Xúc động câu chuyện “Qua những cánh thư xanh” gửi người lính mặt trận Hà Tuyên
BHG - Tình cờ tại một sự kiện cuối năm vừa qua, chúng tôi được nghe lại câu chuyện đầy xúc động của 40 năm trước về những cánh thư gửi tới người lính trên chốt gác mù sương biên giới Hà Tuyên. Những dòng thư qua gần nửa thế kỷ nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn còn đó đầy cảm xúc đặc biệt về tình cảm hậu phương, tiền tuyến. Đặc biệt hơn, khi những lá thư gửi đến tiền tuyến từ bài thơ “Qua những cánh thư xanh” của một người lính ở mặt trận Hà Tuyên được đăng trên Báo Tiền Phong ngày ấy.
Cựu chiến binh Hồng Quang chia sẻ với cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam về những lá thư ông nhận được từ thời chiến. |
Tác giả của bài thơ “Qua những cánh thư xanh” là chú Hồng Quang, những năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, chú là cán bộ tuyên huấn, Trung đoàn 877. Sau khi phục viên trở về quê nhà Bắc Quang, trong ba lô của chú Quang là rất nhiều những bức thư từ hậu phương được chú coi như những kỷ vật đặc biệt. Trước sự mài giũa của thời gian, chú Quang quyết định trao lại những lá thư cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Trong tâm sự rất cảm động khi trao những lá thư gắn với chú gần nửa thế kỷ, chú Hồng Quang kể, khi đất nước tổng động viên, năm 1982 chú lúc đó là giáo viên trường làng đã gác lại phấn trắng lên đường nhập ngũ. Những ngày tháng trên chốt cùng đồng đội, chú đã sáng tác nhiều bài thơ, được đăng trên nhiều tờ báo. Bài thơ “Qua những cánh thư xanh” của chú được đăng trên Báo Tiền Phong cuối năm 1984, giữa thời điểm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn đang diễn ra ác liệt trên tuyến biên giới Hà Tuyên. Sau khi bài thơ được đăng, đã có rất nhiều lá thư gửi lên tuyến đầu Hà Tuyên cho chú Hồng Quang để bày tỏ sự chia sẻ với những hy sinh, vất vả của đơn vị chú và những cảm xúc đặc biệt về bài thơ rất hay và cảm động.
Một lá thư gửi người lính Nguyễn Hồng Quang, Trung đoàn 877 đã nhuốm màu thời gian. |
Bài thơ “Qua những cánh thư xanh” được chú Hồng Quang viết mùa Đông năm 1984 tại Đồng Văn. Trong bài thơ là một cảm xúc thật đặc biệt của người lính trên chốt gác khi đọc những dòng thư động viên từ hậu phương. Đây là một nét đẹp trong thời chiến, nơi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc rất ác liệt, Hội Phụ nữ các cấp đã có phong trào viết thư động viên những người lính ở tiền tuyến. Vì thế, trong phút xúc động, chú Hồng Quang đã viết nên bài thơ với những dòng thơ đầy tình cảm và ánh lửa quyết tâm nơi tiền tuyến:
“Nơi gió rét như hồng thêm ánh lửa
Tỏa ấm chiến hào chốt gác mù sương
Biết không em trên mảnh đất biên cương
Cánh thư lên mang theo ngàn câu hát
Thành lửa cháy trong tim người giữ đất
Phút nổ súng diệt thù vẫn xanh biếc niềm tin!”
Tâm sự với chúng tôi, chú Quang cho biết, không ngờ bài thơ đã khiến nhiều người quan tâm đến chú và các đồng đội ở đơn vị đến vậy. Đặc biệt là các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên, các cô giáo, các chị em phụ nữ ở nhiều miền Tổ quốc. Trong những ngày tháng sau khi bài thơ được đăng tải, hàng trăm lá thư từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi lên tuyến đầu Hà Tuyên ghi tên, địa chỉ người nhận là Hồng Quang. Có người con gái còn gửi lá thư tâm sự rất dài, kèm theo cả ảnh chân dung rất tình cảm. Tổng cộng lại, phải đến cả trăm “cánh thư xanh” gửi lên tiền tuyến cho chú Quang.
Một cô gái còn làm một bài thơ rất hay gửi chú Hồng Quang. |
Thật xúc động khi nhiều cánh thư, tài liệu về những năm tháng chiến đấu ở Mặt trận Hà Tuyên năm xưa của CCB Hồng Quang được trao tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Việc làm này để giữ lại ký ức về những ngày hoa lửa trên tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng như chú Hồng Quang tâm sự với chúng tôi. Những năm tháng chiến đấu hy sinh gian khổ ấy, chúng ta có một sức mạnh ở nơi hậu phương, đó là những người phụ nữ, những người con gái ngóng tin thắng trận ở biên cương. Trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, có hàng vạn những lá thư của chị em phụ nữ gửi từ hậu phương như tiếp thêm sức mạnh cho những người lính dũng cảm chiến đấu cho ngày về thắng lợi.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không giấu được sự xúc động khi được gặp gỡ một người lính bước ra từ cuộc chiến và những kỷ vật quý giá là những bức thư, ghi lại một khía cạnh của cuộc chiến năm xưa gắn với Hội Phụ nữ Việt Nam. Và ngay lập tức, chị cho cán bộ bảo tàng chia sẻ với tôi hình ảnh những bức thư, những tư liệu đặc biệt của CCB Nguyễn Hồng Quang.
Nhìn những lá thư đã nhuốm màu thời gian từ hậu phương gửi cho CCB Hồng Quang, chúng tôi không khỏi xúc động, có người ứa nước mắt bởi những ký ức về một thời hào hùng năm xưa. Ở thời kỳ mà không có mạng xã hội, thông tin rất khó khăn, khi ấy mọi người chỉ biết chia sẻ tình cảm qua những lá thư với những cảm xúc chân thật.
Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Quang (người cầm mi cờ rô) trao kỷ vật là những lá thư thời chiến cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. |
Hòa mình vào những lá thư từ 40 năm trước, chúng tôi như được sống lại không khí của một thời kỳ chiến đấu anh hùng của đất nước. Được biết, sau khi cùng tập thể lớp Văn 19B.K1, Đại học Sư phạm Việt Bắc truyền tay nhau tờ báo Tiền Phong có đăng bài thơ “Qua những cánh thư xanh” của tác giả Hồng Quang, ngày 1.1.1985, cô sinh viên Nguyễn Lan Phương đã xúc động viết thư gửi tác giả - người lính Hồng Quang. Trong bức thư có đoạn viết: “Đọc bài thơ Qua những cánh thư xanh của chú, cháu cảm động quá chú à. Thế đấy: “Chưa một lần về thăm quê em/mà lạ chưa, sao gần gũi đến thế”… Chú Hồng Quang ơi, qua bài thơ cháu được biết chú là người có tâm hồn và giàu tình cảm. Tình cảm yêu con người và yêu đất nước của chú bao la quá!... Mong thư chú”!.
Người viết Nguyễn Thị Quý, lớp 84, Điện 3, Trường Công nhân kỹ thuật cơ giới Việt Xô, Xuân Hòa, Mê Linh, Hà Nội viết: Nhận được thơ anh qua Báo Tiền Phong số 4 – 10/12.1984 vào một chiều mùa Đông trên mảnh đất trung du, chúng em rất phấn khởi và vô cùng xúc động. Hình ảnh các anh cầm súng đứng bên chiến hào đã trở thành bức tranh tuyệt đẹp. Các anh chính là linh hồn trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc… Mỗi lần nghĩ đến các anh ngày đêm trên biên giới, tắm sương đi trong giá rét để tuần tra, canh gác mà chúng em vô cùng thương các anh. Chúng em hứa với các anh sẽ làm nhiều việc tốt để không phụ lòng các anh!”.
Một cô giáo Trường Mầm non Gò Công, tỉnh Tiền Giang viết: mỗi buổi sáng trước tiết dạy, mỗi giáo viên đều đọc báo, hôm nay bắt gặp bài thơ của ông, bài thơ “Qua những cánh thư xanh” đăng trên Báo Tiền Phong, xem xong, tôi thấy lòng mình thích thích bài thơ ấy và đâm ra nghĩ ngợi bâng quơ…!
Trong thư gửi người lính Hồng Quang, một bạn gái ở Điện Biên viết: “Dẫu chưa một lần được gặp anh, nhưng sao lời thư anh viết ấm áp tình người và yêu thương đến vậy!” Còn một cô gái có nét chữ cực đẹp từ Lai Châu sau khi đọc bài thơ “Qua những cánh thư xanh” đăng trên Báo Tiền Phong đã làm hẳn một bài thơ rất hay gửi tặng chú Hồng Quang, bài thơ có đoạn viết: “Tuy ở xa mảnh đất biên cương/ người hậu phương đều hướng về biên giới/biết nơi anh nhiều phong ba dữ dội/mà lòng phơi phới bởi niềm tin.”
Chúng ta đã đi qua những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc anh hùng, sau nửa thế kỷ nhìn lại, vẫn mãi tự hào và biết ơn những thế hệ đã hy sinh thanh xuân vì độc lập, tự do của dân tộc. Trân trọng hơn khi những năm tháng dù qua đi, nhưng sự thủy chung đặc biệt của người lính đã giữ lại những cánh thư xanh từ hậu phương, để những dòng thư tình cảm năm ấy vẫn sống mãi trong mùa Xuân biên cương Hà Giang.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc