Quản Bạ nâng cao chất lượng dạy và học
BHG - Hiện nay, huyện Quản Bạ đang triển khai nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, khắc phục những khó khăn của một huyện vùng cao. Qua đó góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lùng Tám, Lệnh Thế Đặng cho biết: Nhà trường hiện nay có tổng số 383 học sinh, với 9 lớp học. Để nâng cao chất lượng dạy và học trường đã tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng năm học 2023-2024 và đề ra một số biện pháp cụ thể như trang bị đầy đủ trang thiết bị học tập cho học sinh; tuyên truyền, vận động các em học sinh sẽ có góc học tập ở nhà, vì theo khảo sát của nhà trường hầu như các em không ở bán trú đều không có góc học tập tại nhà. Nâng cao chất lượng học buổi chiều và buổi tối của học sinh bán trú, thành lập các nhóm học tập. Đối với cán bộ, giáo viên phải thay đổi cách dạy học trong thời đại số, tự học trên các trang web giáo dục. Chú trọng chất lượng các tiết phụ đạo thêm buổi chiều và bồi dưỡng học sinh. Tổ chức khảo sát chất lượng học sinh đầu năm và giữa học kỳ. Đăng ký chỉ tiêu cụ thể đối với từng giáo viên và từng bộ môn.
Một tiết học của học sinh Trường PTDTBT THCS Quyết Tiến. |
Tuy nhiên, theo thầy giáo Đặng, khó khăn cơ bản nhất hiện nay vẫn là nhận thức của phụ huynh và học sinh với việc học tập, nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, việc tốt nghiệp THCS có thể đi học nghề, kiếm việc làm. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thay đổi lượng kiến thức và phương pháp khác hẳn so với trước đây, trong khi năng lực chuyên môn của giáo viên thì có hạn, một môn có khi phải có 3 giáo viên dạy. Trang thiết bị còn thiếu nhiều, cơ sở vật chất của nhà trường thiếu sân bãi, phòng học, học sinh quá đông, có lớp học có đến 50 học sinh, trong khi diện tích phòng học bé, không đảm bảo. Chương trình giáo dục mới có nhiều bất cập trong quá trình triển khai như phương pháp, học liệu, cách dạy mới; phụ huynh vẫn thụ động như trước đây nên hiệu quả của các tiết dạy không đảm bảo.
Cô giáo Nhữ Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Quyết Tiến, cho biết: Với phương châm “dạy thật, học thật, chất lượng thật” nhà trường đã làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc vận động nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Chỉ đạo đối với các đơn vị trực thuộc, các đoàn viên, hội viên, công an xã, ban quản lý các thôn… trong việc phối hợp với nhà trường quản lý, giáo dục học sinh thời gian ngoài trường học; trong công tác vận động học sinh ra lớp đảm bảo đủ số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường; vận động ủng hộ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà xa trường không có khả năng đóng góp, không có phương tiện đi lại được ăn ở tại trường. Đồng thời, xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu và quyết tâm tổ chức thực hiện tốt để tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong năm học 2023-2024.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học, huyện Quản Bạ đã ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2023-2024. Trong đó tập trung vào xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu của các cấp, ngành để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023- 2024. Từng bước đáp ứng đầy đủ về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để triển khai hiệu quả chương trình và sách giáo khoa mới, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục thực chất. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học trong thực hiện hiệu quả kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2023- 2024. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong phụ huynh, học sinh và toàn xã hội nhằm nâng cao ý thức tự giác học tập, rèn luyện của học sinh. Phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trọng tâm là công tác quản lý chất lượng dạy, học trong các nhà trường hướng tới mục tiêu “dạy thật, học thật, chất lượng thật”. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có tâm huyết, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, kỹ năng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc