Nâng cao năng lực thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
BHG - Trong bối cảnh thị trường lao động (LĐ) bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã và đang phát huy vai trò “điểm tựa” giúp người LĐ vượt qua khó khăn.
Người lao động làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Văn phòng BHTN huyện Yên Minh. |
BHTN là chính sách hỗ trợ một phần thu nhập cho người LĐ bị mất việc làm (VL), hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu VL mới. Sau hơn 12 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, chính sách này đang được người LĐ đón nhận, tham gia tích cực. Đặc biệt, khi dịch Covid – 19 bùng phát, nhiều LĐ thất nghiệp hoặc thiếu VL, BHTN sẽ giúp họ có cơ hội quay lại thị trường LĐ nhanh chóng. Phát huy vai trò của BHTN, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải cách chính sách, thúc đẩy thị trường LĐ. Một trong những giải pháp trọng tâm là việc ban hành, triển khai Đề án “Nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh”. Qua đó, tăng cường trách nhiệm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành, LĐ và doanh nghiệp trong thực hiện chính sách BHTN.
Đề án tập trung vào 10 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực của tổ chức bộ máy, nhân sự và cơ chế tài chính của các đơn vị thực hiện chính sách BHTN theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; để BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường LĐ. Theo đó, thực hiện vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và LĐ, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động thực hiện chính sách BHTN kịp thời, đồng bộ theo quy định, không để hồ sơ tồn đọng. Giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm đã tiếp nhận 5.955 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp, giải quyết kịp thời 5.634 hồ sơ đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp với kinh phí chi trả trên 62,2 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 18.400 lượt LĐ, giúp họ có cơ hội tiếp cận VL mới, sớm ổn định cuộc sống.
Đồng chí Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ VL tỉnh cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã được hỗ trợ về cơ sở vật chất, đáp ứng cơ bản yêu cầu được giao. Cùng với đó, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHTN. Trong đó, chú trọng sắp xếp, bố trí nhân sự theo đúng quy định về tiêu chuẩn vị trí VL theo chức danh nghề nghiệp, đảm bảo nhân sự thực hiện BHTN có đủ năng lực và kỹ năng phù hợp đáp ứng các nhiệm vụ. Ngoài ra, Trung tâm đã mở 3 Văn phòng giải quyết BHTN đặt tại các huyện: Yên Minh, Bắc Quang và Hoàng Su Phì, giúp LĐ rút ngắn khoảng cách, thời gian giải quyết đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, hệ thống điều tra, cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu về cung - cầu LĐ đang được triển khai hiệu quả, là cơ sở đánh giá về thị trường, nhu cầu tuyển dụng và khả năng đáp ứng nguồn LĐ của tỉnh…
Song song với đó, hoạt động nâng cao năng lực trong truyền thông, giám sát, đánh giá được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền về BHTN được triển khai sâu rộng, giúp người LĐ, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về các chính sách có liên quan. Đồng thời, quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN từng bước được hoàn thiện, thống nhất, chuẩn hóa và có sự liên thông giữa các sở, ngành, địa phương trong tư vấn, giới thiệu VL, cung ứng LĐ và các biện pháp hỗ trợ VL sau đào tạo.
Đứng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thị trường LĐ biến động nhanh chóng, thời gian qua, hoạt động ứng dụng CNTT trong thực hiện BHTN đã được quan tâm. Ngành LĐ đang tích cực triển khai thực hiện phần mềm BHTN tích hợp với các phần mềm về quản lý LĐ, thông tin thị trường, biến động LĐ. Hoàn thiện, thống nhất cơ sở dữ liệu về quản lý LĐ để thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu liên ngành Tài chính, Thuế, Bảo hiểm xã hội nhằm tăng hiệu quả quản lý đối tượng tham gia và thực thi chính sách BHTN. Thực hiện các giao dịch điện tử, tiến tới số hóa quản lý hệ thống BHTN gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc.
Mục tiêu đến năm 2025: 100% người LĐ đang đóng BHTN bị mất VL được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; 80% người thất nghiệp được giới thiệu VL miễn phí, tăng tỷ lệ hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng cho người LĐ; hoàn tất kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa cơ quan LĐ và cơ quan bảo hiểm xã hội; 100% nhân sự thực hiện chính sách BHTN được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt 85%... Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành và các cơ quan thực hiện chính sách BHTN cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; góp phần phát triển KT - XH tại địa phương.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN