Những chiến sĩ áo trắng trên chiến tuyến chống "giặc" Covid – 19
BHG - Nơi bệnh viện, phòng khám đa khoa hay trạm y tế, đội ngũ y, bác sĩ là người trực tiếp chăm sóc sức khỏe, giành lại sự sống cho người bệnh. Khi đương đầu với đại dịch toàn cầu mang tên Covid – 19 thì tại các chốt kiểm dịch y tế (KDYT), khu cách ly; đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc chính là người đánh cược sự an toàn của bản thân, thậm chí cả sinh mệnh của mình để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Sự cao quý ấy chỉ có thể là lòng dũng cảm, đức hy sinh vì mục tiêu nhân văn cao cả: Mỗi người dân khỏe mạnh là tài sản vô giá của một quốc gia.
Bác sĩ Lê Thị Mai Hương (Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang) hướng dẫn người dân kê khai thông tin y tế |
Một sớm tháng 3, trời đổ cơn mưa tầm tã khiến miền biên viễn thêm tê tái. Có người đôi mắt đã cuồng thâm vì thức trọn đêm dài… Thế nhưng, mệnh lệnh trái tim: “Chống dịch Covid – 19 như chống giặc” thì bất luận ngày, đêm, dù gió mưa, thậm chí cả dông lốc, kèm mưa đá, các chốt KDYT liên ngành vẫn luôn trong trạng thái hoạt động 24/24 giờ trong ngày và túc trực trọn vẹn 7 ngày trong tuần, không ngơi nghỉ. Bắt đầu từ sáng 9.3 đến nay, các chốt KDYT liên ngành tại 5 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần, Bắc Mê, Mèo Vạc – nơi tiếp giáp với các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng đã đi vào hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng: Kiểm tra, kiểm soát người từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh; hướng dẫn người dân, du khách khai báo y tế; thực hiện khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển theo quy định. Trên cơ sở đó, sàng lọc, nắm thông tin người đến hoặc đi qua vùng dịch để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; kịp thời xử trí, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Còn tại các bệnh viện hay phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh đều phân luồng theo nguyên tắc 1 chiều, ngay tại cổng vào để KDYT đối với tất cả người dân khi đến bệnh viện.
Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) Lương Thị Hiền kiểm tra huyết áp cho người dân tại Khu cách ly |
Có thể khẳng định, một trong những thành phần đặc biệt quan trọng không thể thiếu cấu thành chốt KDYT chính là đội ngũ cán bộ làm công tác y tế. Nếu ví công tác phòng, chống dịch cấp bách như chống giặc thì họ chính là những chiến sĩ can trường nơi tuyến đầu trận chiến, để góp sức bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân trước đại dịch toàn cầu Covid – 19. Để thực hiện sứ mệnh của mình, họ đã đánh cược sự an toàn của bản thân, thậm chí cả sinh mệnh của mình khi tiếp xúc y tế với hàng trăm người xa lạ trong một ngày. Theo thời gian, con số tiếp xúc không ngừng tăng. Trong khi đó, không ai có thể khẳng định tức thì những trường hợp ấy có mắc bệnh Covid – 19 hay đang mang trong mình mầm bệnh có thể lây lan ra cộng đồng...
Tham gia trực chốt KDYT đồng nghĩa đương đầu với nguy cơ dịch bệnh, công việc chuyên môn có sự thay đổi, thậm chí xáo trộn. Không những vậy, thời gian cho gia đình hay bản thân cũng đành gác lại. Bác sĩ Đặng Hà Cường – Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực xã Liên Hiệp (Bắc Quang), cho biết: Toàn đơn vị có tổng số 8 cán bộ y tế thì có đến 6 người luân phiên nhau 2 ngày/ca tham gia Chốt KDYT xã Liên Hiệp – nơi tiếp giáp với huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Trong đó, 5 cán bộ là nữ. Ngoài công việc trực cả ngày lẫn đêm tại Chốt KDYT, họ còn thiên chức làm mẹ, chăm lo gia đình nên khá vất vả. Chị Nguyễn Thị Dự - Điều dưỡng kiêm xét nghiệm chia sẻ: Chồng mình công tác xa nhà, con nhỏ mới tròn 2 tuổi, còn bện hơi mẹ lắm! Dẫu biết vậy nhưng khi Tổ quốc và nhân dân cần, mình gửi con cho người thân chăm sóc, tình nguyện tham gia trực Chốt KDYT…
“Hôm nay mẹ vẫn chưa về nhà được. Con nhớ ăn uống đầy đủ và tự giác ôn bài nhé!”. Đây là lời dặn dò cậu con trai 8 tuổi qua sóng điện thoại của bác sĩ Lương Thị Hiền – Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) khi hơn 1 tuần nay chị chưa về nhà sum vầy cùng chồng con. Bởi, nơi chị công tác giờ chuyển thành Khu cách ly tạm thời của tỉnh để đón, chăm sóc hàng trăm lao động trong và ngoài tỉnh trở về từ phía nước bạn Trung Quốc, buộc phải cách ly y tế 14 ngày theo quy định. Cũng tại Khu cách ly này, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Thủy – Vũ Thị Sợi được nhiều người mến mộ, tin tưởng khi chị “dân vận khéo”, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để mọi người an tâm, không hoang mang trước tình hình dịch bệnh. Thế nhưng, đằng sau sự mạnh mẽ ấy, ít ai biết rằng, đã bao ngày nay chị chưa thể về quê thăm chồng, con. Ở nơi ấy, tổ ấm hạnh phúc gia đình cần bàn tay chăm sóc của chị hơn bao giờ hết. Cặp sinh đôi 1 trai, 1 gái của chị tuổi mới vừa lên 4. Còn chồng chị không may mắc bệnh, buộc phải tháo bỏ 1 bên chân…
Anh Vi Văn Hùng (huyện Như Xuân – Thanh Hóa) xúc động nói: Lao động bất hợp pháp trở về từ bên kia biên giới, chúng tôi chỉ có duy nhất bộ quần áo trên người. Nhưng về đến Khu cách ly Thanh Thủy, chúng tôi được cán bộ y tế trang bị đầy đủ quân tư trang cá nhân… Có người trong số chúng tôi còn ho, sốt, có biểu hiện giống với bệnh Covid – 19. Vậy nhưng các y, bác sĩ không ngần ngại chăm sóc sức khỏe cho chúng tôi, từ đo thân nhiệt, kiểm tra huyết áp hằng ngày đến hỏi thăm cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Đúng là phải có “tinh thần thép” thì họ mới can đảm ở bên cạnh chúng tôi như vậy!.
Rời các chốt KDYT hay khu cách ly, chúng tôi hiểu rằng: Ở nơi ấy, biết bao cán bộ y tế khát khao một giấc ngủ trọn vẹn, ấm áp bên gia đình; ước mong một mâm cơm sum vầy cùng người thân thay vì cuộc sống sinh hoạt nơi lán trại thời trực chiến chống dịch Covid – 19… Nhưng gác lại tất cả, những ước mong vốn bình dị ấy là sứ mệnh thiêng liêng, như chính trải lòng của bác sĩ Lê Thị Mai Hương (Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang): Khi đã khoác áo bờ - lu trắng, đã khắc cốt, ghi tâm 12 điều y đức của ngành thì dù có đối diện với nghịch cảnh cũng phải ưu tiên hàng đầu cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc