Phát triển thị trường lao động và việc làm
BHG - Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp mới trong giải quyết việc làm (VL) và phát triển thị trường lao động (LĐ), giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giải quyết VL cho gần 93.000 LĐ; cơ cấu LĐ, VL chuyển dịch theo hướng tích cực. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất và tính cạnh tranh của lực lượng LĐ trên địa bàn tỉnh.
Nhiều lao động địa phương làm việc tại Nhà máy sản xuất nước giải khát thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). |
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường LĐ tỉnh ta tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường. Để phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch về công tác LĐ và giải quyết VL. Nổi bật, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 114 phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, VL và an toàn LĐ, giai đoạn 2016-2020. Với mục tiêu thúc đẩy, phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu LĐ, hỗ trợ, giải quyết việc làm… 5 năm qua, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về VL; đặc biệt về phát triển thị trường LĐ với nhiều kết quả tích cực. Một trong những giải pháp then chốt để phát triển thị trường LĐ là hoạt động nâng cao năng lực của Trung tâm dịch vụ VL. Cùng với đó, UBND tỉnh đã cấp phép cho một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ VL; giúp người LĐ có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội làm việc.
Doanh nghiệp tư vấn hướng nghiệp lao động tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh. |
Đồng chí Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ VL tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã được hỗ trợ về cơ sở vật chất, con người để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chủ động kết nối giữa thị trường với doanh nghiệp và người LĐ để tư vấn, cung ứng LĐ. Cùng với đó, hoạt động giới thiệu VL, cung ứng LĐ được kết nối qua nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp tạo thành mạng lưới bao phủ trên toàn tỉnh. Hoạt động kết nối thông tin về cung, cầu LĐ giữa Trung tâm với các Trung tâm VL trong nước đã giúp người LĐ tiếp cận với thị trường, nhu cầu tuyển dụng, vị trí việc làm; qua đó, dễ dàng lựa chọn và đăng ký. Mặt khác, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai kịp thời gắn với đẩy mạnh tư vấn VL mới và học nghề giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường LĐ. Kết quả, giai đoạn 2016 -2020 Trung tâm đã tiếp nhận 5.955 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và chi trả trên 62 tỷ đồng. Đồng thời, tư vấn, giới thiệu VL cho 18.400 lượt LĐ, giúp họ có VL, ổn định cuộc sống.
Song song với đó, hoạt động tìm kiếm và mở rộng thị trường LĐ luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn khảo sát thị trường, ký kết biên bản cung ứng LĐ tại nhiều địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đơn vị đào tạo trên cả nước đến với tỉnh để tuyển dụng LĐ. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 40.371 LĐ đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước; chiếm 43,5% số LĐ được giải quyết việc làm toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ LĐ đi làm việc ở nước ngoài, LĐ dịch chuyển vùng biên được chú trọng. Các ngành đã chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người LĐ về làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu LĐ. Bên cạnh đó, các thỏa thuận quản lý LĐ qua biên giới với Trung Quốc được ký kết đã tạo điều kiện cho hoạt động cung ứng LĐ. Từ năm 2016-2020, toàn tỉnh có trên 3.000 LĐ làm việc tại nước ngoài và có thu nhập khá, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Để cải thiện cơ hội nhận được VL của thanh niên, người khuyết tật, phụ nữ nghèo, thời gian qua, Quỹ Quốc gia về VL đã trở thành “điểm tựa” để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đây cũng là chính sách quan trọng góp phần giải quyết, duy trì và mở rộng VL thông qua triển khai hỗ trợ vay vốn theo nguồn ủy thác của ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn này là cơ sở để tạo nhiều VL cho LĐ người dân tộc thiểu số ở địa phương, phụ nữ nông thôn, người đi xuất khẩu lao động. Tổng doanh số cho vay giai đoạn 2016-2020 đạt 242.720 triệu đồng với 6.925 dự án vay vốn. Từ nguồn vốn này, đã có trên 8.000 LĐ có VL. Cùng với đó, hướng tới lực lượng LĐ trẻ, các hoạt động hỗ trợ, tạo việc làm cho thanh niên được triển khai mạnh mẽ thông qua Chương trình khởi nghiệp. Huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng LĐ trẻ gắn với thị trường và tạo cơ hội cho thanh niên lập thân, lập nghiệp…
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, VL và an toàn lao động hướng tới tạo VL cho 85.000 LĐ, đào tạo nghề cho 36.000 người. Trong đó, phát triển thị trường LĐ,VL tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm song hành với công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, đứng trước cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; quy mô sản xuất, nhu cầu tuyển dụng LĐ chất lượng cao ngày càng tăng cũng đặt ra yêu cầu đổi mới trong công tác đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu thị trường. Do vậy, các ngành, cấp cần chủ động phát triển thị trường lao động bền vững; khai thác, cập nhật thông tin cung - cầu lao động. Đa dạng hóa các hình thức giới thiệu việc làm giúp người LĐ có điều kiện tiếp cận với thông tin tuyển dụng…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc