Những người làm đẹp cho đời
BHG - Nghề lao công vẫn được biết đến là nghề cực nhọc, đằng sau lớp áo bảo hộ đọng lại biết bao nỗi niềm không phải ai cũng thấu hiểu.
Nhân viên Trung tâm DVCC&MT thu gom rác khu vực thị trấn Yên Bình. |
Bốn giờ sáng, khi cả thị trấn Yên Bình (Quang Bình) đang chìm trong giấc ngủ, dưới ánh đèn vàng, những người lao công âm thầm quét dọn; tiếng chổi tre kéo dài từng nhịp tạo nên âm thanh đều giữa màn đêm. Mùa Đông, trời se lạnh, nhưng những người lao công trên lưng áo vẫn ướt đẫm mồ hôi. Để làm được cái nghề “Mưa rát mặt, nắng rát đầu” này, người lao công phải có sức khỏe tốt, kiên trì và nhẫn lại. Công việc vất vả, hàng ngày phải tiếp xúc với đủ thứ rác thải nên tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh: Viêm mũi, đau mắt, đau khớp… Nhưng vì lòng yêu nghề, họ vẫn vững vàng vượt qua, tìm lại đam mê với niềm vui của công việc.
Chị Hoàng Thị Chinh, công nhân Trung tâm DVCC&MT huyện cho biết: Trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người xem thường công việc này lắm; có lần tôi đang quét rác ở trường tiểu học, có đứa trẻ đi qua nhìn thấy tôi đang làm việc, bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi! sao bác này cứ nghịch rác vậy?”; người mẹ xinh đẹp, ăn mặc lịch sự lại buông ra lời nói cay đắng, chua xót: “Con mà học dốt sau này cũng đi quét rác như người ta đấy. Nhiều khi, tôi vừa quét dọn xong đoạn đường thì có mấy cô, cậu thanh niên đi qua ném toẹt đồ ăn thừa xuống lòng đường. Tôi nhắc nhở nhẹ nhàng thì bọn trẻ quát: “Tôi tạo việc làm cho bà còn gì”, nhiều người đứng gần chúng tôi cứ bịt mũi, hay đứng cách thật xa, tôi chạnh lòng lắm. Không hẳn ai cũng vậy, nhiều lần tôi đi thu gom rác gặp nhiều cô tuổi đời đã ngoài 70 cho tôi những vỏ lon nước ngọt, chai nhựa, hay đồ dùng cũ ít sử dụng đến, nói với tôi những điều chân thành nhất: “Cháu cầm ít đồ này về xem có cái nào sử dụng được không nhé! Còn đâu cháu bán lấy thêm ít tiền để trang trải sinh hoạt hàng ngày, cố lên”. Những lời động viên rất chân thành từ trái tim làm tôi cảm phục, thêm cho tôi động lực để tiếp tục cuộc hành trình nhiều chông gai này.
Chị Nguyễn Thị Việt, công nhân Trung tâm DVCC&MT huyện Quang Bình chia sẻ: Một ngày tôi làm 2 ca, ca đầu từ 4 - 8 giờ, ca thứ hai từ 14 - 18 giờ. Tùy từng thời điểm trong năm, mà nhiều lúc phải làm tăng ca thì được thêm 30% lương theo chế độ Nhà nước. Những ngày cuối Thu, lá cây ở khu vực thị trấn rụng nhiều, ngày lễ, tết khối lượng công việc lại càng nhiều hơn. Tôi vào nghề từ thời tuổi còn mười chín, đôi mươi, đến nay đã gắn bó với công việc này gần 15 năm rồi, làm nghề lao công là chấp nhận phải tiếp xúc với rác thải hôi hám, độc hại; nhưng mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề mà. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, sạch sẽ thì lấy ai làm những công việc cơ cực. Nhiều lúc đi làm có khi nhặt được: Tiền, điện thoại, đồ trang sức… tôi đều mang lên trụ sở Công an thị trấn để nhờ tìm lại chủ sở hữu. Tôi đã hình thành thói quen ăn cơm một mình từ lâu rồi. Nhiều buổi sáng mong muốn được đưa con đến trường như những phụ huynh khác, mà tôi không có được thời gian dành cho con, cho chồng; nhiều lúc thấy mình có lỗi với mọi người. Nhưng tính chất công việc của ngành là vậy, phải gạt bỏ niềm vui cá nhân để hoàn thành tốt công việc, nếu chỉ một chút lơ đãng, bất cẩn, cẩu thả là sẽ để lại hình ảnh xấu trong mắt mọi người xung quanh. Trung tâm cũng quan tâm đến đời sống của nhân viên, ngoài các chế độ chính sách về tiền lương, phụ cấp ăn giữa ca, tiền độc hại, cấp bảo hộ lao động… đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, Công đoàn còn tổ chức và tặng quà sinh nhật mọi người trong đơn vị. Hàng năm, Trung tâm tổ chức cho nhân viên đi tham quan, thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn. Nhờ vậy, càng tiếp động lực cho tôi và đồng nghiệp cống hiến hết mình vì công việc, vì cuộc sống cộng đồng.
Những người lao công vẫn chăm chỉ làm việc theo guồng quay của cuộc sống; làm đẹp cho đời, làm đẹp cho thị trấn. Mong rằng xã hội sẽ đồng cảm, sẻ chia, trân trọng hơn với nghề để những âm thanh chổi tre không bao giờ tắt, để mỗi sớm mai, những con đường, ngõ phố vẫn sáng đẹp đón bước chân mọi người.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH
Ý kiến bạn đọc