp nhất của đời người, rất dễ vì mục đích phấn đấu vươn lên mà không quan tâm đến sức khỏe, chủ quan cho là mình có thể lực dồi dào, quá coi trọng công việc và vui chơi làm huyết áp tăng lên, kết quả là rất dễ mắc bệnh tăng huyết áp.
Ở trên 40 tuổi: Ở độ tuổi này càng cần chú ý tới việc điều tiết ăn uống, vì lúc này lượng vận động giảm nhiều, nếu ăn nhiều sẽ bị phát phì. Đây cũng là thời kỳ huyết áp dễ thay đổi nhất nên hết sức lưu ý kiểm tra thường xuyên. Thời kỳ đầu bị tăng huyết áp dễ dẫn tới đau đầu, đau bả vai, huyết áp cũng lên xuống thất thường. Người trong độ tuổi 40-50 bị xuất huyết não cũng không hiếm, cho nên càng phải chú ý không làm việc quá sức, không vận động quá nhiều làm người mệt nhoài, mọi hoạt động phải hài hòa đúng mực.
Ở độ tuổi trên 50: Định kỳ đo huyết áp là cần thiết dù là người bình thường hay người bị tăng huyết áp đều phải biết tình trạng huyết áp của mình để phòng ngừa và chữa trị cho hiệu quả.
Ở độ tuổi trên 60: Cần chú ý tới chất và lượng bữa ăn, không ăn nhiều, ăn quá no. Người cao tuổi vị giác cũng không nhạy cảm nên thường thấy thức ăn nhạt nhẽo, thích ăn thêm nhiều gia vị, như vậy lượng muối ăn cũng nhiều lên gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể, vì vậy người già cần chú ý không ăn nhiều muối, đường.
Ý kiến bạn đọc