Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
BHG - Đào tạo nghề cho lao động nói chung, lao động nông thôn (LĐNT) nói riêng có vai trò quan trọng trong xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng Nông thôn mới.
Giờ thực hành của học sinh lớp Điện, Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang. |
Những năm qua, nhờ triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền nên nhận thức của các cấp, ngành và người lao động về đào tạo nghề đã có chuyển biến tích cực. Công tác dạy nghề cho LĐNT từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Chính sách dạy nghề cho LĐNT từng bước gắn với nhu cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất, các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn. Qua đó, xây dựng các mô hình kinh tế hộ, đặc biệt đối với người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình đào tạo nghề dưới 3 tháng được xây dựng sát với yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng được sự thay đổi của khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Giai đoạn 2010 - 2020, tổng danh mục nghề được phê duyệt định mức chi phí đào tạo là 109 nghề, trong đó có 34 nghề nông nghiệp và 75 nghề phi nông nghiệp.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) theo Đề án 1956 cho trên 140 nghìn LĐNT trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt trên 80%. Thanh niên sau khi học nghề đã vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, giảm nghèo tại khu vực nông thôn. Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm.
Giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang hướng dẫn học sinh lớp May thời trang. |
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn cho các hộ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa cũng được chính quyền, đoàn thể quan tâm. Từ đầu năm 2022 đến nay, tổ chức 203 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp tại các xã, cụm xã cho 15.072 người, trong đó giới thiệu việc làm thành công 1.381 người. Tiếp nhận và giải quyết 1.855 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.734 người.
Song song với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh, sinh viên thực tập, ký cam kết về việc làm sau đào tạo. Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang đã thực hiện tốt các kế hoạch đề ra, duy trì các lớp trung cấp nghề và bổ túc văn hóa tại trường và các đơn vị liên kết với tổng số 36 lớp/1.274 học sinh. Trong đợt Hè, trường đã tổ chức cho lớp trung cấp nghề Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, May thời trang, Chăn nuôi thú y thực tập tốt nghiệp tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địạ bàn trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề để nâng cao trình độ, kỹ năng, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đổi mới phương thức đào tạo gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo tại các cơ sở sản xuất, đào tạo từ xa.
Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; chú trọng nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; gắn kết việc đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường…
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Ý kiến bạn đọc