Chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản vàng trên địa bàn tỉnh

17:23, 18/01/2010

HGĐT- Theo sổ mỏ và điểm quặng khoáng sản được Bộ TN-MT bàn giao cho UBND tỉnh cùng với kết quả phát hiện trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta có 16 điểm mỏ, điểm quặng vàng phân bố tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Bắc Mê.


Các điểm quặng này tồn tại dưới dạng vàng gốc (11 điểm) và vàng sa khoáng (5 điểm), có quy mô nhỏ. Cho đến nay, tài liệu địa chất về các điểm quặng vàng còn sơ sài, phần lớn được phát hiện và điều tra trong quá trình đo, vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50 nghìn. Ngoài điểm vàng sa khoáng Tiên Kiều (Bắc Quang) được phát hiện, khai thác từ lâu và đã được tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng có thể khai thác quy mô nhỏ thì các điểm còn lại đều có quy mô nhỏ, ít triển vọng. Tuy nhiên, kết quả phân tích gần đây của Trung tâm phân tích thí nghiệm địa chất (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), các mẫu quặng lấy tại điểm mỏ Pá Thay xã Linh Hồ (Vị Xuyên) có hàm lượng vàng 152 g/tấn quặng, vượt rất xa chỉ tiêu khai thác công nghiệp. Điều này cho thấy cần đầu tư khảo sát, điều tra, thăm dò với quy mô, tỷ lệ thích hợp để đánh giá đúng tiềm năng, trữ lượng vàng tại các mỏ, điểm mỏ trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, Sở Công thương phối hợp với cơ quan chức năng T.Ư tiến hành quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng vàng, đồng và xây dựng phương án quản lý hoạt động khai thác vàng.


Căn cứ Quyết định 11/2008/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2015, có xét đến 2025, toàn bộ các điểm vàng trên địa bàn tỉnh ta không thuộc danh mục dự án đầu tư khai thác, chế biến quy mô công nghiệp; có 1 điểm vàng sa khoáng Tiên Kiều (Bắc Quang) đã được nghiên cứu, đánh giá trữ lượng và tài nguyên dự báo cấp C2, P1. Luật khoáng sản quy định những điểm vàng đã được điều tra, đánh giá, không nằm trong quy hoạch của Chính phủ, nếu đưa vào quy hoạch khoáng sản, thẩm quyền cấp phép thuộc UBND tỉnh. Do chưa có quy hoạch cụ thể, chính quyền một số địa phương buông lỏng quản lý nên tình trạng người dân khai thác trái phép, lén lút tại các điểm vàng liên tục xảy ra, có lúc, có nơi tình hình trở lên phức tạp, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Năm vừa qua, tại khu vực núi Pá Thay, tình trạng khai thác vàng trái phép liên tục diễn ra, mỗi ngày có hàng trăm người dân kéo nhau lên núi đào đá, khai thác vàng. Cơ quan chức năng huyện Vị Xuyên huy động lực lượng chốt chặn ở các đường mòn lên núi nhưng cũng rất khó kiểm soát tình hình, khó ngăn được dòng người khai thác vàng trái phép. Tại khu vực xã Ngọc Linh, có giai đoạn hàng chục hộ dân ồ ạt đưa máy xúc, mua máy bơm đào ruộng, đào đất vườn tìm vàng; các dòng suối, thửa ruộng màu mỡ bị lật tung bởi nạn vàng tặc.


Giải quyết vấn nạn trên, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, nhất là khoáng sản quý, hiếm, có giá trị cao; yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện các biện pháp ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác vàng sa khoáng trái phép; khẩn trương lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản vàng làm cơ sở thực hiện quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác các điểm mỏ này. UBND tỉnh tạm thời giao 11 doanh nghiệp phối hợp với chính quyền các huyện có khoáng sản vàng, các ngành chức năng quản lý, tiến hành lập thủ tục xin cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ, điểm mỏ vàng theo Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, ở một số điểm mỏ trên địa bàn xã Đồng Tiến, Thượng Bình, Việt Hồng, Tiên Kiều (Bắc Quang), Linh Hồ, Bạch Ngọc (Vị Xuyên)...các doanh nghiệp đã tiến hành thăm dò, khai thác kéo theo nhiều tổ chức, cá nhân bên ngoài cũng nhảy vào khai thác trái phép. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên đều vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản và các quy định hiện hành, trái chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Xin nhắc lại, việc thăm dò, khai thác khoáng sản vàng chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư được Bộ TN-MT cấp phép thăm dò đối với dự án phải thăm dò và UBND tỉnh cấp phép khai thác đối với dự án khai thác. Các văn bản chỉ đạo, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh vừa qua không phải là quyết định cho phép thăm dò hoặc khai thác vàng mà chỉ là tạm giao quyền quản lý cho các doanh nghiệp đối với các mỏ, điểm mỏ nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản vàng trái phép.


Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thực tế việc quản lý khoáng sản vàng ở các mỏ, điểm mỏ tạm giao 11 doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và các điểm chưa giao. Nếu phát hiện các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép phải kiên quyết xử lý, yêu cầu tất các các tổ chức, cá nhân vi phạm tháo dỡ, chuyển thiết bị, phương tiện, con người ra khỏi địa bàn. Đối với các doanh nghiệp được tạm giao quản lý, bảo vệ, chỉ được phép lập tổ quản lý bảo vệ, không được sử dụng bất cứ trang thiết bị, phương tiện có liên quan đến chức năng thăm dò, khai thác. Các doanh nghiệp được tỉnh tạm giao quản lý nếu vi phạm sẽ thu hồi chủ trương giao quản lý, chuyển đơn vị khác thực hiện; các tổ chức, cá nhân vi phạm thì xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm khi di dời khỏi địa bàn khai thác khoáng sản trái phép phải tổ chức hoàn thổ như hiện trạng ban đầu.


Tiến Chiến

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

UBKT Tỉnh uỷ ủng hộ bà con nghèo xã Thèn Chu Phìn
HGĐT- Hưởng ứng cuộc vận động hỗ trợ giống gia súc, phản nằm cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, do Ban thường vụ Tỉnh uỷ phát động; sáng 17.1, Đoàn công tác của UBKT Tỉnh uỷ, do Bà Mai Thị Huyện, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ làm Trưởng đoàn, đã đến trao dê, lợn giống và chăn màn, quần áo cho 5 hộ nghèo của xã Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì).
18/01/2010
Hiệu quả thực hiện các dự án lồng ghép xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Từ năm 2006 - 2010 là giai đoạn II thực hiện chương trình 135 của Chính phủ, để tiếp tục thực hiện tốt chương trình này, tỉnh ta đã bố trí, sắp xếp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án liên quan trực tiếp đến xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc. Hầu hết các chương trình dự án cho đến thời điểm này đã đạt được nhiều hiệu quả tốt, từng bước cải
15/01/2010
Đầu năm ở Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng
HGĐT- Có mặt tại thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) đúng vào dịp gió mùa đông bắc tăng cường. Sương mù và rét đến tái tê lòng người. Tuy thế, nhưng rất nhiều vườn hoa hồng của đồng bào Mông, Pu Péo quanh đây vẫn xanh ngắt, đơm đầy những nụ.
15/01/2010
Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh với công tác phụ trách xã khó khăn
HGĐT- Sủng Trái là một trong những xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ đói nghèo trên 50% của huyện Đồng Văn. Xã có tổng diện tích tự nhiên 2.509 ha, trong đó diện tích đất canh tác 417,2 ha, chủ yếu diện tích trồng ngô. Toàn xã có 13 thôn, bản với số 914 hộ, 5.460 khẩu, 100% là dân tộc Mông.
15/01/2010