Ký ức "Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm"
BHG - Chiến thắng Điện Biên Phủ hiện hữu trong tôi qua những trang sách, thước phim tài liệu lịch sử, những tác phẩm văn học và qua ký ức của những chiến sỹ Điện Biên mà tôi may mắn được gặp trong những chuyến tác nghiệp của mình. Tất cả tái hiện sinh động một sự kiện lịch sử vĩ đại, một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ông Ấu Đức Túc với những kỷ vật theo ông trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Năm 1953, cuộc chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương bước sang năm thứ 8 và phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự viện trợ của Mỹ. Người Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình nhưng vẫn muốn duy trì quyền lợi của mình ở Đông Dương; vì vậy họ mong muốn tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh. Để thực hiện kế hoạch này, quân Pháp không ngừng tăng binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại, xây nhiều công sự, đồn lũy, xây dựng Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, một “Pháo đài bất khả xâm phạm”. Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của quân đội Việt Nam.
Tháng 12.1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với quyết tâm cao nhất, phương châm tác chiến được chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 3 đợt tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ với nhiều mất mát, hy sinh; nhưng bằng tài năng chỉ huy quân sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự quyết tâm, đồng lòng của toàn quân và dân; sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, đến ngày 7.5.1954, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc Hà Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ra sức phát triển kinh tế, tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện đường lối kháng chiến, toàn dân, toàn diện, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Trong những năm tháng kháng chiến, có trên 1.300 người con ưu tú của Hà Giang lên đường đánh giặc, nhiều chiến sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; hàng nghìn người tham gia du kích, dân công hỏa tuyến…
Những ngày này, tâm trạng ông Ấu Đức Túc, tổ 1, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) dâng lên niềm tự hào khó tả; ký ức về những tháng ngày thanh xuân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cứ ùa về trong tiềm thức. Năm nay ngoài 90 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Nhấp ngụm trà nóng, ông nhớ lại: “Ngày đó, tôi hơn 20 tuổi, nhập ngũ và biên chế vào Trung đoàn 516, Đại đoàn 312; tham gia tất cả các trận đánh lớn trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Tháng 12.1953, đơn vị tôi là đơn vị hỏa tuyến, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi nhớ vào ngày 25.1.1954, khi tất cả các chiến sỹ trên toàn mặt trận đã sẵn sàng nổ súng, thì nhận được lệnh hoãn tiến công, kéo pháo ra. Chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; toàn quân lúc đó chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Sau này, chúng tôi biết việc thay đổi phương châm tác chiến thể hiện sự tài giỏi trong tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 7.5, khoảnh khắc hàng trăm quân Pháp chui lên từ hầm Đờ-cát, giương cờ trắng đầu hàng là khoảnh khắc không bao giờ quên trong tâm trí chúng tôi. Trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi vinh dự có dịp được trở lại chiến trường xưa. Điện Biên nay đã khác, giàu đẹp và phát triển”.
Lật giở từng bức ảnh, từng kỷ vật chiến tranh, thỉnh thoảng tôi bắt gặp ông đưa tay lau dòng nước mắt. “Nhiều đồng đội tôi đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường”, ông nghẹn ngào. Câu chuyện ký ức về Điện Biên Phủ của tôi và ông cứ tiếp nối trong một chiều tháng 5 lịch sử, rồi kết thúc bằng những câu thơ trong bài “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu mà tôi và ông đều nhớ trong lòng:
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm,
mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng, chí không mòn!”
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc