Cách làm hay trong phòng, chống rét cho gia súc ở Quản Bạ

09:55, 21/01/2021

BHG - Mùa Đông năm nay, trên địa bàn huyện Quản Bạ xuất hiện băng giá và sương muối. Chính vì vậy, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã quan tâm đến công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc, nhằm bảo vẹ và giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân. Trong đó, các địa phương đã phát huy tính chủ động trong công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc với nhiều cách làm hay, sáng tạo tại cơ sở. 

Cán bộ xã Nghĩa Thuận giúp hộ dân che chắn chuồng bò trong mùa Đông.
Cán bộ xã Nghĩa Thuận giúp hộ dân che chắn chuồng bò trong mùa Đông.

Là xã vùng cao có khí hậu khắc nghiệt, mùa Đông thường rét đậm, rét hại và có sương muối. Vì vậy, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc luôn được chính quyền xã Nghĩa Thuận quan tâm, đổi mới cách làm, gắn với trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách thôn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống rét cho gia súc. Với phương châm “2 cân đinh, 1 cây búa”, những ngày qua, không ngại thời tiết khắc nghiệt, các cán bộ khuyến nông xã đã đến từng hộ chăn nuôi tuyên truyền cách phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đồng thời phát bạt cho hộ chăn nuôi, “xắn tay áo” cùng các hộ che chắn chuồng trại để phòng, chống rét cho đàn trâu, bò. Bà Thào Thị Khía, dân tộc Mông, thôn Ma Sào Phố, xã Nghĩa Thuận, chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 2 người già yếu nên không thể quây bạt và chăm sóc tốt cho đàn bò được. Mùa đông năm nay, cán bộ xã đến tận nhà phát bạt, kêu gọi mọi người giúp nhà tôi quây bạt chuồng trại để che chắn cho đàn bò khỏi bị rét và hướng dẫn cách chăm sóc đàn bò trong mùa Đông. Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền xã, bà con trong thôn mà đàn bò nhà tôi vẫn khỏe mạnh trong mùa Đông này”. 

Điểm khác biệt so với những năm trước về công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, năm nay xã Nghĩa Thuận phân công cho từng cán bộ phụ trách, phối hợp với người đứng đầu của các thôn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trích một phần tiền từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng dùng để mua bạt. Cán bộ xã sẽ trực tiếp phân phát bạt và cùng với các hộ chăn nuôi tiến hành che chắn chuồng trại. Do đó, năm nay hộ chăn nuôi nào cũng đảm bảo có bạt để che chắn chuồng trại, phòng, chống rét cho đàn gia súc. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận Phan Thông Quyết, cho biết: “Toàn xã có tổng đàn gia súc trên 1.800 con, do đó cấp ủy, chính quyền xã rất quan tâm đến công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc. Để nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của bà con nhân dân trong việc trích tiền Quỹ dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi đã xuống từng thôn, xóm tổ chức họp thôn, tuyên truyền cho bà con hiểu được tầm quan trọng của việc phòng, chống rét cho đàn gia súc. Đồng thời, phân công cụ thể cho từng cán bộ phụ trách mỗi thôn cùng bà con tiến hành quây bạt che chắn chuồng trại và hướng dẫn bà con dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi”. Với cách làm này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong xã. 

Thanh Vân là xã có nhiều hộ chăn nuôi bò hàng hóa, với quy mô từ 10 con trở lên. Trong những ngày giá rét, nhiệt độ ngoài trời giảm xuống còn 2-3 độ C, hộ anh Mai Xuân Minh, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân đã chủ động tìm  chăn bông cũ về để đắp cho đàn bò của gia đình. Đồng thời, chú trọng chăm sóc đàn bò trong những ngày lạnh giá như: Cho bò uống nước muối ấm, ăn thêm tinh bột, thức ăn xanh để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho đàn bò. Với bà con vùng cao, đàn gia súc là toàn bộ tài sản của gia đình.

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của huyện về phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, các nông hộ đã đổi mới tư duy, chú trọng đến công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Hy vọng rằng, với cách làm thiết thực, hiệu quả của chính quyền địa phương cùng sự tích cực của các hộ chăn nuôi sẽ giúp đàn gia súc tăng trưởng và phát triển ổn định trong mùa Đông, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của huyện Quản Bạ.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gia đình 3 thế hệ hiếu học ở thị trấn Cốc Pài

BHG - Tấm gương sáng đó là đại gia đình ông Nguyễn Tiến Chư, tổ 1, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần). Với tinh thần "Học, học nữa, học mãi", dù nay tuổi đã cao nhưng ông vẫn sáng suốt, minh mẫn, động viên các con, cháu không ngừng học tập để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

21/01/2021
Khát vọng của Phàn Mí Nô

BHG - Tốt nghiệp ngành Luật loại Khá, Trường Đại học Thái Nguyên, Phàn Mí Nô, sinh năm 1997, thôn Há Chế (Sủng Trà – Mèo Vạc) không lựa chọn đam mê trở thành luật sư, thẩm phán hay công chứng viên như bao bạn bè khác mà quyết định trở về địa phương để phục vụ, cống hiến. Chưa đầy một năm giữ cương vị Phó Bí thư Đoàn xã Sủng Trà, Nô đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo; được cấp ủy, chính quyền xã và Huyện đoàn Mèo Vạc ghi nhận, đánh giá cao.

21/01/2021
Yên Minh hoàn thành hỗ trợ 49 căn nhà cho các gia đình khó khăn trước Tết Nguyên đán

BHG - Thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy, huyện Yên Minh được giao và thực hiện hoàn thành xây dựng nhà ở cho 296 hộ trong giai đoạn I. Ngoài ra, huyện Yên Minh còn huy động nguồn lực từ các sở, ngành, cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp HTX trong và ngoài huyện xây dựng được 83 căn nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo. Đây là kết quả nỗ lực của các cấp...

20/01/2021
Phiên chợ cuối năm

BHG - Khi những cánh hoa đào nở rộ, khoe sắc khắp bản làng, ánh mắt những đứa trẻ lại ngập tràn mong đợi về những bộ quần áo mới; trong lòng các chàng trai, cô gái lại xốn xang nghĩ về phiên chợ ngày cuối năm… Chợ phiên cuối năm không chỉ là nơi để mua sắm các đồ dùng thiết yếu mà còn là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu. Nét văn hóa đặc biệt của những phiên chợ ngày Tết vùng cao đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cũng là một nét đẹp trong văn hóa các dân tộc nơi đây.

20/01/2021