Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm - đâu là giải pháp?
BHG- Ngày 14.4 vừa qua, Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia về VSATTP giai đoạn 2011 - 2015, chỉ rõ: Trong 5 năm qua, tỉnh ta xảy ra 42 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 433 người bị mắc, trong đó có 36 người tử vong. Trong quý 1 năm 2016, có 2 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 49 người mắc. Qua xác minh, xét nghiệm phần lớn số các vụ ngộ độc đều do thực phẩm không đảm bảo và thói quen ăn uống của đồng bào vùng cao chưa được chú trọng. Gần như số vụ ngộ độc thức ăn ở vùng cao, vùng sâu, xa đều bắt nguồn từ ngộ độc bột ngô mốc và ăn phải rau, quả, nấm độc gây nên. Hơn nữa, các vụ ngộ độc lại thường xảy ra vào dịp tháng 3 và tháng 4 hàng năm.
Làm thế nào để phòng ngừa triệt để tình trạng ngộ độc thức ăn cho đồng bào vùng cao là câu hỏi thường xuyên mang tính thời sự đã được cơ quan, ngành chức năng đặt ra. Lời giải từ trước tới nay mà chúng ta thường nhắc tới là công tác tuyên truyền. Điều đó hoàn toàn đúng và phải tuyên truyền cho mỗi người dân hiểu được mối nguy hại của ngộ độc ngô mốc, nấm độc là không thể ăn được. Nhưng với đặc điểm vùng cao, sâu, xa, trình độ nhận thức của đại đa số đồng bào còn hạn chế; địa hình rộng, phức tạp; mọi điều kiện tiếp cận thông tin và “thói quen” sử dụng thông tin để phòng tránh còn rất khiêm tốn, rất khó. Đi kèm đó là lực lượng làm công tác tuyên truyền đến từng thôn, xóm, người dân không phải lúc nào cũng làm được và mang lại hiệu quả.
Khảo sát thực tế ở các huyện vùng cao, vùng sâu, xa cho thấy: Sự tiếp cận thông tin tạo định hướng trong tất cả mọi việc từ làm ăn, sinh hoạt, vui chơi giải trí của đồng bào vùng cao chưa thể đáp ứng. Một ví dụ như, thu tiền điện từ mỗi hộ dân ở nhiều thôn xóm chỉ trên, dưới chục nghìn đồng/hộ/ tháng, chủ yếu dành cho thắp sáng và rất ít hộ dùng điện để nghe đài, xem tivi, nếu có chăng thì chỉ dùng vào việc xem phim, hết phim là tắt máy. Cũng qua khảo sát thực tế các hộ dân tại thôn, xóm vùng cao, rất ít phụ nữ - đối tượng chính chuyên sử dụng các loại thực phẩm nấu ăn cho cả gia đình - quan tâm đến các phương tiện nghe nhìn. Vậy là, điều bấy lâu nay chúng ta dùng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu cách phòng ngừa NĐTP là việc làm “chưa tới đích”. Đối tượng chính cần tuyên truyền là phụ nữ, người nội trợ chính của gia đình là không tới, không mấy hiệu quả, kể cả tuyên truyền trong các ngày chợ phiên. Đấy là chưa kể tới việc tuyên truyền thiếu thường xuyên, liên tục, đã làm hạn chế khả năng nhận biết của người dân về phòng, chống NĐTP. Bên cạnh đó, còn một “lỗ hổng” theo mùa mà các loại nấm độc, ngô mốc, mầm bệnh hay phát sinh là cách sử dụng của người dân trở thành thói quen, thành thông lệ... dẫn đến cứ vào mùa này hàng năm, các vụ NĐTP do nấm độc, ngô mốc gây tử vong cao nhất trong năm.
Vậy làm thế nào để phòng ngừa triệt để và có hiệu quả tình trạng NĐTP?. Không gì khác là cần phải đổi mới cách tiếp cận đối tượng để tuyên truyền. Làm thế nào để cho người phụ nữ, người nội trợ chính trong gia đình hiểu để tránh sử dụng các loại thực phẩm bẩn, ngô mốc, nấm độc trong khi ăn, sử dụng làm thức ăn. Tại huyện Đồng Văn, chính quyền từ huyện xuống cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền trên thông qua các cộng tác viên y tế, dân số - KHHGĐ xuống đến từng thôn, xóm vì họ coi phụ nữ là đối tượng chính. Một sáng kiến được huyện Đồng Văn đưa ra là tuyên truyền về thôn xóm bằng các hình thức: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua phương tiện cổ động, thông tin gắn liền trách nhiệm của các ban, ngành của cơ sở xã, thôn để đưa thông tin đến từng gia đình và người dân.
Theo ông Nguyễn Như Chưởng, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh: Công tác phòng ngừa NĐTP đối với đồng bào vùng cao, vùng sâu chỉ có cách duy nhất, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, là phải gắn liền trách nhiệm ngay tại thôn bản đó. Hiệu quả của tuyên truyền cao nhất là tuyên truyền miệng. Đối tượng gắn liền đó là phụ nữ, người nội trợ và phải tuyên truyền thường xuyên.
MINH KHAI
Ý kiến bạn đọc