Xuân của những người đi “mở đất”
HGĐT- Có những người lính tuy giữa thời bình nhưng vẫn hằng ngày phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Có những hy sinh thầm lặng mà không dễ gì chia sẻ. Có những khoảnh khắc thanh bình sau mỗi “trận đánh”, những người lính lại dành thời gian hiếm hoi ngắm hoa đào nở, tận hưởng thời khắc xuân về. Họ là những cán bộ, chiến sỹ tuổi đời còn rất trẻ của đơn vị 17 công binh, đoàn B16 (Quân khu 2) - Những người làm nhiệm vụ rà phá vật cản trên mảnh đất quê hương nơi vùng cao cực Bắc.
Trên độ cao hơn 1000m, những ngôi nhà của các hộ dân thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thuỷ, Vị Xuyên nhỏ xíu như hộp diêm bồng bềnh trong sương, đẹp và lãng mạn như miền cổ tích. Từ ngã ba Vị Xuyên, chúng tôi lội bộ qua suối, vượt cầu treo, “tăng bo” mấy con dốc dài mà nghe hơi thở qua tai. Sau hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ, gặp những rừng vầu, rừng trúc với thảm lá rụng ken dày, êm ái như chiếc đệm tự nhiên chúng tôi đã đến nơi các anh đang thực hiện nhiệm vụ.
Đã gần 9 giờ sáng mà toàn bộ dãy núi nơi đây vẫn chìm trong một mầu trắng đục. Sương những là sương. Sương trên trời, dưới đất, ngang lưng, trước mặt, phía trước, phía sau, sương từ lòng núi, khe sâu, từ những cây cổ thụ phát ra vất vít lấy cây cỏ, đậu trên vai áo thành những giọt long lanh, nhỏ xíu. Những cây vầu, nứa, trúc, cây tế (dương xỉ) đã ken dày dễ làm người ta lầm tưởng nơi đây là vùng đất an toàn, quyến rũ bởi nét hoang sơ. Tuy nhiên, những người dân ở thôn Nậm Ngặt là người hiểu rõ nhất những hiểm nguy luôn rình rập khi phải thường xuyên hứng chịu hậu quả từ những “quả lạ” ẩn mình trong lòng đất, trong rừng cây, vạt đồi nơi mảnh đất họ đang sinh sống. Cả thôn chỉ có hơn chục nóc nhà, thì đã có đến 11 người bị thương do vấp phải bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại. Những tiếng nổ bất thần kéo theo nỗi ám ảnh về một người, một con trâu, con bò hoặc muông thú sẽ bị thương và họ luôn mong muốn một ngày sẽ có những người đến giúp họ xoá đi nỗi ám ảnh đó. Khi những cán bộ, chiến sỹ đơn vị về rà phá vật cản ở địa phương, ông Bồn Văn Bằng, Trưởng thôn Nậm Ngặt và bà con đã đến tận nơi để cảm ơn các chiến sỹ đến giúp lấy đi “trái đắng” trên mảnh đất của họ. Cũng chính thời gian đã làm cho công việc của những người lính công binh rà phá vật cản thêm vất vả, chứa đựng nhiều yếu tố hiểm nguy. Không còn bản đồ hay bất cứ một tài liệu nào mô tả về số lượng vật cản, sơ đồ bố trí. Cây cỏ mọc tràn lan và những thay đổi về địa chất, sông suối đổi dòng… nên mỗi cm2 trên mảnh đất này đều ẩn chứa hiểm nguy đòi hỏi sự thi gan về cả trí và lực thậm chí cả máu của người lính đã đổ.
Theo chân những người lính công binh với “lỉnh kỉnh” các loại đồ nghề, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình quen thuộc của họ trong chuỗi ngày đi tìm “quả lạ”. Đại uý Nguyễn Đức Hoan, Đại đội trưởng tập hợp đội hình, phân công nhiệm vụ, quán triệt qui tắc bảo đảm an toàn… tới từng tổ dò gỡ của đơn vị. Theo nhiệm vụ đã phân công, Trung uý (CN) Bùi Văn Xuyên, Trung đội phó trực tiếp chỉ huy mũi dò trinh sát. Chàng trai quê gốc Tam Dương, Vĩnh Phúc đã có thâm niên 5 năm liên tục làm nghề rà phá vật cản. Với bản lĩnh và kinh nghiệm của người từng trải, anh thường xuyên được cấp trên tín nhiệm cử làm mũi đi đầu và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Nhiệm vụ của tổ trinh sát vẫn phải thực hiện đúng các qui trình “phát, thuốn, xúc”, song đây là bước khảo cứu để đánh giá số lượng, chủng loại vật cản để rút kinh nghiệm cho toàn đội và hình thành tuyến an toàn cho các tổ phía sau thực hiện nhiệm vụ. Theo lệnh của anh Xuyên, tổ trinh sát bắt đầu thực hiện nhiệm vụ bằng sự nghiêm túc, khẩn trương và cực kỳ cẩn trọng. Trong bộ áo giáp chống đạn và chiếc mũ bảo hiểm, các chiến sỹ thận trọng dùng cần câu tre lùa vào khe kẽ của từng tán cây, bụi cỏ, lần tìm dây vướng của mìn vướng nổ và tiến hành khắc phục tại chỗ. Kế đến là công đoạn phát quang, cũng là sự khởi đầu cuộc thi gan của những người lính. Chiếc máy minelab do Trung sỹ Nguyễn Văn Minh điều khiển, dò chi tiết từng bước chân đặt xuống. Đèn tín hiệu nhấp nháy cho biết bên dưới có sắt thép. Chiếc thuấn xiên chếch một góc 450 và bằng đôi mắt cảm nhận của đôi tay, óc phán đoán để ước lượng cự li, độ nông, sâu vật cản. Sau khi xác định đúng vị trí, anh dùng chiếc xẻng gạt từng lớp đất mỏng. Từng giọt mồ hôi đang rịn dần trên khuôn mặt sạm nắng mà anh không chút bận tâm, họ chưa bao giờ cho phép mình được đơn giản hay bỏ qua bất cứ một chi tiết cho dù là nhỏ nhất. Tất cả những người người lính công binh khi thực hiện nhiệm vụ đều phải tuân thủ qui tắc bất biến: “Cẩn trọng, nghiêm túc, tập trung cao độ” bởi chỉ cần một sơ xuất hoặc phút thiếu tập trung thì người lính sẽ không còn cơ hội để rút kinh nghiệm lần thứ hai. Các tổ dò gỡ ở mũi trinh sát đã hoàn thành nhiệm vụ trong phạm vi mình đảm nhiệm. Sản phẩm mà họ thu được là những vật liệu nổ không đồng cỡ, có quả đã hoen gỉ bởi thời gian, có quả vẫn vẹn nguyên mầu nhựa, tất cả đều hiền khô như nụ cười người lính, song tôi cũng hiểu rằng chỉ một phút cựa mình nổi giận, chúng sẽ gây hậu quả thật khó lường.
Sự gan dạ, lòng dũng cảm, óc thông minh, sự tinh tế là những yếu tố hội tụ đủ trong con người lính công binh. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến Trung uý (CN) Hầu Đức Tình, Trung đội trưởng, xử lí đầu đạn M79. Đây là loại cối cá nhân hoạt động theo nguyên lý kích nổ bằng vòng xoay của một chiếc bi ở bên trong quả đạn. Anh Tình dùng chiếc dùi sắt nhỏ gạt từng ít đất để lộ quả mìn, kế đến anh dùng cả hai bàn tay nhấc nhẹ và giữ cố định quả đạn cối trên tay như nâng quả trứng mỏng manh, dễ vỡ, đặt vào khu vực tập kết. Anh quay sang chúng tôi, giải thích: “Điều cốt yếu khi dò gỡ loại mìn này, người lính không được làm dịch chuyển trái mìn, nếu không sẽ làm viên bi bên trong quả đạn di chuyển kích vào hạt nổ gây mất an toàn.” Và anh cho biết thêm tính năng, hoạt động của một số loại mìn các anh thường gặp, trong đó có những loại mà lực tác động chưa đầy 0,2gram cũng có thể gây nổ. Có những loại mìn sau khi nổ, sẽ bắn ra rất nhiều những quả mìn nhỏ lẫn vào cỏ cây, đất đá rất khó phát hiện, tìm kiếm. Tuy chỉ to bằng đồng xu nhưng sức công phá của loại mìn này có thể gây cụt chân người, gia súc, muông thú nếu chẳng may dẫm phải. Chiếc máy dò đã giúp ích rất nhiều cho cho việc phát hiện các vật cản bằng kim loại. Tuy nhiên, với mật độ dày đặc (mỗi m2 hàng trăm tín hiệu) nên khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ đơn vị phải phải vận dụng hết các kiến thức, kinh nghiệm, kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức hiện đại và phương pháp truyền thống để khắc phục. Có những kỷ lục mà có lẽ chỉ lính công binh mới lập được. Đó là khi thực hiện dò gỡ, các chiến sỹ phải dùng mũi thuốn để phát hiện vật cản. Mỗi mũi thuốn cách nhau 2-3 cm. Như vậy, mũi thuốn phải trải toàn bộ diện tích có vật cản. Một kỳ công mà mũi thuốn cũng là con số không nhỏ chút nào. Chiếc xẻng công binh nhỏ, gọn nhưng phải xúc hàng ngìn m3 đất đá (có nơi chiều sâu đến 5m) đến lớp đấi không còn vật cản. “Rút kinh nghiệm đầu bờ” – Đó là những cuộc hội ý hết sức căng thẳng, nghiêm túc được tiến hành ngay sau khi phát hiện “vật nổ lạ” nhằm tìm hiểu tính năng gây nổ, phạm vi sát thương, biện pháp khắc phục để phổ biến đến tất cả các tổ, đội dò gỡ. Hay chiếc mũ bảo hiểm chỉ dùng khi tham gia giao thông, nay cũng xuất hiện tại “chiến trường” khắc phục vật cản. Chiếc mũ giúp người lính tránh được sát thương nhẹ, đất đá văng ra nếu chẳng may quả mìn phát nổ, nên trở thành người bạn đồng hành thân thiết khi người lính làm nhiệm. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng mồ hôi và những giọt máu thắm của người lính công binh ở đâu đó vẫn đổ, để đất mẹ xanh mầu sự sống...
Qua gần 6 tháng “bám trụ”, bằng công sức, lòng quả cảm, óc sáng tạo, cán bộ, chiến sỹ đơn vị 17 công binh đã tháo gỡ an toàn và vô hiệu hoá 12.358 quả đạn cối, mìn bộ binh các loại, 445 quả lựu đạn, hàng nghìn kg chông chân chim... làm sạch hơn 40ha đất đai của thôn Nậm Ngặt, Thanh Thuỷ (Vị Xuyên). Những kết quả trên phản ánh quá trình làm việc tận tụy, sáng tạo, không quản ngại hy sinh, gian khổ. Và xuân này, những người lính công binh đơn vị 17, đoàn B16, vẫn hát tiếp “bài ca mở đất” trên vùng cao cực Bắc.
Ý kiến bạn đọc