Tiếp sức cho miền cực Bắc

09:48, 21/01/2010

HGĐT- Sau nhiều ngày chìm trong cái “lạnh đến tê người” của những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, sáng 19.1 đất trời Hà Giang ngập tràn nắng ấm. Không khí ấm áp bao trùm khắp dải đất thân thương nơi tột cùng cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.


 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hỏi thăm đời sống nhân dân xã Sủng Trà (Mèo Vạc). Ảnh: Khánh Toàn

Cái nắng đem về hơi ấm của đất trời, hoà với sắc cờ đỏ thắm phấp phới reo vui trong gió trên khắp tuyến Quốc lộ 2 nối Hà Nội - Hà Giang và con đường Hạnh Phúc nối thị xã Hà Giang với các huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Trong không khí tươi vui đó, người dân Hà Giang càng hân hoan, phấn khởi được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lên thăm. Vượt quãng đường 300 km Hà Giang - Hà Nội, đúng 11 giờ ngày 19.1, Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc gia tại trụ sở làm việc Tỉnh ủy. Sau nửa ngày hành trình, 5 giờ sáng đoàn công tác của Thủ tướng rời Hà Nội - trái tim thân yêu của cả nước, vượt quãng đường khoảng 500 km, 5 giờ chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đặt chân lên đỉnh Lũng Cú - đỉnh đầu cực Bắc Tổ quốc. Trên những địa danh đoàn công tác đi qua, những điểm đoàn dừng chân, nhân dân các dân tộc, các cháu học sinh rực rỡ trong màu cờ, sắc áo vẫy chào Thủ tướng. Thủ tướng cũng dành những tình cảm nồng thắm, ân cần hỏi thăm, động viên, chia sẻ khó khăn với người dân vùng cao Hà Giang.


Còn nhớ cách đây 3 năm, đúng ngày “ông Công ông Táo”, nhân dân các dân tộc Hà Giang cũng hân hoan, phấn khởi đón chào Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lên thăm. Chuyến đi năm đó, Thủ tướng dành nhiều thời gian thị sát thực tế đời sống, sản xuất tại các huyện vùng cao phía Bắc. Nơi đây, thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước, thiếu đất canh tác, giao thông cách trở đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Trong khó khăn, gian khổ đó, người dân Hà Giang vẫn anh dũng, kiên cường, bám chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững từng nhành cây, ngọn cỏ và hào khí cha ông, hồn thiêng sông núi. Thấu hiểu những khó khăn của đồng bào vùng cao Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng 30 hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc nhằm giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trong mùa khô; hỗ trợ lương thực để người dân trồng, bảo vệ rừng, tạo nguồn sinh thủy.


Thực hiện Kết luận của Thủ tướng, Hà Giang đang nỗ lực triển khaixây dựng hồ chứa nước và bảo vệ, phát triển rừng. Thời điểm này, trên vùng cao Hà Giang đang là trọng điểm của mùa khô. Những giọt nước trong bể chứa đang trở nên hiếm hoi, con đường tìm nước của người dân càng khó khăn hơn. Càng đi sâu vào mùa khô, nước càng khan hiếm. Năm nay, thời tiết diễn biến khắc nghiệt, nhiều tháng nay trên vùng cao không mưa, đất đá khô khốc, cây cối héo úa nhưng ở những điểm được đầu tư xây dựng hồ chứa nước, cảnh vật thiên nhiên, cuộc sống người dân tươi vui hơn. Chuyến thăm lần này, Thủ tướng cũng dành toàn bộ thời gian đến với người dân vùng cao, nhìn nhận những việc đã làm được, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trên hành trình đến với Mèo Vạc, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác dừng chân bên hồ chứa nước Ha Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) và Hạ Pống Cáy, xã Sủng Trà (Mèo Vạc). Giữa những ngày cao điểm của mùa khô nhưng hồ chứa Ha Bua Đa vẫn ăm ắp nước, điều đó chứng minh chủ trương xây dựng hồ chứa nước trên vùng cao đã mở chính xác hướng giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Hồ Ha Bua Đa có dung tích chứa 10 nghìn m3 nước, được hoàn thành từ giữa năm 2008, nó đã thực hiện tốt vai trò tích nước mùa mưa để dùng trong mùa khô. Với dung tích 10 nghìn m3, hồ chứa Ha Bua Đa không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu nước sinh hoạt trong mùa khô cho nhân dân xã Thài Phìn Tủng mà cả các xã lân cận. Hồ chứa Hạ Pống Cáy có dung tích chứa 7 nghìn m3 nước cũng đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt trong mùa khô cho người dân...


Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước được triển khai tại 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn với tổng số 30 hồ, tổng vốn phê duyệt trên 200 tỷ đồng. Đến nay, có 26 hồ đã được khởi công, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, 4 hồ chuẩn bị khởi công. Ngoài 30 hồ trên, Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư thêm 9 hồ, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Dự án đầu tư, xây dựng hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao phía Bắc được triển khai đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng cao Hà Giang, đồng thời mở ra nhiều cơ hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc có tổng dân số trên 232 nghìn người, hàng năm phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt từ 3-4 tháng. Giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân vùng cao, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng bể nước, lu chứa nước. Và 30 hồ chứa được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt trong mùa khô cho khoảng 54 nghìn người dân.


Cùng với chương trình xây dựng hồ chứa nước, Dự án Đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc cũng đang phát huy hiệu quả, màu xanh của rừng đang trở về trên những triền đá xám. Năm 2009, diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng tại 4 huyện đạt trên 95 nghìn ha, chăm sóc rừng trồng đạt 2.634 ha, trồng rừng 2.245 ha, tổng số gạo hỗ trợ 1.575 tấn. Qua 2 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả KT-XH thiết thực, người dân vùng Cao nguyên đá có thu nhập từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Dự án đã góp phần tăng nguồn vốn bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của rừng và đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Qua đó, tình trạng phát rừng làm nương rẫy được hạn chế, diện tích rừng ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Dự án được triển khai đã tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần XĐGN cho trên 5.153 hộ dân.


Sau 3 năm trở lại, Thủ tướng Chính phủ vui mừng khi thấy đồng bào Hà Giang không ngại khó, không ngại khổ, luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Hà Giang là một trong số ít tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2008. Đạt được kết quả trên, bên cạnh chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, tỉnh ta còn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ rất lớn từ các nguồn vốn của Chính phủ, đặc biệt là vốn 30a của Chính phủ đầu tư tại 6 huyện nghèo. Hà Giang đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ các doanh nghiệp và người lao động cho công tác giảm nghèo. Năm 2009, có 6.287 hộ nghèo được xoá nhà tạm, 51.242 hộ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, trên 530.567 người nghèo, dân tộc thiểu số, người cận nghèo được hỗ trợ mua Bảo hiểm Y tế, 48.333 học sinh bán trú dân nuôi được hỗ trợ tiền ăn. Sự quan tâm, đầu tư của T.Ư đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh năm 2009 đạt 13,46%, cao nhất từ trước đến nay; có 12.669 lao động được đào tạo nghề ngắn hạn, 14.600 lao động được giải quyết việc làm mới; 13.452 hộ thoát nghèo, thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,64% năm 2008 xuống còn 21,52% năm 2009. Các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, một lòng đi theo con đường Đảng, Bác Hồ đã chọn.


Hai ngày ở Hà Giang, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Thủ tướng Chính phủ đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ; thăm cột cờ Lũng Cú và công trường xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Nho Quế 3. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ gửi đến thông điệp: Trong điều kiện đất nước ta còn nhiều khó khăn, mỗi người dân Hà Giang hãy phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ trong cuộc sống. Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, ưu tiên giúp đỡ để Hà Giang phát triển, để cuộc sống người dân vơi bớt nhọc nhằn. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ trong lúc nhân dân ta đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đề ra.


Ghi chép của: Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xuân của những người đi “mở đất”
HGĐT- Có những người lính tuy giữa thời bình nhưng vẫn hằng ngày phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Có những hy sinh thầm lặng mà không dễ gì chia sẻ. Có những khoảnh khắc thanh bình sau mỗi “trận đánh”, những người lính lại dành thời gian hiếm hoi ngắm hoa đào nở, tận hưởng thời khắc xuân về. Họ là những cán bộ, chiến sỹ tuổi đời còn rất trẻ của đơn vị 17 công binh,
21/01/2010
Tỉnh đoàn tặng bò cho các hộ nghèo tại xã Lũng Táo
HGĐT- Thực hiện chương trình hỗ trợ nuôi gia súc luân chuyển của Tỉnh ủy cho các hộ nghèo; ngày 18.1, đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn đã trao 3 con bò cho các gia đình thuộchộ nghèo của xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, đó là: Gia đình bà Dinh Mí Vá, thôn Lũng Táo và chị Vừ Pháy Dia, thôn Mò Só Tủng, tổng trị giá 15 triệu đồng.
21/01/2010
Ngành GTVT Sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010
HGĐT- Hàng năm,cứ mỗi dịp xuân về, tết đến, việc đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh lại tăng lên gấp bội. Về vấn đề đảm bảo cho việc đi lại của cán bộ, nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh dần được thuận lợi, PV Báo Hà Giang đã có cuộc trao đổi với ông Cù Duy Man, PGĐ Sở Giao thông - Vận tải, phụ trách mảng Giao thông Vận tải (GTVT) và an toàn giao thông (ATGT) của Sở
18/01/2010
Chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản vàng trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Theo sổ mỏ và điểm quặng khoáng sản được Bộ TN-MT bàn giao cho UBND tỉnh cùng với kết quả phát hiện trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta có 16 điểm mỏ, điểm quặng vàng phân bố tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Bắc Mê.
18/01/2010