Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
BHG - Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 106 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng, 100% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng đều mạnh khỏe, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Phòng khám Đa khoa - chuyên khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Theo các chuyên gia, nếu không có can thiệp thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con từ 15-45%, tuy nhiên nếu được điều trị dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỷ lệ này có thể giảm xuống còn dưới 2%. Để thực hiện mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, Bộ Y tế khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai, phụ nữ có hành vi nguy cơ cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Trước khi mang thai: Phụ nữ nên chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV, nhất là những phụ nữ có nguy cơ (có chồng, bạn tình là người nghiện chích ma túy hay nhiễm HIV). Nếu phát hiện nhiễm HIV sẽ được bác sĩ tư vấn, điều trị trước khi có ý định mang thai.
Trong khi mang thai: Tất cả thai phụ cần đến cơ sở y tế đăng ký quản lý thai nghén và tư vấn xét nghiệm HIV, để kịp thời xét nghiệm và phát hiện sớm nhiễm HIV ngay trong những tháng đầu của thai kỳ. Nếu phát hiện nhiễm HIV trong quá trình mang thai sẽ được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.
Đối với những phụ nữ đã nhiễm HIV: Cần phải điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Trước khi mang thai cần tư vấn bác sĩ, khám sức khỏe tổng thể và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chủ động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thực hiện khám thai định kỳ và đăng ký sinh con tại các cơ sở sản khoa có cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hoặc BVĐK các huyện. Trong quá trình mang thai, sinh con, bà mẹ cần tuân thủ điều trị theo tư vấn của bác sĩ để giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền HIV cho con.
Chăm sóc trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV: Ngay sau khi sinh, trẻ sẽ được uống thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ. HIV có trong sữa mẹ, do đó tốt nhất nên cho trẻ uống sữa công thức. Nếu như gia đình không có điều kiện để cho trẻ uống sữa công thức thì có thể cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cai sữa và chuyển sang thức ăn bổ sung. Khi trẻ được 4 - 6 tuần tuổi cần đưa trẻ đến Phòng khám Đa khoa – chuyên khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm, chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV.
Để chủ động sàng lọc phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở sản khoa trên địa bàn toàn tỉnh tiến hành tư vấn, xét nghiệm HIV sớm cho tất cả phụ nữ mang thai ngay khi họ đến với sơ sở y tế. Khi phát hiện các trường hợp nhiễm HIV người bệnh sẽ được chuyển tiếp đến các cơ sở điều trị ngay. Đồng thời, tại các BVĐK tuyến tỉnh, huyện đều cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm đầy đủ các thuốc điều trị cho mẹ và con, chăm sóc toàn diện cho sản phụ nhiễm HIV. Nhờ đó, một phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được theo dõi quản lý, chăm sóc từ khi mang thai cho đến khi chuyển dạ và sau sinh sẽ nâng cao hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Với mục tiêu hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả góp phần giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nhiễm HIV, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các BVĐK tuyến tỉnh, huyện là những đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Vì thế, để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần chủ động tìm hiểu kiến thức để dự phòng lây nhiễm HIV; phụ nữ trước khi mang thai, trong quá trình mang thai cần xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần sớm tiếp cận điều trị dự phòng, đăng ký sinh con tại các bệnh viện tuyến huyện, BVĐK tỉnh để được chăm sóc toàn diện cho mẹ và con.
Bài, ảnh: Liên Hương
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)