Giữ vững mục tiêu giảm nghèo bền vững
BHG - Tỉnh ta hiện vẫn đang là tỉnh nghèo của cả nước, song với việc áp dụng các chính sách giảm nghèo những năm qua đã đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần một cách tích cực; qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo theo nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Từ năm 2011 đến nay, trên cơ sở Nghị quyết 80/NQ-CP, ngày 19.5.2011 của Chính Phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 – 2020; BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết mang tính chiến lược, gồm: Nghị quyết 06 (khóa XV) và Nghị quyết 10 (khóa XVI) về thực hiện chương trình giảm nghèo. Theo đó, nhiều nghị quyết, quyết định về công tác giảm nghèo được ban hành; nhờ vậy, đời sống của các hộ nghèo ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Giai đoạn 2011 – 2019, toàn tỉnh giảm gần 60 nghìn hộ nghèo, ước thực hiện hết năm 2020, lũy kế giảm trên 65,5 nghìn hộ; trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 4,2% (đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI).
Gia đình cựu chiến binh nghèo Giàng Chẩn Lùng, thôn Đoàn Kết (xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang) được hỗ trợ xây nhà. |
Nổi bật trong công tác giảm nghèo là: Tỉnh ban hành các chính sách giảm nghèo theo Chương trình 30a và 135 của Chính phủ; nguồn vốn của các chương trình, nhiều cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi và các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân… Trong quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo của tỉnh, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo và đem lại hiệu quả. Đơn cử như huyện Mèo Vạc với chương trình đảng viên, đơn vị giúp hộ nghèo và giải quyết việc làm cho lao động theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới” giữa UBND huyện ký kết với huyện Phú Ninh và Nà Pô (Trung Quốc); huyện Xín Mần với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; huyện Yên Minh với chính sách phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng đầu tư có thu hồi để tái đầu tư, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa…
Chăn nuôi trâu giúp người dân xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) từng bước thoát nghèo. |
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa trong giảm nghèo mà nội lực được khai thác, sức dân được huy động tối đa cho thực hiện các công trình phục vụ dân sinh; các công trình cơ sở hạ tầng hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Từ 2016 đến nay, các nhà hảo tâm đã dành trên 490 tỷ đồng hỗ trợ các xã nghèo phục vụ xây điểm trường, xóa nhà tạm, hỗ trợ phát triển sản xuất…
Mặc dù chương trình giảm nghèo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ các cấp, ngành và xã hội; tuy nhiên, do nguồn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh còn hạn hẹp, nên việc phân bổ và giao vốn thực hiện các chương trình giảm nghèo chưa đảm bảo theo nhu cầu, nhất là nhu cầu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo mới dừng ở quy mô thí điểm nhưng khó khăn khi nhân rộng; các mô hình còn manh mún, thiếu tính liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Thêm nữa, tuy hộ nghèo có chiều hướng giảm, nhưng hộ nghèo mới phát sinh còn cao, phần lớn tập trung ở vùng cao núi đá và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giai đoạn 2016 – 2019, toàn tỉnh có 39.052 hộ thoát nghèo nhưng có đến 12.167 hộ nghèo phát sinh). Mặt khác, trình độ dân trí và ý thức vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người dân còn hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ