Động lực để phụ nữ phát triển kinh tế chính từ gia đình
BHG - Ngày 8.3 là ngày phụ nữ được cả thế giới tôn vinh. Một bông hoa, một chiếc khăn tay..., những món quà nhỏ của người chồng đã trở thành niềm vui nho nhỏ của những người làm mẹ, làm vợ trong ngày đặc biệt này; và những năm gần đây hương vị đó đã lan tỏa lên vùng đất rẻo cao, một nơi cuộc sống của những người phụ nữ quanh năm với chiếc gùi trên vai; điều này, đã trở thành động lực giúp phụ nữ vùng cao vươn lên phát triển kinh tế.
Những góc vườn được sắp xếp gọn gàng và sạch sẽ của gia đình chị Mua Thị Ma. |
Theo chị Nhữ Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Quản Bạ cho biết: “Đa số phụ nữ vùng cao, chưa thực sự nhận được sự quan tâm từ phía gia đình, đặc biệt là trong những ngày lễ, ngày Tết...”. Trên mảnh đất còn nhiều khó khăn như Hà Giang, không phải phụ nữ nào cũng trở thành tâm điểm và có được quyền lợi của mình. Trong 365 ngày của họ, không có ngày nào mang tên “ngày phụ nữ”, quanh năm họ sống với việc địu con lên nương làm ngô, quanh quẩn trong căn nhà với đàn con nheo nhóc. Họ đã trở thành những cô Mị, đi lấy chồng có nghĩa là đã bán linh hồn và trở thành “Con trâu, con ngựa nhà người ta...”, chính những người phụ nữ này cũng chưa biết đến quyền lợi của mình. Khi ánh sáng của tri thức và xã hội đã dần tạo nên sự nhận thức mới từ phía gia đình và cũng là nguồn động lực giúp cho phụ nữ vùng cao vươn lên trong cuộc sống, phát triển KT-XH.
Đến thăm gia đình chị Mua Thị Ma, thôn Tùng Nùn, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ; trước mắt chúng tôi là căn nhà khang trang theo phong cách của người Mông với những đồ đạc được sắp xếp gọn gàng từ gian bếp, cho đến khu vườn đều sạch sẽ, ngăn nắp. Chị Ma tâm sự: “gia đình chị có được cuộc sống như hôm nay, là nhờ vào việc chị luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ công việc nhà từ chồng chị; ngoài giờ đi làm, anh cùng chị nấu cơm, làm nương để giúp chị có thời gian cho việc chăn nuôi và chăm sóc tốt cho con cái. Đặc biệt, trong những ngày mùng 8.3, 20.10, chị đều được chồng tặng quà, khi thì chiếc áo mới, hay đích thân chồng vào bếp nấu cơm, thịt gà đãi cả gia đình...”. Chính những điều này, đã giúp tình cảm vợ chồng hơn 15 năm của anh chị ngày một hạnh phúc, đầm ấm và hai con của chị đều chăm ngoan học giỏi.
Trái ngược với gia đình chị Ma, chị Lý Thị Tho vẫn sống trong ngôi nhà lụp xụp tối tăm; chồng chị thường xuyên đi làm xa, ít quan tâm đến gia đình. Khi được hỏi về ngày mùng 8.3 chị tâm sự: “Những ngày này mong không bị chồng đánh là may rồi, chứ chưa mong đến nhận quà...”. Tuy nhà chị và nhà chị Ma sát vách, nhưng hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Vì không nhận được sự chia sẻ từ người chồng, hàng ngày, chỉ riêng việc chăm sóc các con và lên nương trồng cấy..., chị không còn thời gian để chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa. Nhà nghèo lại đông con, do chồng muốn có con trai; hiện, gia đình chị đã có 5 bé gái nhưng đó vẫn chưa phải điểm dừng. Nhìn người phụ nữ mới hơn 30 tuổi, nhưng trên khuôn mặt đã hiện đầy những nếp nhăn, trông chị già hơn nhiều so với chị Ma, một người hơn chị đến chục tuổi.
Theo chị Đào Thì Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lùng Tám cho biết: “Những người phụ nữ được gia đình quan tâm và chia sẻ công việc sẽ tích cực tham gia phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội, như: Cuộc vận động gia đình 5 không, 3 sạch; phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang...”. Trong năm 2016, toàn xã có 110 hộ/823 hộ đạt gia đình 5 không, 3 sạch; 15 chị/835 hội viên được nhận Giấy khen của xã. Những người phụ nữ trong danh sách này là những người có được nụ cười, niềm vui trong những ngày đặc biệt dành riêng cho mình, nhưng cũng còn rất nhiều người mẹ, người vợ vẫn thầm lặng hi sinh.
Phụ nữ đã từng bước nâng cao vai trò, giá trị của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; nhưng đằng sau đó, phụ nữ cũng rất cần những quan tâm, chia sẻ từ những người chồng và gia đình...
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc