Hợp tác quốc tế hỗ trợ đồng bào dân tộc ứng phó với đại dịch

18:14, 17/01/2021

BHG - Mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid - 19, nhưng đại dịch vẫn tác động nghiêm trọng đến kinh tế. Trong đó, thể hiện rõ nhất ở Hà Giang là người lao động thiếu việc làm, khi các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc bị đóng cửa; lượng khách du lịch giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế của người dân.

Đại diện UNDP và lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc chi trả tiền cho người dân qua Bưu điện.
Đại diện UNDP và lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc chi trả tiền cho người dân qua Bưu điện.

Đại dịch ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển KT-XH, trong đó có vấn đề việc làm, ngành Du lịch và việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết: Qua khảo sát tại Hà Giang cho thấy, các HTX do đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) làm chủ đã bị giảm doanh thu từ 50-80%, giảm số người lao động/giờ làm việc từ 40-90% và giảm thu nhập của hộ từ 50-60%. Những tác động này rơi vào số hộ nghèo, phụ nữ và bà con DTTS dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Để ứng phó với tác động của đại dịch, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã tài trợ không hoàn lại số tiền trên 170.000 USD (tương ứng gần 4 tỷ đồng) cho Hà Giang và thông qua Hội LHPN tỉnh làm nòng cốt thực hiện 2 Dự án “Không để lại ai phía sau trong ứng phó và phục hồi đại dịch Covid-19” và “Thúc đẩy an ninh con người - Không để ai lại phía sau thông qua ứng phó tổng hợp với Covid-19 tại Việt Nam”. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự tích cực tham gia của các cơ quan liên quan, nhiều hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS đã được hưởng lợi từ tính nhân văn của dự án.

Thực hiện các nội dung của dự án, Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức truyền thông tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh) cho 240 cán bộ Hội các cấp, y tế xã, các thành viên HTX, tổ, nhóm hợp tác về cách phòng ngừa Covid-19, các khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng tránh dịch bệnh, hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng… Đồng thời, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bưu điện Việt Nam (VNPost) tiến hành chi trả cho 600 thành viên HTX, tổ, nhóm hợp tác là hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với số tiền 2,3 triệu đồng/người. Cấp phát cho mỗi hộ 2 đôi ủng nhựa, xà phòng, khẩu trang tại một số xã khó khăn của 4 huyện vùng cao. Việc chi trả tiền qua VNPost nhằm khuyến khích người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ như điện thoại thông minh trong thời kỳ 4.0 và thực hiện một nền hành chính minh bạch. 

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức ra quân quét dọn, làm sạch môi trường công cộng nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch Covid-19 tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Hoạt động này đã thu hút 600 người là công chức, viên chức, hội viên phụ nữ, hộ nghèo tham gia. Phối hợp với VNPost tiến hành chi trả ngày công lao động cho 804 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và những người mất việc làm do đại dịch, đang lao động tại 19 công trình giao thông nông thôn tại 2 huyện Đồng Văn, Yên Minh. Đây là mô hình đồng tài trợ, trong đó phần lớn kinh phí do Nhà nước bỏ ra và dự án hỗ trợ một phần tiền công lao động phổ thông. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh; góp phần ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Ông Phàn A Chủng, Trưởng thôn Nà Ngù, xã Ngam La (Yên Minh), phấn khởi chia sẻ: “Hầu hết người dân trong thôn đều là hộ nghèo, việc đi làm đường nông thôn do UNDP hỗ trợ tiền công lao động hơn 100 nghìn đồng/ngày đã giúp người dân có tiền trang trải cuộc sống trong thời gian bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, thôn lại có đoạn đường bê tông dài 750 m, rộng 3 m để đi lại”. Khoản thu nhập này rất quan trọng đối với các hộ nghèo và cận nghèo để mua các vật dụng thiết yếu, trả học phí và các chi phí y tế. Đồng thời, Nhà nước cũng giảm được chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng; cộng đồng có đường mới, thuận tiện cho việc đi lại, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như trường học, trạm y tế, giao thương hàng hóa, phục vụ du lịch và cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, dự án còn giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường để Hà Giang có một tương lai sáng, xanh và bền vững, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc trao tiền hỗ trợ cho 2 gia đình bị cháy nhà tại xã Khâu Vai

BHG - Chiều 16.1, đồng chí Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Hà Giang, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cùng đoàn công tác đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ cho các gia đình ông Vừ Mí Thò và Vừ Sính Và, trú tại thôn Pắc Cạm, xã Khâu Vai bị cháy nhà.

17/01/2021
Mang Xuân về "quần đảo bão tố"

BHG - Bốn con tàu mang phiên hiệu Trường Sa 561, Trường Sa 571, KN 490, KN 491 đồng loạt rời Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đem theo gần 100 tấn hàng, quà xuân của nhân dân cả nước gửi tặng, mang niềm tin yêu và hơi ấm đất liền ra quần đảo Trường Sa. Đây là cuộc hải trình cuối cùng của năm Canh Tý giữa biển trời Tổ quốc khi mùa Xuân đang hối hả về.

 

16/01/2021
Hội CCB Ban Tuyên giáo và Ban Tổ chức T.Ư tặng quà gia đình chính sách

BHG - Sáng 16.1, đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh (CCB) Ban Tuyên giáo T.Ư và Ban Tổ chức T.Ư do đồng chí Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy cơ quan Ban Tuyên giáo T.Ư, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB Ban Tuyên giáo T.Ư làm trưởng đoàn đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn thành phốHà Giang, xã Thanh Thủy và xã Phương Tiến (Vị Xuyên). Đi cùng đoàn có đại diện Hội CCB tỉnh.

16/01/2021
Không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức bắn pháo hoa

BHG - Nhằm tạo khí thế tươi vui, phấn khởi đón chào Xuân năm mới, ngày 14.1, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND về tổ chức các hoạt động mừng Xuân Tân Sửu năm 2021. Trong đó, có tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trong đêm giao thừa với hình thức huy động kinh phí từ xã hội hóa.

16/01/2021