Cảnh giác, chủ động phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại do dông, tố, lốc và mưa đá gây ra
BHG - Dông là hiện tượng khí quyển phức tạp, bao gồm sự phóng điện trong đám mây hay giữa các đám mây với nhau và giữa các đám mây với mặt đất tạo ra hiện tượng chớp và sấm thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có mưa đá. Trường hợp sự phóng điện xảy ra giữa đám mây và mặt đất người ta còn gọi là sét. Mưa dông có cường độ khá lớn, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cây trồng. Mưa dông đầu mùa mang theo một lượng amoniac và nitorat cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, mưa dông cũng có mặt bất lợi của nó, như làm tăng độ xói mòn, xụt lở đất, đá, cuốn trôi những lớp phủ màu mỡ trên đất trồng trọt.
Tố là hiện tượng gió tăng tốc đột ngột, hướng cũng thay đổi bất chợt, nhiệt độ không khí giảm mạnh, độ ẩm tăng nhanh thường kèm theo dông, mưa rào hoặc mưa đá. Tốc độ gió của Tố tới 15 đến 20 m/s (cấp 7- cấp 8), thậm chí trên 30 m/s. Thời gian xảy ra Tố không lâu, tác hại chính của Tố là gió mạnh nhưng chỉ xảy ra trên phạm vi hẹp.
Lốc là một hiện tượng gió xoáy cực mạnh, xảy ra trong một phạm vi nhỏ hàng chục tới hàng trăm mét và tồn tại trong một thời gian ngắn. Cơn lốc mạnh có thể làm đổ cây cối, nhà cửa, kho tàng, gây thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân. Đôi khi, trong trong Lốc còn kèm theo mưa đá thì thiệt hại càng thêm nghiêm trọng
Sét thường đánh xuống những nơi cao những vật dẫn điện. Sét có thể phá hoại các công trình nhà ở; Người làm việc ngoài trời trong lúc có dông có thể bị sét đánh thiệt mạng, sét còn làm hao lụt điện trên các đường dây cao thế. Cho nên vấn đề chống sét cần được đặc biệt chú ý trong các công tác xây dựng và thiết kế các công trình.
Mưa đá là hiện tượng hạt nước đóng thành băng rơi xuống mặt đất. Kích thước của hạt mưa đá cũng khác nhau thông thường chỉ bằng hạt ngô, quả mận nhưng cũng có trường hợp lớn bằng quả trứng, quả cam.
Ở Hà Giang, mùa Dông bắt đầu khá sớm và kết thúc muộn. Tháng 1 đã có nơi xuất hiện Dông, sang tháng 4, cùng với sự tăng ẩm cao, số ngày có Dông trong tháng tăng lên rõ rệt. Dông thường xuất hiện nhiều vào mùa Hè, tập trung vào các tháng 6, 7 trong đó tháng 7 có nhiều ngày dông nhất trong năm.
Mưa đá ở Hà Giang là hiện tượng thường xảy ra hàng năm, không ở nơi này thì ở nơi khác, đặc biệt là trong các tháng đầu mùa Hè, trong thời kỳ chuyển tiếp giữa mùa lạnh xang mùa nóng. Tháng 4 thường là tháng có số ngày mưa đá nhiều nhất ở các địa phương trong tỉnh, nhất là ở các huyện vùng cao phía bắc. Trong tháng này hầu như năm nào cũng quan sát thấy mưa đá có khi xảy ra một đến hai trận, có năm nhiều hơn trong tháng này. Hiện tượng Mưa đá ít xảy ra, tuy nhiên khi xảy ra thì sự tàn phá của nó là rất lớn, nhất là đối với mùa màng, hoa màu, vật nuôi và thậm chí chết người. Vì vậy mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Những dấu hiệu nhận biết trời sắp xảy ra Dông và mưa đá:
Khi thấy trời nổi Dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể sẽ có mưa đá. Khi bạn đang ở một nơi nào đó, không có thông tin hoặc không nghe được thông tin cảnh báo, dự báo có mưa dông (có thể có cả mưa đá), bạn vẫn có thể qua hiểu biết để nhận biết sắp có mưa đá mà tự phòng tránh.
Đối với Hà Giang Dông, Tố, Lốc, Mưa đá là những thiên tai mang tính tự nhiên và năm nào cũng xảy ra khi thì nơi này khi thì nơi khác và gây thiệt hại đáng kể. Bởi vậy công tác chủ động phòng chống là biện pháp tối ưu trong công tác giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai nói chung và Dông, Tố, Lốc, Mưa đá nói riêng.
Nguyễn Đình Hợp
Ý kiến bạn đọc