Hiệu quả thực hiện các dự án lồng ghép xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Từ năm 2006 - 2010 là giai đoạn II thực hiện chương trình 135 của Chính phủ, để tiếp tục thực hiện tốt chương trình này, tỉnh ta đã bố trí, sắp xếp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án liên quan trực tiếp đến xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc. Hầu hết các chương trình dự án cho đến thời điểm này đã đạt được nhiều hiệu quả tốt, từng bước cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Nâng cấp Quốc lộ 34 (Hà Giang - Bắc Mê). |
Đánh giá hiệu quả của việc thực hiện chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010), trong đó có lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án liên quan trực tiếp đến công tác xoá đói giảm nghèo trên địa bàn các xã 135, đồng chí Nguyễn Văn Bào, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở NN và PTNT khẳng định: Giai đoạn II của chương trình 135 có rất nhiều các mục tiêu lồng ghép, trước hết là chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Theo kế hoạch đề ra đến năm 2010 có 85% số hộ gia đình nông thôn tiếp cận và sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, trong đó có 50% đạt tiêu chuẩn 09 của Bộ y tế. Về vệ sinh môi trường nông thôn, tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh là 70%, tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh 70%. Để đạt đựợc kết quả này, ngành đã tích cực tham mưu cho tỉnh, đồng thời tổ chức thực hiện các giải pháp như tranh thủ các nguồn vốn của trung ương và các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài, lồng ghép các chương trình thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn trên địa bàn. Bên cạnh đó, nghiên cứu tìm kiếm các loại hình công nghệ phù hợp để đầu tư xây dựng đối với các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn. Năm 2007, theo đề nghị và được sự đồng ý hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ xây dựng 30 hồ chứa nước cho 4 huyện núi đá phía bắc đã đạt kết quả tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Cùng đó, nâng cao năng lực cán bộ tổ chức thực hiện, thông qua các lớp tập huấn, tham quan học tập trong nước và khu vực có mô hình tốt, tăng cường công tác kiểm tra giám sát thường xuyên và tổng hợp báo cáo kết quả quá trình thực hiện. Việc quan trọng và cần thiết hơn nữa đó là tích cực tuyên truyền công tác quản lý vận hành bảo dưỡng công trình cấp nước đầu tư. Hướng dẫn các xã thành lập các tổ quản lý công trình ở cơ sở, thường xuyên đào tạo tập huấn kiến thức cho người trực tiếp quản lý công trình cấp nước và tuyên truyền nhân dân bảo vệ rừng đầu nguồn. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, trước khi đầu tư xây dựng công trình và sau đầu tư công trình. Do thực hiện tốt các giải pháp trên, từ năm 2006 đến nay số công trình cấp nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là 6.185 bể hộ gia đình (6+7m3/bể), hệ tự chảy là 225 hệ, hồ chứa nước 30 cái, giếng khoan nước ngầm 1 cái. Mục tiêu của chương trình này từ năm 2006 - 2010 là có số dân nông thôn được cấp nước là 122.359 người, tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước tăng 20,1% (bình quân 4%/năm). Với tiêu chuẩn cấp nước được tính là 50 - 80 lít/người/ngày đối với hệ tự chảy, 20 lít/người/ngày đối với bể chứa nước. Tỷ lệ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến 2010 là 68,7%, đạt 81%. Về mục tiêu vệ sinh môi trường đến năm 2010 có 60% tổng số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt 86%, tỷ lệ số hộ có chuồng trại chăn nuôi được sử lý đạt 55,4%.
Cùng với dự án trên, dự ántrồng mới 5 triệu ha rừng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng được tỉnh ta thực hiện tốt. Năm 1999 có 9 dự án cơ sở, đến năm 2004 được rà soát bổ sung mở rộng gồm có 15 dự án cơ sở, đến năm 2008 được rà soát bổ sung thành 20 dự án cơ sở. Trong 5 năm thực hiện (2006 - 2009) với tổng số vốn 153.971,03 triệu đồng, dự án không ngừng được nâng lên cả về khối lượng và vốn đầu tư. Dự án đã mang lại những hiệu quả đáng kể đáp ứng được những mục tiêu cụ thể của chương trình đề ra. Bên cạnh đó, dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005 của tỉnh ta được khởi động và triển khai hoạt động chính thức từ tháng 7.2007, theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh ta có 7 tiểu dự án thuộc nhóm ưu tiên 1 và 2 tiểu dự án thuộc ưu tiên 2. Các tiểu dự án này được triển khai thực hiện tốt góp phần tạo điều kiện cho nhân dân có đường giao thông đi lại thuận lợi, có đập tràn để lấy nước sản xuất…Năm 2009, hợp phần dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình 135 giai đoạn II được bố trí nguồn vốn với tổng số vốn là 27.390 triệu đồng cho 123 xã và 93 thôn 135 trên địa bàn 11 huyện thị của tỉnh. Cơ cấu hỗ trợ chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, vật tư phục vụ sản xuất, hỗ trợ hoạt động khuyến nông, hỗ trợ máy, thiết bị phục vụ sản xuất, hỗ trợ mô hình sản xuất…
Có thể nói qua 3 năm liên tục triển khai thực hiện chương trình 135 giai đoạn II, các huyện, thị và các xã 135 đã có sự chủ động trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch hàng năm. Ban quản lý dự án các cấp đã được củng cố, kiện toàn và có kinh ngiệm trong việc tổ chức thực hiện dự án, đồng thời người dân trong vùng dự án cũng đã nắm bắt được nội dung, mục tiêu của chương trình và được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất nên thuận lợi trong việc tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch giao của năm sau. Tính đến nay tất cả 11 huyện, thị xã có chương trình 135 đều đã triển khai dự án hỗ trợ sản xuất đến các thôn, xã 135 trên địa bàn. Thông qua các chương trình mục tiêu của dự án người dân của các vùng 135 được hưởng lợi rất nhiều, vì thế có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống và xoá đói giảm nghèo…
Ý kiến bạn đọc