Thành phố Hà Giang tích cực kiểm soát VSATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố
BHG- Thành phố Hà Giang là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; là nơi tập trung các trường học, từ Mầm non đến THCS, THPT, Trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động của các chợ, từ chợ lớn Trung tâm đến các chợ xép trên địa bàn các phường; các cơ sở kinh doanh thực phẩm thức ăn đường phố (TAĐP) ngày càng lớn và phát triển mạnh... Bởi vậy, mối nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm đối với TAĐP là rất cao. Từ những thực trạng đó, việc kiểm soát các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các cơ sở này là một trong những yêu cầu cấp thiết của các ngành chức năng và của toàn xã hội.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo bảo đảm VSATTP thành phố Hà Giang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng số 227 có sở kinh doanh TAĐP. Các cơ sở này chủ yếu kinh doanh những đồ ăn, thức uống đã được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ có thể ăn ngay và được bày bán ở các vỉa hè, những nơi công cộng quanh địa bàn nội thành và cổng trường học, chợ lớn, chợ xép.
Các mặt hàng rau,quả, thịt chín được bán tại vỉa hè giáp Trường Mầm non Sao Mai, thành phố Hà Giang cần có giải pháp bảo đảm ATVSTP. |
Để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát các điều kiện về an toàn thực phẩm kinh doanh TAĐP, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế và Chi cục ATVSTP tỉnh, Ban chỉ đạo đảm bảo VSATTP thành phố đã triển khai thường xuyên quyết liệt các hoạt động về bảo đảm ATVSTP nói chung và đối với thức ăn đường phố nói riêng và đạt được kết quả tốt. Hàng năm, Ban chỉ đạo VSATTP thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn là Phòng Y tế, Trung tâm Y tế tham mưu ban hành các văn bản, kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động đảm bảo ATVSTP, TAĐP trên địa bàn như kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên từ thành phố đến xã, phường. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai mô hình điểm kiểm soát VSATTP đối với kinh doanh TAĐP tại thành phố từ năm 2013 đến nay. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo, UBND xã, phường phối hợp với ngành Y tế thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho các hộ kinh doanh TAĐP về điều kiện đảm bảo ATVSTP đối với TAĐP, tổ chức thực hiện ký cam kết đối với từng cơ sở chấp hành tốt các quy định của Bộ Y tế định kỳ; đột xuất thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở phát hiện các cơ sở vi phạm để có biện pháp nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định.
Kết quả, trong thời gian qua Ban chỉ đạo VSATTP thành phố đã kiểm tra được 2.876 lượt tại cơ sở, qua kiểm tra đã có 2.597 lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP, 297 lượt cơ sở không đạt tiêu chuẩn VSATTP. Cùng với công tác kiểm tra, Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố đã chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ TAĐP ký cam kết về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATVSTP trên địa bàn, vì vậy trong thời gian qua đã có 1.478 cơ sở ký cam kết thực hiện bảo đảm ATVSTP. Cũng do thường xuyên được giám sát chặt chẽ nên trong thời gian qua trên địa bàn thành phố không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố cho biết: Khó khăn lớn nhất của công tác bảo đảm ATVSTP hiện nay là nhân lực thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP nói chung, đối với công tác quản lý TAĐP nói riêng còn quá mỏng so với yêu cầu thực tế của đơn vị, bên cạnh đó các cơ sở kinh doanh TAĐP không cố định, các hộ thường xuyên di động, vì vậy việc quản lý và giám sát việc chấp hành các điều kiện bảo đảm VSATTP rất khó khăn...
Để đảm bảo ATVSTP tránh được những loại bệnh dịch có thể xảy ra, không chỉ triển khai thực hiện tháng ATVSTP; vừa qua, ngày 15.3.2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 580/UBND-VX “Về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Giang”. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với UBND thành phố Hà Giang tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh các thủ tục hành chính trong kinh doanh, điều kiện kinh doanh, kiểm tra khu vực sơ chế, chế biến, vệ sinh môi trường, nguồn nước, nguồn gốc nhập thực phẩm, phụ gia thực phẩm, bảo quản thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm... Chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân, cơ sở nào không chấp hành hoặc cố tình vi phạm yêu cầu thu hồi các loại giấy phép, đình chỉ kinh doanh dịch vụ ăn uống...
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc