Yên Phú trên đường “lên” thị trấn

16:55, 24/10/2007

(HGĐT)- Xã Yên Phú là trung tâm chính trị, KT-VH của huyện Bắc Mê, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã có nhiều cố gắng để khai thác, phát huy những lợi thế đó.


Nhờ vậy mà xã đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng dần được đầu tư hoàn thiện... Xã đã và đang phấn đấu trở thành một thị trấn sầm uất trong tương lai không xa.

 

Điều kiện tự nhiên đã chia xã Yên Phú thành 2 vùng rõ nét, mỗi vùng có những tiềm năng, lợi thế riêng. Cụ thể: 8 thôn vùng cao, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp nhưng lại có điều kiện đất đai rộng lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và phát triển sản xuất nông nghiệp; 4 thôn và 4 tổ khu phố vùng thấp là nơi tập trung đông dân cư, nằm ven sông Gâm và dọc theo Quốc lộ 34, nhiều đất trồng lúa nên có điều kiện phát triển kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm và trồng lúa nước…Xác định rõ những tiềm năng, lợi thế cũng như mặt còn hạn chế, Đảng bộ, chính quyền xã đã có những giải pháp phát triển cho từng vùng, từng đối tượng cụ thể.


Đối với vùng thấp, xã tập trung vận động người dân phát triển kinh doanh, dịch vụ. Do có địa thế là trung tâm kinh tế, chính trị của toàn huyện và cũng do nhu cầu của thị trường ngày càng cao nên số hộ ra đăng ký kinh doanh, dịch vụ mỗi năm một nhiều. Ngành nghề kinh doanh đa dạng, hàng hoá phong phú. Đến nay, xã đã có hơn 400 hộ kinh doanh và các HTX tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ. Số hộ gia đình kinh doanh này đều có cuộc sống ổn định, nhiều hộ kinh doanh lớn còn trở thành những hộ khá giả, giàu có ở xã. Phát triển sản xuất kinh doanh là một trong những nhiệm vụ chính để xã thúc đẩy nền kinh tế và hoàn thành các tiêu chí để trở thành thị trấn trong tương lai. Các thôn vùng thấp có khoảng 40% dân số làm ruộng, do đó cùng với việc vận động phát triển kinh doanh dịch vụ, xã cũng tập trung chỉ đạo các thôn, bản vận động bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất nông nghiệp, vừa để phục vụ cho gia đình, vừa để phục vụ thị trường trong xã. Các hộ rất nhanh nhạy với cơ chế thị trường, với những giống cây, con mới và tiến bộ KH-KT. Do đó năng suất, sản lượng cây trồng, chăn nuôi ở vùng này luôn đạt cao hơn so với mặt bằng toàn xã. Nói đến việc nhanh nhạy trong làm ăn, có thể lấy ví dụ tại vùng này đã thành lập được 2 HTX, khi nước lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang dâng cao, đó là HTX Đánh bắt và HTX nuôi trồng thuỷ sản, mỗi HTX thu hút từ 7 đến 10 hộ tham gia. Nhìn chung, 4 thôn và 4 tổ khu phố vùng thấp đã phát huy lợi thế riêng đó là phát triển kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi gia súc và tiến tới là phát triển chăn nuôi thuỷ sản. Hiện tại, đây thực sự là vùng động lực phát triển của xã không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong cả các lĩnh vực khác như VH-XH, tiến tới là cả du lịch. Được sự giúp đỡ của huyện, xã đang xây dựng Làng văn hoá du lịch cộng đồng người Tày thôn Bản Lác. Khi lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang ổn định, du lịch lòng hồ phát triển thì Yên Phú sẽ là một trong những điểm dừng chân của du khách.


Với 8 thôn vùng cao, thì ưu tiên số 1 mà xã vận động bà con thực hiện đó là phát triển chăn nuôi đại gia súc. Cái khó trên vùng đất này là trình độ dân trí còn thấp, đa số các hộ đều có bước xuất phát là nghèo nên việc phát triển chăn nuôi khó khăn về vốn. Giải pháp về vốn cho các hộ dân thôn vùng cao đã được giải quyết khi nhà nước có chính sách các hộ nghèo vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển chăn nuôi. Nhờ vậy mà hộ nào cũng được vay vốn để mua trâu, mua dê về nuôi, hộ ít thì vài con, hộ nhiều có đàn trâu, đàn dê đến mấy chục con. Nhiều hộ dân nghèo còn được Dự án Chia sẻ hỗ trợ vốn để phát triển chăn nuôi, đây thực sự là một trong những nguồn lực rất quan trọng để các hộ phát triển kinh tế. Người dân cũng đã quan tâm đến việc trồng cỏ để chăn nuôi, hiện toàn xã đã có hơn 100 ha cỏ thì có đến trên 80% diện tích được trồng tại các thôn vùng cao. Các hộ cũng tích cực phát triển đàn gia cầm. Đa số các hộ đều chăn nuôi gia súc, gia cầm để tiêu thụ ra thị trường, ý thức về phát triển chăn nuôi hàng hoá đã hình thành. Một số thôn vùng cao phát triển chăn nuôi mạnh là các thôn Nà Đon, Yên Cư, Giáp Yên…xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi với số lượng lớn, như gia đình ông Triệu Văn Sảng ở thôn Nà Đon phát triển chăn nuôi đến hàng trăm con trâu, dê… Chính quyền xã cũng đã tập trung vận động bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trong phát triển sản xuất, nhằm nâng cao năng suất cây trồng, ổn định lương thực cho bà con.


Điều kiện phát triển hai vùng khác nhau, sự chỉ đạo của chính quyền xã cho hai vùng cũng khác nhưng kết quả của mỗi vùng đều nằm trong sự phát triển chung của xã. Mỗi năm, xã gieo cấy trên 280 ha lúa, nhờ biết thâm canh, trồng giống mới nên năng suất lúa bình quân hàng năm ở xã luôn đạt từ 48 đến 50 tạ/ha, sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 1.800 tấn. Cây ngô mỗi năm xã trồng 270 ha, năng suất đạt gần 20 tạ/ha. Năm nào xã cũng có 50 ha lạc, 75 ha đậu tương. Bình quân lương thực tính trên đầu người ở xã đạt 480 kg. Xã có 1.331 hộ, đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 354 hộ, đã có 82 hộ giàu và 230 hộ khá.


Kinh tế có sự phát triển ổn định, đời sống của người dân được nâng lên, người dân đã quan tâm đến chuyện học hành của con em mình. Nhờ đó mà tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở xã luôn đạt trên 98%. Cuộc sống ổn định, người dân cũng quan tâm đến nhau hơn, nhiều hộ cho các gia đình nghèo nuôi giẽ trâu, dê…Đặc biệt là phong trào xoá nhà tạmđược xã thực hiện có hiệu quả, phấn đấu đến cuối năm nay xã không còn hộ sống trong nhà tạm. Cùng với sự đầu tư của huyện, bộ mặt cơ sở hạ tầng xã đã có nhiều đổi mới, đường xá khang trang, dân cư đông đúc…Tất cả đều đã sẵn sàng để nâng cấp thành thị trấn vào cuối năm nay.


Tuyên Bình

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bí thư TƯ Đoàn thăm hỏi, đoàn viên hiến máu
Chiều 26/9, anh Nông Quốc Tuấn - Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - đã đến Bệnh viện Quân y 121 thăm hỏi những công nhân đang cấp cứu và chia buồn cùng thân nhân người bị nạn.
27/09/2007
Tuyên dương những “Nhà sáng chế trẻ tương lai”
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc vừa diễn ra tối nay tại Hà Nội với một giải đặc biệt duy nhất thuộc về máy chẻ quế của em Hà Hoài Nam (Yên Bái), cùng bốn giải nhất và ba Huy chương vàng WIPO của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.
26/09/2007
Cậu bé làm đồ gỗ bằng... chân
Từ một người tàn tật học việc, đến khi tròn 19 tuổi, Sơn không những khẳng định được "chân nghề" của mình. Sơn còn trở thành một người "độc nhất vô nhị" làm mộc bằng chân ở Hà Tĩnh.
24/10/2007
Những chiến dịch tình nguyện quanh năm
Hiện nay, bên cạnh chiến dịch “Mùa hè xanh” còn rất nhiều chiến dịch tình nguyện quanh năm. Nhiều bạn trẻ cùng chí hướng lập ra các câu lạc bộ tình nguyện và các nhóm nhỏ.
24/09/2007