Năm học mới tâm thế mới, khát vọng mới
BHG - Sáng nay (5.9), hoà chung không khí rộn rã ngày khai trường trên cả nước, hơn 265 nghìn học sinh và hơn 18 nghìn cán bộ quản lý, công chức, giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành Giáo dục tỉnh ta chính thức bước vào năm học mới 2023-2024.
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch và triển khai các giải pháp phát triển giáo dục, trong đó tập trung duy trì sĩ số học sinh, tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018... qua đó, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực.
Cô, trò Trường THCS thị trấn Đồng Văn. Ảnh: TƯ LIỆU |
Tính đến hết tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh có 817 cơ sở giáo dục với trên 265.830 học sinh. Toàn ngành có trên 18 nghìn cán bộ quản lý, công chức, giáo viên, giảng viên, nhân viên trong biên chế; trong đó, số người có trình độ đạt chuẩn trở lên đạt 87,12%. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 64,1%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,96%; tỷ lệ huy động học sinh 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99,16%; tỷ lệ huy động và tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và tương đương đạt 66,75%; tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh hằng ngày trung bình các cấp học đạt trên 98%; trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%; học sinh tiểu học hoàn thành chương trình môn học, chương trình rèn luyện đạt 97,47%; tỷ lệ học sinh đạt kết quả học tập khá, giỏi cấp phổ thông đạt 43,52%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 94,81%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 51,06%.
Bên cạnh thành quả đạt được, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh còn khó khăn, bất cập, hạn chế với nhiều nguyên nhân, như: Đời sống người dân còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao; đông đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu rất nhiều giáo viên, nhân viên theo định mức. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thật sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, phó mặc cho ngành Giáo dục tham mưu, chỉ gần đến ngày khai giảng, sơ kết, tổng kết thì lúc đó mới có động tĩnh. Các cơ quan quản lý giáo dục chưa có các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy nâng cao chất lượng một cách thực chất. Việc đánh giá chất lượng giáo dục ở nhiều trường chưa thực chất, còn nặng thành tích; việc giao chỉ tiêu chất lượng một cách hình thức theo tỷ lệ phần trăm nhưng không có cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng một cách thực chất theo chuẩn kiến thức, kỹ năng dẫn đến tư tưởng và hành động chạy theo thành tích tồn tại trong một thời gian dài và khá phổ biến. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa có nhận thức đúng về ý thức, trách nhiệm của cá nhân đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất, còn chạy theo thành tích, không tận tâm với nghề, với học sinh, thụ động trong công việc, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ thấp. Kỷ cương, nền nếp tại một số các trường mầm non, phổ thông chưa nghiêm; một bộ phận Hiệu trưởng, cán bộ quản lý trường học chưa gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Năng lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu.
Từ những hạn chế trên, năm học mới 2023 - 2024, ngành Giáo dục cần thẳng thắn phân tích, đánh giá đúng các nguyên nhân hạn chế, để đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, không chạy theo thành tích; trong đó cần đánh giá đúng chất lượng thi giáo viên dạy giỏi các cấp; chất lượng điểm thi của học sinh; chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia; tình hình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các trường học; việc thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh; trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong đánh giá chất lượng học sinh. Bên cạnh đó, cần định hướng cho học sinh học tập các môn học để nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT; xây dựng phong trào học tập trong cộng đồng để khuyến khích, động viên các em tích cực, chăm chỉ học tập; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hóa hình thức dạy và học.
Tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030 mới đây, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nêu 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giáo dục; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác giáo dục; nghiên cứu ban hành chính sách và bổ sung nguồn lực tài chính; củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô trường, lớp học, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo đảm bảo đủ số lượng và chất lượng; đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng; đổi mới tổ chức dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.
Thực hiện tốt những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, sự nghiệp trồng người trên địa bàn tỉnh ta chắc chắc sẽ gặt hái thành công ngay trong năm học mới 2023-2024 và những năm tiếp theo. Tiếng trống khai trường đã rộn rã, ngành Giáo dục tỉnh nhà tự tin bước vào năm học mới với tâm thế mới, khí thế mới, tràn đầy kỳ vọng tiếp tục gặt hái “mùa quả ngọt”!
Bài, ảnh: THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc