Hát ở Điện Biên
BHG - Khi nhập ngũ vào Đoàn Văn Công của Tổng cục Chính trị (Quân đội Nhân dân Việt Nam), cô Trần Thị Ngà mới là cô bé 15 tuổi. Cuối năm 1953, cô cùng đội văn nghệ 20 người, 14 nam, 6 nữ theo Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) lên Điện Biên. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, người mũm mĩm như nắm cơm, hành quân lên Điện Biên, vui như đi trẩy hội. Nói là vui, vì lạ, vì đang sức trẻ, chứ hành quân đi bộ mỗi đêm hơn 20 km, nhiều lúc chân buốt như kim châm, lại có lúc ngã xoành xoạch, đau quá còn khóc nhè.
Nghệ sỹ Trần Thị Ngà |
Rất mừng là mọi người trong Đoàn sống rất tình cảm. Từ đoàn trưởng, nhạc sĩ Tử Phác, Chính trị viên Hồ Quang Nhị, Đoàn phó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đến anh chị em diễn viên đều yêu mến nhau như người một nhà. Đêm đến, sau chặng dài hành quân, mọi người tự tìm lá trải ổ hoặc căng bạt làm chỗ ngủ. Thường thì lúc ngủ, mấy chị em nằm giữa, có con trai nằm ngoài nên không sợ ma.
Đêm đi, ban ngày đoàn dựng tiết mục và biểu diễn cho bộ đội xem. Quần áo, ai có gì mặc nấy. Hóa trang thì thật đơn giản, lấy giấy màu tô môi, nhọ nồi trang điểm mắt. Được cái anh chị em diễn viên còn trẻ, nhất là đội nữ, các cô ai trông cũng xinh xắn nên không trang điểm mà vẫn đẹp. Khi biểu diễn, văn công vừa múa, hát, vừa kể chuyện. Những bài văn công hay hát nhất là “Em bé chăn trâu”, “Em bé Mường La”, ca kịch Nguyễn Thị Chiên. Sau này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác bài “Chiến thắng Him Lam” và “Hành quân xa”, đoàn học hát ngay trên chiến trường, biểu diễn phục vụ bộ đội luôn. Cũng có bài như “Nông dân là quân chủ lực”, các chiến sĩ tự sáng tác, tự hát. Sau đó văn công học hát, hát lại cho bộ đội nghe, anh em vô cùng phấn khởi. Ngược lại, văn công ra mặt trận được bộ đội yêu quý nên cũng cảm động lắm. Cô bé Ngà vốn rất háu ăn, được các anh chia cho chiến lợi phẩm từ những chiếc dù lạc chủ của Pháp, nhiều đồ ăn lần đầu được thưởng thức, đến giờ vẫn có cảm giác ngon. Được tặng những miếng vải dù, có khi cô dùng trải nằm, có khi làm khăn quàng cổ hoặc khoác làm ngụy trang.
Không được vào sâu trong chiến hào, Đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị chỉ dừng ở trung tuyến, biểu diễn phục vụ dân công làm đường, tải gạo hoặc thương binh. Ngày ấy, nhìn các anh bộ đội còn rất trẻ bị thương phải mổ không có thuốc tê mà thương đến quặn ruột, cũng chỉ biết động viên các anh bằng lời ca, tiếng hát để các anh vợi đi phần nào sự đau đớn.
Điện Biên trong cô bé Ngà còn là những kỉ niệm chiến trường. Một lần, đang dự buổi mít tinh phát động thi đua của một đơn vị công binh thì hai máy bay hen-cát của địch xẹt qua. Bộ đội phân tán, còn văn công cứ đứng nguyên. Đồng chí đại đội trưởng công binh hô: “Văn công, nghiêm tại chỗ”. May mà máy bay địch không vòng lại. Sau đó, đồng chí Đại đội trưởng lại hô: “Văn công, nghỉ tự do”, mọi người trong đoàn mới được giải tán. Lại có lần đoàn đang biểu diễn phục vụ dân công thì gặp đoàn dân công từ phía sau lên, trong đó có vợ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Hai vợ chồng mới cưới nhau được 4 tháng thì nhạc sĩ Đỗ Nhuận phụ trách Đoàn văn công của Tổng cục Chính trị đi chiến dịch trước nên đôi vợ chồng trẻ chẳng được gần nhau mấy nỗi. Gặp lại nhau ở mặt trận, không chỉ hai người mừng rỡ mà cả đoàn đều phấn khởi. Tất cả tưng bừng nắm tay nhau nhảy điệu “rề son sí la”. Nhưng niềm vui hội ngộ diễn ra chóng vánh chỉ chưa đầy 15 phút rồi lại mỗi đoàn một hướng. Cô bé Ngà lúc ấy dù còn rất trẻ, đã ngậm ngùi thương họ không có được giây phút riêng tư.
Chiến dịch đi vào giai đoạn quyết liệt, Đoàn của cô Ngà chỉ có 3 người được vào sâu tuyến trong. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận kéo vi-ô-lông, một người thổi sáo, một người chơi accordeong. Còn đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị vẫn ở vòng ngoài.
Cô Ngà vui nhất có lẽ là lần được biểu diễn phục vụ Bộ chỉ huy mặt trận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem xong tiết mục còn lên tận sân khấu hỏi han, động viên. Cũng lần ấy, cô được gặp anh rể của mình là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 351, Đào Văn Trường. Hai anh em hội ngộ giữa chiến trường, mừng vui khôn tả. Không chỉ có cô và anh rể, gia đình cô lúc ấy còn một người nữa cũng tham gia chiến dịch là chú ruột của cô. Một lần, sau đêm diễn, một chiến sĩ gặp cô đưa cho một gói quà. Mở ra, là một túi nhỏ khoảng 2 lạng đường. Chú cô lúc ấy là thanh tra của Tổng cục Cung cấp đi kiểm tra việc ăn uống của bộ đội. Xem chương trình biểu diễn của văn công, nhận ra cháu gái mình, chú đã gửi quà tặng.
Ấn tượng sau cùng của cô bé Trần Thị Ngà về những ngày ở Điện Biên có lẽ là sáng ngày 8/5. Khi ấy, đoàn văn công của cô đang tham gia làm đường. Sáng ra, vừa nhận nắm xôi mà đồng chí anh nuôi chia cho thì nghe có tiếng hô: Các đồng chí tránh đường cho xe Đờ-cát đi. Mọi người chạy túa ra xem, thấy bộ đội mình ngồi hai bên, Đờ Cát ngồi thu lu ở giữa, trông thật tội. Cô và mọi người hiểu, quân ta đã thắng lợi giòn giã.
65 năm qua đi, bà Trần Thị Ngà giờ đã ngoài 80 tuổi. Kể lại chuyện xưa trong niềm tự hào, gương mặt bà vẫn ánh lên nét xuân sắc thuở mười tám, đôi mươi. Bà tâm sự, đội văn công của bà thuở ấy giờ vẫn gắn bó với nhau. Ngày 7/5 hàng năm, họ vẫn gặp mặt, kể chuyện và hát cho nhau nghe như thời đi chiến dịch.
Hồng Linh (Trung tâm PT-TH Quân đội)
Ý kiến bạn đọc