Nỗ lực kéo điện thắp sáng vùng quê
BHG - Sau nhiều năm triển khai xây dựng NTM, Mèo Vạc đạt nhiều kết quả tích cực về thực hiện tiêu chí điện, nhưng hiện còn không ít thôn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Nhờ có điện, người dân xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) sử dụng máy thái giúp tăng năng suất lao động. |
Hiện nay, hạ tầng điện ở Mèo Vạc được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ; huyện lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn; bảo đảm khoảng cách an toàn, phát quang hành lang; lắp đặt mới và thay thế công tơ đo đếm điện năng cho các hộ dân nông thôn. Toàn huyện hiện có 162/199 thôn được sử dụng điện lưới quốc gia (trong đó, 123 thôn được Nhà nước kéo điện, 39 thôn nhân dân tự kéo), 13 thôn đang được triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống điện; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện tăng từ 51,15% năm 2015 lên 89% năm 2020, tương đương 14.646 hộ được sử dụng điện; chất lượng dịch vụ cung cấp điện ở nông thôn chuyển biến rõ rệt, tạo động lực quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành, nghề dịch vụ nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường cho biết: Thời gian qua, huyện cùng với doanh nghiệp, nhân dân huy động hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình cấp điện cho các hộ dân chưa có điện ở khu vực vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn huyện có trên 95% số hộ được sử dụng thường xuyên, an toàn điện lưới quốc gia, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; phối hợp với các ngành, cấp trong giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất thực hiện dự án cấp điện; đầu tư hệ thống điện sau công tơ đảm bảo kỹ thuật; phối hợp khảo sát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng lưới điện, tránh trùng lặp khi triển khai thực hiện.
Hệ thống điện nông thôn xã Tả Lủng (Mèo Vạc) được đầu tư. |
Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án; các chính sách được lồng ghép, tích hợp vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với Chương trình xây dựng NTM, huyện ưu tiên huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống điện trên địa bàn các xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Phối hợp triển khai đầu tư phát triển lưới điện tại các thôn chưa có điện; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; phát huy năng lực sản xuất của các Nhà máy Thủy điện Nho Quế 1,2,3; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Nhiệm 3, 4 sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Hàng năm, huyện bố trí các nguồn vốn chương trình 30a, 135, NTM và cân đối các nguồn vốn được phân cấp để ưu tiên đầu tư xây dựng mới công trình điện cho thôn chưa có điện lưới quốc gia; bố trí vốn thanh toán cho các công trình điện chuyển tiếp, nhằm đảm bảo tiến độ thi công các công trình. Tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư kinh phí kéo điện từ đường dây 0,4KV về nhà; trang bị các thiết bị điện trong nhà và sử dụng điện an toàn, đúng kỹ thuật.
Tả Lủng là một trong những xã được huyện quan tâm đầu tư hệ thống điện. Đồng chí Hoàng A Páo, Phó Chủ tịch HĐND xã Tả Lủng cho biết: Xã thường xuyên vận động người dân phát quang hành lang an toàn lưới điện; không trồng các loại cây phát triển nhanh dưới đường dây; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình trạng lưới điện, bảo đảm duy trì cung cấp điện an toàn. Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền giúp nhân dân hiểu biết về lợi ích khi được sử dụng điện lưới quốc gia để tích cực tham gia thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống điện như: Đóng góp phần đền bù, tự giải phóng mặt bằng khi đầu tư các công trình điện; đầu tư hệ thống điện gia đình sau công tơ bảo đảm an toàn.
Do nguồn lực hạn hẹp, huyện Mèo Vạc đang đề xuất tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm đầu tư cấp điện cho các hộ chưa có điện; tạo điều kiện để doanh nghiệp, đơn vị điện lực tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn. Cân đối vốn ngân sách hoặc huy động từ các nguồn khác trong tỉnh để có vốn đối ứng nhằm thực hiện dự án cấp điện cho các thôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh; đề xuất Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh có kế hoạch và thống nhất danh mục các xã xây dựng NTM, đồng bộ các nguồn lực để triển khai thực hiện; sử dụng kết hợp các nguồn vốn hiệu quả; vận động các hộ dân tự nguyện tham gia giải phóng mặt bằng để có thêm vốn đầu tư xây dựng mới lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các xã, nhóm hộ; nghiên cứu quy hoạch lại các cụm dân cư tập trung tại các thôn, tạo thuận lợi cho việc đầu tư cấp điện…
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc