Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học ở Mèo Vạc
BHG - Nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, những năm qua, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc không ngừng quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả của thư viện, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tạo cầu nối tri thức cho học sinh.
Đến Trường Phổ thông dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Lũng Chinh vào giờ ra chơi sẽ bắt gặp hình ảnh từng tốp học sinh ngồi đọc sách tại khuôn viên thư viện nhà trường, các em vừa đọc vừa trao đổi kiến thức với nhau rất vui vẻ, thoải mái. Em Tráng Thị Hồng Thu, học sinh lớp 6A1, chia sẻ: Em rất thích đọc sách ở thư viện trường vì có rất nhiều sách và không gian đọc yên tĩnh. Đọc sách giúp em thư giãn, có thêm nhiều kiến thức bổ ích bên cạnh các bài học trên lớp.
Trường PTDTBT THCS Lũng Chinh bố trí góc địa phương tại thư viện với nhiều vật dụng gần gũi để học sinh tìm hiểu. |
Xuất phát từ ý tưởng tạo điểm nhấn về cảnh quan sư phạm, giúp các em học sinh có sân chơi bổ ích sau giờ học căng thẳng, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, Trường PTDTBT THCS Lũng Chinh xây dựng mô hình thư viện thân thiện và thư viện xanh từ năm 2017. Khuôn viên thư viện thiết kế đơn giản với hệ thống mái che, bàn ghế, cùng với đó là những giá sách nhỏ xinh với trên 200 đầu sách, tài liệu tham khảo, truyện tranh, báo, tạp chí. Trong đó dự án Plan tài trợ hơn 100 đầu sách, gồm những bộ truyện tranh truyền thông về tảo hôn, buôn bán người, kết hôn cận huyết, an toàn trên không gian mạng, phòng chống bạo lực, bạo lực trên cơ sở giới trong và ngoài trường học… Để tạo không gian ấn tượng, tại các góc của thư viện là những bức tranh vui nhộn, bắt mắt, tạo không gian thân thiện với môi trường, giúp giảm căng thẳng, kích thích nhu cầu đọc cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường bố trí nhân viên hướng dẫn các em học sinh thực hiện đúng quy định, giữ gìn thư viện xanh - sạch - đẹp.
Thầy giáo Lê Trọng Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để bổ sung phong phú đầu sách và duy trì hoạt động của thư viện, trường đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia quyên góp sách. Hàng năm tổ chức ngày hội đọc sách với nhiều nội dung phong phú, như thi xếp sách, giới thiệu sách giữa các khối lớp... thu hút học sinh tham gia. Thông qua ngày hội giúp các em được tiếp cận với nhiều loại sách, hình thành thói quen đọc sách để mở rộng kiến thức, góp phần giáo dục kỹ năng sống. Đây còn là dịp để học sinh giao lưu, học tập nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, qua đó góp phần thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”.
Các em học sinh duy trì thói quen đọc sách tại thư viện. |
Là huyện vùng cao biên giới, song công tác đầu tư cho giáo dục luôn được huyện Mèo Vạc quan tâm chú trọng. Năm học 2023 – 2024, toàn huyện có 56 trường học, trong đó mầm non 19 trường, tiểu học 16 trường, THCS 16 trường, 2 trường PTDTBT tiểu học và THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT, 1 trường THPT và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên.
Đồng chí Phạm Văn Hoàn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc, cho biết: Việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các trường học là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm rèn luyện năng lực tự học, đọc, chủ động, giúp học sinh phát triển và mở rộng kiến thức. Do đó, các trường luôn quan tâm đầu tư xây dựng thư viện chất lượng, duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống thư viện, tiêu biểu như Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pả Vi, Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mèo Vạc. Bên cạnh đó, việc bổ sung sách, báo, truyện tranh... cho thư viện cũng được ngành quan tâm thực hiện thường xuyên. Hiện 100% trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đều có thư viện. Hàng năm, 100% các trường học đều tổ chức ngày hội đọc sách với nhiều hình thức như thi xếp sách, giới thiệu sách, kể truyện để vừa tuyên truyền, giao lưu, vừa giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với những phương pháp đọc sách hiệu quả. Ngoài thư viện chung, các nhà trường cũng khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học giúp mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy, cô hướng dẫn cho học sinh cách chọn lựa đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích, trang bị nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập... Từ những cách làm hiệu quả đó, văn hóa đọc trong các nhà trường ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Trọng Đạt
Ý kiến bạn đọc