“Mẹ đỡ đầu” hàn gắn vết thương cho trẻ thơ
BHG - Những đứa trẻ sinh ra trong sự không trọn vẹn, có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hụt về tình cảm của bố mẹ. Xuất phát từ trách nhiệm và trái tim nhân hậu của phụ nữ Việt Nam, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Liên hiệp Hội phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động. Qua đó “Mẹ đỡ đầu” trở thành ngôi nhà, nơi trao yêu thương với sự quan tâm, khích lệ, động viên, tạo thêm một mái ấm gia đình với sự chăm lo về vật chất, tinh thần cho trẻ mồ côi.
Tổ Mẹ đỡ đầu khối Cảnh sát quản lý hành chính, Hội Phụ nữ Công an tỉnh mua sách giáo khoa đầu năm học mới cho cháu Nguyễn Thành Long. |
Tính đến tháng 8.2022, toàn tỉnh đã nhận đỡ đầu 270 trẻ mồ côi. Trong đó Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu 2 trẻ, hỗ trợ 6 triệu đồng/năm cho mỗi con đến 18 tuổi; Hội LHPN các huyện đỡ đầu 51 trẻ; Hội LHPN cơ sở nhận đỡ đầu 121 trẻ; vận động các tổ chức, cá nhân đỡ đầu 96 trẻ. Tổng số tiền hỗ trợ các em trên 500 triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà trị giá trên 100 triệu đồng. Ngoài việc hỗ trợ về vật chất, sách vở, đồ dùng học tập, các cấp hội đã tập trung chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống…từ đó các em được quan tâm, chăm sóc, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm học tập.
Từ nghiên cứu đặc điểm, tình hình, số trẻ em mồ côi trên địa bàn, trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19 là không có, nhưng có trên 2.000 trẻ mồ côi bố hoặc mẹ. Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã thành 7 tổ Mẹ đỡ đầu. Đồng chí Nguyễn Kim Khánh, đại diện Tổ Mẹ đỡ đầu khối Cảnh sát quản lý hành chính, Hội Phụ nữ Công an tỉnh chia sẻ: “Qua chuyến công tác đến trường tiểu học Minh Khai, thành phố Hà Giang, chúng tôi đã gặp cháu Nguyễn Thành Long và được biết cháu vừa mất bố, hiện đang sống một mình. Tổ chúng tôi đã nhận cháu làm con nuôi và tổ chức các hoạt động như: Hàng tuần, các thành viên trong tổ thay phiên đến nhà chăm sóc, cùng con nấu ăn, làm việc nhà, cảnh báo con những nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra; dạy con học bơi, cách thoát hiểm trong những tình huống hỏa hoạn, cháy nổ; đưa con đi mua sách, vở, đồ dùng học tập, quần, áo những món đồ mà con chưa bao giờ được mua mới cho một năm học… Qua hai tháng đồng hành cùng con, chúng tôi cảm nhận nỗi buồn trong con đã được vơi đi phần nào, thay vào đó là nhiều nụ cười và những câu chuyện về cuộc sống được Long chia sẻ nhiều hơn. Từ đó Long dần cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của người mẹ giành cho con, thứ tình cảm mà bấy lâu con chưa có được…”.
Là chương trình mới, nhưng những hoạt động “Mẹ đỡ đầu” đã có và duy trì tại Hà Giang từ rất lâu, điển hình như Hội LHPN huyện Đồng Văn với việc nhận đỡ đầu 2 cháu Sùng Mí Nô và Sùng Mí Pó. Chị Vàng Thị Cầu, mẹ đỡ đầu chia sẻ: “Cảm thông trước hoàn cảnh của 2 con, năm 2018 Hội đã nhận đỡ đầu Nô và Pó với các hoạt động: Hàng tháng hỗ trợ mỗi cháu 250.000 đồng, tặng quần áo và quà vào các ngày lễ lớn trong năm, trực tiếp đến nhà thăm và đón các con ra huyện chơi... Trước hoàn cảnh khó khăn của 2 con, năm 2022 tôi đã đón 2 con về nhà để tiếp tục nuôi dưỡng và cho các con đi học xóa mù chữ, định hướng cho các con học nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống và du lịch. Bên cạnh đó, Hội đã nhận thêm 38 “con” là trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đồng Văn để chăm sóc và nuôi dưỡng”.
Nhằm tạo sức lan tỏa các cấp Hội LHPN đẩy mạnh triển khai các nội dung như: Tích cực vận động, hỗ trợ, kết nối “Mẹ đỡ đầu” nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi; tổ chức truyền thông, giới thiệu chương trình, câu chuyện về “Mẹ đỡ đầu” và trẻ; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, kết nối tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp; hướng dẫn kỹ năng sống và an toàn cho trẻ; tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, tham quan, học tập… hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc