Tuyên truyền hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên Báo Hà Giang
BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết; người làm báo phải là những chiến sỹ trên mặt trận báo chí.
Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang Sùng Mí Chứ (người đứng) cùng các biên tập viên Phòng Thư ký - Xuất bản chuẩn bị số báo chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6. |
Cách đây 3 năm, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong một bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xã hội càng phát triển, báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hằng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc… đó vừa là niềm vinh dự lớn, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo. Bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tổng Bí thư cũng khẳng định, báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội.
Đúng như chia sẻ, nhận định, gửi gắm tâm tư, giao trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Báo chí Cách mạng nước ta ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế, chuyển tải một cách mạnh mẽ, nhanh chóng, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Đồng thời, khẳng định rõ vai trò “cầu nối” quan trọng, chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, người lao động đến các cấp ủy, chính quyền.
Qua theo dõi cho thấy, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành, được báo chí phản ánh sinh động dưới nhiều tác phẩm, loại hình báo chí và đã vào cuộc sống nhanh hơn. Cũng qua sự phản ánh của báo chí, các cấp, ngành đã có sự ghi nhận, điều chỉnh để những chính sách ban hành thực sự phát huy hiệu quả.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, quyết định đến sự phát triển của đất nước. Những chủ trương đó đều được báo chí tuyên truyền kịp thời tới mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận lớn đối với quyết tâm của Đảng. Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng thông qua các hội nghị cán bộ chủ chốt, các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi… sự tham gia của báo chí với cách phản ánh riêng đã làm mềm hóa nội dung nghị quyết và hiệu quả đạt được rất tích cực.
Thực tiễn tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên Báo Hà Giang thời gian qua cho thấy, những nội dung được mềm hóa và xác định rõ, toàn diện ở tất cả các khâu như: Tuyên truyền về nghị quyết, triển khai nghị quyết; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết; việc xây dựng và triển khai các đề án, dự án, các cuộc vận động, phong trào hành động, hoạt động của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, nội chính, đối ngoại. Ngoài các chuyên trang tuyên truyền mang tính chuyên sâu đang được thực hiện như: Đảng trong cuộc sống hôm nay, cùng suy ngẫm, ý kiến cử tri, chính sách cuộc sống, xây dựng Nông thôn mới… các nội dung liên quan đến quá trình thực hiện nghị quyết còn được thể hiện ở tất cả các bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống.
Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, Báo Hà Giang xác định trước hết phải bám chắc vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; các nghị quyết Hội nghị BCH của các cấp ủy Đảng và cụ thể hóa ở các nội dung như: Chú trọng tuyên truyền, thông tin hoạt động lãnh, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự quyết tâm, nỗ lực triển khai của các cấp, ngành. Phản ánh khí thế thi đua sôi nổi, lao động hăng say, quyết liệt trong các tổ chức, doanh nghiệp và người lao động. Bám sát các chỉ tiêu phấn đấu trong nghị quyết để thông tin về tình hình, kết quả thực hiện, hiệu quả; những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm; các điển hình, ý kiến của nhân dân; giải pháp, đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và những đề xuất của tác giả. Đồng thời, tích cực phản ánh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, năng động, sáng tạo trong lao động, học tập, công tác... Kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết, đưa ra đề xuất, kiến nghị để cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo, điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Đấu tranh, phê phán các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phản bác các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phát triển của địa phương.
Việc tuyên truyền, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống hiệu quả hơn, nhanh hơn thì văn phong báo chí phải dễ hiểu, gần gũi, hình thức phản ánh sinh động, nêu đúng, trúng các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết của Đảng; đảm bảo tính chính trị đúng đắn, có tính chiến đấu cao, có lợi cho sự phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Thực hiện mục tiêu này, Báo Hà Giang đã tích cực triển khai, quán triệt, học tập, nghiên cứu nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong toàn cơ quan; nắm chắc, bám sát nội dung chương trình hành động thực hiện nghị quyết để cụ thể hóa vào từng tác phẩm báo chí. Các phòng nghiệp vụ đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo từng tháng và các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề; phân công phóng viên theo dõi từng lĩnh vực, ngành, địa bàn cụ thể; định kỳ tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, xuất bản báo chí nhằm đánh giá kết quả đạt được, đề ra nhiệm vụ, giải pháp kịp thời để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí tuyên truyền về chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Những hoạt động nghiệp vụ trên được tiến hành thường xuyên, liên tục đã trang bị kiến thức tổng hợp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn. Từ đó, giúp mỗi người làm báo thật sự thấm nhuần nghị quyết, nắm vững vấn đề cốt lõi, quan trọng của nghị quyết và soi vào thực tiễn triển khai tại cơ sở, đồng thời xác định rõ chủ đề, thể loại phản ánh, tuyên truyền nghị quyết.
Thời gian gần đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết liệt thực hiện nghị quyết của Đảng, đặc biệt công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng; các cấp ủy Đảng ở Hà Giang đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Báo Hà Giang đã vào cuộc tích cực, tuyên truyền kịp thời với nhiều bài viết ở nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Đơn cử như, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã xây dựng, ban hành Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; khắc phục những hạn chế trong công tác đánh giá và quản lý cán bộ, đảng viên.
Bộ công cụ được nghiên cứu, xây dựng thể hiện rõ 27 nội dung theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII và chia thành ba phần với 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, 9 biểu hiện nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mỗi biểu hiện lại được cụ thể hóa với 5 thang điểm từ 0 đến 4, trong đó cán bộ, đảng viên không biểu hiện sẽ đánh dấu vào ô 0 điểm, có biểu hiện tùy mức độ chấm từ 1 - 4 điểm. Căn cứ nội dung Bộ công cụ, từng đảng viên soi chiếu các biểu hiện, tự phê bình và chấm điểm, sau đó tại hội nghị đánh giá, chi bộ, tổ chức Đảng nhận xét, bỏ phiếu, kết quả được thông báo đến đảng viên bằng văn bản.
Căn cứ vào kết quả chấm điểm trong Bộ công cụ, nếu có biểu hiện ở mức độ từ 1 đến 20% và 21 đến 40%, cá nhân rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch sửa chữa, cấp ủy, chi bộ quản lý giám sát; từ 41 đến 60% cần tổ chức kiểm điểm làm rõ; từ 61 đến 80% phải xem xét, xử lý theo quy định; mức 81 đến 100%, tiến hành quy trình xem xét, xử lý và cấp có thẩm quyền quản lý, theo dõi.
Như vậy, cùng với tuyên truyền Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, những nội dung được cụ thể hóa trong Bộ công cụ do BTV Tỉnh ủy xây dựng, ban hành đã được Báo Hà Giang tuyên truyền thông qua các bài viết, phản ánh cách làm ở cơ sở và đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hiệu quả lãnh chỉ đạo của tổ chức cơ sở Đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội.
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, sự vào cuộc tích cực trong chuyển tải thông tin của Báo Hà Giang đã góp phần cùng Đảng bộ tỉnh hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, từng bước xây dựng hình ảnh Hà Giang anh dũng, quật cường và đang nỗ lực đổi mới, vươn lên thoát nghèo.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc