Mèo Vạc phát triển nguồn nhân lực gắn giải quyết việc làm
BHG - Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với phát triển KT – XH, huyện Mèo Vạc đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm (GQVL) cho người lao động.
Nghề dệt lanh truyền thống giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập. |
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Huyện phát triển nguồn nhân lực gắn GQVL trên cơ sở sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đúng vị trí việc làm, phù hợp với năng lực, chuyên ngành đào tạo; thường xuyên rà soát, cử đi đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã, cán bộ bán chuyên trách tại các thôn bản, đảm bảo đạt chuẩn về trình độ, có hiểu biết về chính trị, đảm bảo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Phối hợp tổ chức đào tạo nghề, dạy nghề cho người lao động; cung cấp thông tin thị trường, tư vấn GQVL cho lao động sau đào tạo; khảo sát nhu cầu lao động để tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm miễn phí cho lao động nông thôn tại các xã, thị trấn. Chủ động nắm bắt nhu cầu, huy động nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động.
Được biết, sau khi thực hiện việc sắp xếp, bố trí đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn theo Nghị quyết số 60/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, hiện tổng số Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tốt nghiệp THCS trở lên có 164/199 người; 100% cán bộ, công chức đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Từ năm 2016 đến nay, huyện Mèo Vạc đào tạo nghề cho gần 5.000 lao động, GQVL mới cho trên 8.400 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong toàn huyện lên 45%, trong đó tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 38%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%. Cùng với đó, địa phương mở rộng mô hình hướng nghiệp dạy nghề trong nhà trường đối với cấp THCS và THPT; định hướng, tư vấn để các cơ sở, làng nghề thủ công đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho người dân. Các xã, thị trấn phối hợp với doanh nghiệp khảo sát về nhu cầu lao động, tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Hiện nay, huyện đang mở các lớp phổ cập giáo dục THCS cho đội ngũ Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ công chức, viên chức cấp huyện, xã. Đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn GQVL tại chỗ và xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ngoài tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, địa phương đang đổi mới dạy nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế; gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển KT – XH, quy hoạch xây dựng NTM, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.
Để công tác phát triển nguồn nhân lực gắn giải quyết việc làm thực sự thiết thực, Mèo Vạc chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; đổi mới công tác đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ công chức, viên chức; đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, thị trấn, nhằm đổi mới về chất của nguồn nhân lực; tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người lao động. Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị lựa chọn nghề đào tạo theo xu thế phát triển của thị trường, như: Hướng dẫn viên du lịch, thêu dệt thổ cẩm, làm khèn Mông; đào tạo nghề ở những xã trọng điểm để chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề đáp ứng việc xây dựng NTM...
Bài, ảnh: KIM TIẾN