Mùa Xuân này ở xã Thanh Vân

10:17, 11/01/2010

HGĐT - Mùa xuân đang về với xã vùng cao Thanh Vân, huyện Quản Bạ. Trời vẫn mùsương nhưng hoa đào, hoa lê, hoa mận đã toả hương khoe sắc trong làn gió xuân ấm áp. Xuân đến trong từng làng bản xua tan dần sương muối giá rét của mùa đông.


Khắp nơi, ruộng vườn phủ một màu xanh ngắt của khoai tây, bắp cải, su hào. Cỏ goa-tê-ma-la – loài cây không sợ sương muối, giá rét, không ngại đất khô, đất cằn cứ mọc lên xanh mướtkhắp chân những dãy núi đá rồi vươn lên tới tận lưng chừng núi. Những ngôi nhà mới đang mọc lên trên vùng đất đá, đó đây xen kẽ những ngôi nhà xây mái bằng kiên cố do Ngân hàng Công thương và tỉnh hỗ trợ theo Chương trình Nghị quyết 30a củaThủ tướng Chính phủ.


Thanh Vân là một xã nằm ở phía Tây bắc huyện Quản Bạ, có diện tích tự nhiên là 7.407,66 ha. Dân số của xã là 3998 khẩu, 822 hộ, 7 thôn bản với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Nùng, Dao, Hoa. Điều kiện tự nhiên của xã không có nhiều thuận lợi cho phát triển sản xuất. Trong tổng số 7.407,66ha diện tích tự nhiên chỉ có 560 ha là đất sử dụng được cho sản xuất nông nghiệp, diện tích còn lại chủ yếu là núi đá và đất rừng. Nhiều thôn thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất. Đường giao thông đi lại từ trung tâm xã vào thôn còn khó khăn. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn rất lớn. Cuối năm 2008, xã Thanh Vân còn 322 hộ nghèo, chiếm 39% số hộ của xã. Hàng năm, Nhà nước vẫn phải trợ cấp lương thực cho những gia đình thiếu ăn vào vụ giáp hạt. Thiếu thốn, khó khăn, người dân chỉ biết dựa vào việc khai thác rừng để cải thiện đời sống. Rừng cứ thế cạn kiệt rồi thu hẹp dần. Nhưng phá rừng cũng chỉ để đắp đổi qua ngày, bà con không thể giàu có lên được.


Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã Thanh Vân được đầu tư từ các chương trình như, Chương trình 135 giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Chương trình 134, Dự án Ca ri tas của Thuỵ sĩ, Chương trình thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Tỉnh cũng đã thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ nhân dân như chương trình “mái nhà, bể nước, con bò”, Chương trình “điện, đường, trường, trạm”, Chương trình xoá nhà tạm, trồng và bảo vệ rừng...Để các chương trình và dự án trở thành hiện thực, được sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền huyện Quản Bạ, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và phân công thực hiện. Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình được thành lập và triển khai từng bước theo từng thời điểm cụ thể. Trong quá trình triển khai thực hiện, khối dân vận của xã là lực lượng trực tiếp tuyên truyền vận động nhân dân, cùng với chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân để từ đó thực hiện các chính sách phù hợp với lòng dân. Việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và kết quả các chương trình được các cấp đặc biệt quan tâm. Qua mấy năm thực hiện các chương trình và các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, bộ mặt của xã từ trung tâm đến các thôn bản đều đổi thay rõ rệt. Trung tâm cụm xã mọc lên khang trang, điều kiện làm việc của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã đã thuận tiện hơn. Trường học hai tầng được xây dựng mới, con em các dân tộc của xã nô nức tới trường, không còn tình trạng giáo viên phải đi đến tận từng nhà hay phải đi lên tận nương của các gia đình để gọi học sinh đến trường như trước đây. Trường đã có nhà lưu trú cho giáo viên và học sinh bán trú dân nuôi. Huy động học sinh trong độ tuổi đến trường năm 2009 đạt 99%, trong đó từ 6 đến 14 tuổi đạt 97%. Công tác chăm sóc sức khoẻ của nhân dân được chú trọng. Trạm xá 2 tầng được xây dựng mới. Cán bộ y tế xã thực hiện tốt chế độ trực, khám chữa bệnh và phát thuốc cho nhân dân. Các chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống sốt rét, cho học sinh uống thuốc tẩy giun... đều được thực hiện có hiệu quả tốt. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao... được tổ chức thường xuyên vào dịp lễ, tết đã khuyến khích động viên nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc trong xã. Trong hai năm 2008 - 2009, kinh tế của xã tăng trưởng vượt bậc. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng đạt 9,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,4 triệu đồng; bình quân lương thực đầu người đạt 400kg/năm. Lãnh đạo xã đã chủ động lãnh chỉ đạo nhân dân khai thác thế mạnh trong phát triển sản xuất. Từ sản xuất tự cấp tự túc, bà con đã biết chuyển dần sang sản xuất hàng hoá và phát triển thương mại dịch vụ. Hiện xã đã có đặc sản rượu ngô Thanh Vân nổi tiếng trong tỉnh và khu vực; có đặc sản mật o­ng, quả hồng không hạt, thảo quả, chè, thịt bò, thịt gà đen được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng.


Có được kết quả toàn diện về mọi mặt trong năm qua ở xã Thanh Vân là nhờ vào sự lãnh chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể xã, đặc biệt là hoạt động bám sát cơ sở của khối dân vận xã. Năm 2009 là năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Năm dân vận chính quyền” trong cả nước. Thực hiện chỉ đạo của Ban Dân vận Huyện uỷ Quản Bạ, cấp uỷ xã đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã để triển khai thực hiện. Nội dung phong trào được quán triệt tới tất cả cán bộ công chức vàmọi người dân. Ban chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt nội dung phong trào và giao nhiệm vụ cũng như khuyến khích các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, xã đã có 4 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký xây dựng và nhiều mô hình thực hiện lồng ghép với các tổ chức đoàn thể. Đến nay, các mô hình đã bước đầu phát huy hiệu quả, trong đó mô hình “Sản xuất rau sạch, an toàn” của thôn Thanh Long 2, mô hình “Đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo” của thôn Làng Tấn, mô hình “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” của thôn Ma Hồng là những mô hình tiêu biểu. Khối dân vận xã giúp cấp uỷ, chính quyền tích cực và hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ về xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Đặc biệt là chương trình xoá nhà tạm do Ngân hàng Công thương tài trợ. Với số tiền hỗ trợ là 20 triệu đ/hộ với yêu cầu phải xây nhà mái bằng kiên cố không phải là vấn đề đơn giản. Các hộ nghèo trong diện được hỗ trợ đều rất khó khăn, không có gia đình nào có khả năng tự góp thêm tiền để xây nhà. Cùng với sự hỗ trợ của Quỹ vì người nghèo của tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phải cũng phải vào cuộc để nâng số tiền được hỗ trợ và được vay lãi suất thấp lên 34 triệu đ/hộ. Công việc quan trọng là phải làm sao xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố với số tiền ít ỏi trong điều kiện thời giá hiện nay vàphải vận động như thế nào để người dân tự giác trong việc phối hợp để xây nhà. Lãnh đạo xã đã thống nhất cử cán bộ dân vận đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động các gia đình làm nhà xây mái bằng kiên cố với diện tích 30m2 . Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cho đến nay, sau 6 tháng triển khai, trong 58 hộ thuộc diện nghèo được hỗ trợ xây nhà đã có 6 nhà hoàn thành đưa vào sử dụng, 28 nhà đã đổ mái, 24 nhà đang thi công. Do phong tục tập quán và phần lớn các gia đình đều có số khẩu đông nên các hộ đều được bà con xóm giềng hỗ trợ ngày công làm thêm một ngôi nhà trình tường đất ngay cạnh ngôi nhà xây để đảm bảo nơi ăn, ở, sinh hoạt của gia đình. Việc nhanh chóng đưa Nghị quyết 30a/NQ-TTg về xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững đến với người dân đã đem đến cho nhân dân các dân tộc xã Thanh Vân một niềm vui mới. Từ nay xã sẽ không còn tình trạng một số gia đình phải ở trong những ngôi nhà siêu vẹo, mái gianh xơ xác tạm bợ như trước đây. Có nhà cửa ổn định sẽ giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, xây dựng đời sống mới. Đây là kết quả của cách làm sáng tạo, dám nghĩ dám làm, sự đồng thuận cao của cấp uỷ, chính quyền xã, vừa là minh chứng của cách làm “Dân vận khéo” và công tác dân vận chính quyền. Đó cũng là cách làm phù hợp với nguyện vọng của người dân và điều kiện của từng địa bàn, từ đó phát huy hiệu quả cao nhất sự hỗ trợ của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn dân trong công cuộc xoá đói giảm nghèo trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Hà Giang.


Đến xã Thanh Vân hôm nay, gặp bất kỳ người già hay trẻ nhỏ đều nhìn thấy nét cười rạng rỡ hân hoan. Bà con tấp nập đi chợ xuân để sắm tết và gặp gỡ tâm tình. Tiếng hát, tiếng khèn ngân dài trong sương sớm. Những chàng trai cô gái gặp gỡ hẹn hò mong ước thành lứa đôi hạnh phúc. Những đám cướitheo nếp sống văn hoá đầu xuân đã bớt đi nhiều hủ tục nặng nề đem đến niềm vui cho mọi người. Niềm vui như những dòng nhựa sống đang tràn trề trong thân cây cây lê, cây mận, cây đào. Dòng nhựa ấy sẽ dâng hiến cho đời những mầm xanh mướt mát, những rừng hoa rực rỡ của mùa xuân ấm no, hạnh phúc.


Bàn Thị Ba

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sự an sinh xã hội
HGĐT- Bảo hiểm xã hội (BHXH) là mộttrong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với người lao động, đồng thời nó cũng có một vai trò to lớn góp phần an sinh xã hội. Chính vì vậy, bước sang năm 2009, BHXH tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động để bắt kịp với yêu cầu chung của cả nước và đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, đa sắc tộc.
31/12/2009
Thôn Bản Đả (Na Khê) hết nghèo nhờ trồng dưa hấu
HGĐT- Đến thôn Bản Đả, xã Na Khê (Yên Minh) thời điểm này, ai cũng ngạc nhiên bởi trong tiết Đông giá rét, khô hạn mà ruộng nương nơi đây không còn một thửa đất bỏ trống. Ni lông phủ trắng ruộng, dưới đó là dưa hấu, dưa chuột, bí xanh đang lên mầm xanh tốt. Nhờ biết trồng cây vụ Đông - xuân nên người dân nơi đây đã hết cảnh đói nghèo, nhiều hộ khá giả.
31/12/2009
Động lực cho nông dân thoát nghèo
HGĐT- Ông Phạm Quang Trung, Trưởng thôn Thái Hà , phường Ngọc Hà (TXHG) dẫn chúng tôi đến một số hộ gia đình trong thôn, như gia đình bà Đào Thị Vui, gia đình anh Nguyễn Bá Thảo, hay gia đình anh Nguyễn Duy Ninh… Đến đâu cũng thấy vườn rau xanh, vườn mía đang chờ thu hoạch; những chuồng lợn thịt, lợn nái với tiếng kêu ủn ỉn và tiếng gà nhảy ổ cục tác báo hiệu cho sự ấm no.
28/12/2009
Gặp mặt các nạn nhân chất độc da cam/điôxin đi điều dưỡng, chữa trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam
HGĐT- Hội CCB tỉnh vừa có buổi gặp mặt 12 CCB bị nhiễm chất độc da cam/điôxin đi điều dưỡng, chữa trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Tới dự có lãnh đạo Hội CCB tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đại diện Làng Hữu nghị Việt Nam.
28/12/2009