Tâm sự về nghề

16:14, 18/06/2008

(HGĐT)- Con đường đến với nghề báo và làm báo chuyên nghiệp, mỗi người có một cách đi và hoàn cảnh khác nhau. Riêng tôi, đến bây giờ, vẫn còn ngạc nhiên vì không lý giải được làm sao mình lại có thể đến được với nghề báo, được làm báo từ thời trai trẻ, từ thời một anh lính chuyển ngành, cho đến hôm nay.


 

Đọc báo ở Phòng Bạn đọc - tư liệu thư viện (Báo Hà Giang).


Bản tính tôi không có mơ ước hão huyền, luôn thấy mình như một người học trò, và rất sợ bị thầy giáo chất vấn những vấn đề, những kiến thức mà mình hiểu còn nông cạn…Tôi thường nghĩ thế và hiểu rằng mình phải học tập rất nhiều để bù đắp những khoảng trống kiến thức.


Giống như một số bạn đồng nghiệp, do trí tò mò, lại muốn “thử sức”, tôi liều mạng “viết thử xem sao”, rồi đắn đo mãi mới dám gửi bài cho Toà soạn. Gọi là “bài” cho oai, chứ thực ra, khi khi Toà soạn cho đăng lên, thì “bài” dài đến 4 trang giấy học sinh của tôi chỉ còn lại cái “cốt” hơn diện tích bao diêm một ít. Thế mà mừng rơi nước mắt, trong lòng reo lên như mơ được vàng. Khởi đầu chỉ có thế. Nhưng sau đó, nhiều lần gửi tiếp bài đi, nhận lại chỉ là sự cảm ơn, hoặc may mắn là lời “ hướng dẫn” ngắn gọn của Toà soạn. Lúc ấy, tôi cho rằng làm báo khó vô cùng, mình khó lòng mà theo nghề này được!


Kiên trì và quyết tâm học hỏi không nản lòng, tôi vẫn cố gắng học viết. Đương nhiên phải “nắm thắt lưng” Toà soạn, bám sát những chủ đề mà báo cần và đặc biệt là chỉ viết những gì mà mình quan sát được, lý giải được, bàn luận được để viết, và bảo đảm sự chính xác cao nhất. Với cách làm như thế, tôi đã trở thành “cộng tác viên tích cực”, rồi sau đó được Toà soạn báo tiếp nhận về làm báo chuyên nghiệp, được phân công làm phóng viên viết, chụp ảnh.


Tôi nghiệm ra rằng, con đường “từ từ từng bước” đã giúp tôi có đủ thời gian chiêm nghiệm, tự nâng mình lên. Sau khi được theo học nâng cao, được trang bị lý luận cơ bản về báo chí thì mình vững vàng thêm rất nhiều.


Nhưng nghề báo cũng chỉ là một nghề như hàng trăm nghề khác ngoài xã hội, học nghề là học cách làm báo. Mà làm báo lại có mối quan hệ tổng hoà với rất nhiều nghề trong xã hội. Học một mà muốn biết mười thì chỉ có cách tự học. Cách tự học thì nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã có những lời chỉ dẫn chí lý. Riêng tôi, ngoài những điều đã tâm niệm như một nguyên tắc bắt buộc phải tuân theo, bất cứ ai làm báo cũng phải luôn luôn: Học, đọc và viết (tất nhiên cả nghe và nhìn nữa). Kiến thức bách khoa chính là trong những trang sách, trang báo. Học và đọc đều đặn, nhưng phải rút ra điều cần ghi nhớ, để nó trở thành kiến thức của mình, đó mới là điều cần học, cần đọc. Còn nghề báo mà không viết hoặc không thường xuyên viết thì có thể coi như không làm báo, từ bỏ nghề báo. Ngày nào cũng phải viết, dù không đăng lên báo, nhưng phải viết để “rèn bút cho sắc, cho trơn”. Tất nhiên muốn viết được lại phải nắm bắt cuộc sống, để ý cả những việc nhỏ nhất, phải “năng nhặt chặt bị”. Các nhà lý luận báo chí nói, 70% kiến thức trong tác phẩm báo chí thuộc về “lao động quá khứ”, hiểu nôm na đó là vốn sống. Vốn sống có vai trò quan trọng và quyết định chất lượng hiệu quả của tác phẩm báo chí. Vốn sống còn có tác dụng đặc biệt quan trọng giúp nhà báo phát triển vấn đề nhanh, nắm bắt nhanh, viết nhanh, đúng và trúng. Sự chăm chỉ, kiên trì, thường xuyên viết và không ngừng rút kinh nghiệm, đổi mới cách viết là 30% còn lại, chính là “nghệ thuật”, là nghiệp vụ nghề nghiệp của người làm báo.


Làm báo thì phải đi dần từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa. Tiếc rằng hiện nay, một số bạn làm báo trẻ, mới vào nghề, chỉ muốn làm điều to tát, muốn có những bài chiếm cả nửa trang báo, đề cập đến những vấn đề có “tầm quốc gia”. Tôi không cho đó là điều xấu, mà khuyến khích các bạn nên có chí hướng ấy. Nhưng trước hết “mèo con tha chuột bé” đã. Có bạn không thích làm tin vì loại “tin bao diêm” thì chẳng “oai’ gì, nhưng các bạn quên mất là bản thân từ “báo” đã bao hàm ý nghĩa của tin tức rồi, và thường 70% các tác phẩm trên một số báo là “tin” kia mà! Hơn nữa, nếu sự hiểu biết và vốn sống của bạn còn nhiều “lỗ hổng” mà bạn lại muốn những điều to tát quá mức thì chẳng thể tránh được những điều xưa nay đồng nghiệp báo chí thường nói “ vẽ voi thành con chuột nhắt”.


Bên cạnh kiến thức và vốn sống thì tình yêu nghề nghiệp, lòng tự hào về nghề nghiệp, cho dù nó nghiệt ngã, bạc bẽo như ai đó đã có lần nói như vậy, thì ta vẫn luôn luôn tâm niệm rằng: Nghề báo là một nghề cao quý. Chúng ta lại tự hào biết rõ những nhà cách mạng vô sản vĩ đại đều bắt đầu sự nghiệp của họ bằng nghề báo: Mác, Ăng-ghen, Lê-nin và Bác Hồ yêu quý của chúng ta, chẳng đi vào con đường cách mạng bằng nghề báo đó sao?


Cho đến bây giờ gần hai mươi năm theo đuổi nghề này, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, nghề báo quả thật khó khăn, gian nan, vất vả, đòi hỏi sự kiên định và cả lòng dũng cảm nữa. Lòng yêu nghề cũng chung thuỷ như trái tim khoẻ mạnh, rung động, xốn xang như tình yêu đầu đời vậy.


Hiến Chương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sức mạnh của báo chí chính là uy tín
(HGĐT)- Báo chí với chức năng thông tin và đại diện công luận đã đóng vai trò to lớn trong việc nâng cao dân trí và thúc đẩy xã hội phát triển trên tất cả mọi lĩnh vực KT-XH, AN - QP.
18/06/2008
Tập trung mọi nguồn lực làm đường giao thông nông thôn
(HGĐT)- Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước bằng nhiều nguồn vốn, như vốn ngân sách Chương trình 134, Chương trình 135, vốn vay nước ngoài...các huyện, thị trong tỉnh đã huy động được nguồn lực địa phương, tập trung đầu tư hệ thống giao thông nông thôn.
16/06/2008
Vĩnh Sơn - điểm sáng phong trào xây dựng nông thôn mới
(HGĐT)- 5 năm về trước, tôi đã đến làng Mông Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc (Bắc Quang) để viết ký sự về người Mông xuống núi. Viết về sự đùm bọc, chia sẻ của đồng bào địa phương trong mối đoàn kết, giúp đỡ cộng đồng để ổn định đời sống. Tình người, tình làng xóm 5 năm trở lại vẫn còn nguyên đó.
16/06/2008
Hiệu quả các phong trào thi đua của Hội Nông dân Xín Mần
(HGĐT)- Trong những năm qua, với tinh thần đoàn kết phát huy nội lực, Hội Nông dân huyện Xín Mần đã lãnh đạo hội viên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Hội và có những đóng góp quan trọng trong phát triển KT - XH của huyện cũng như cải thiện đời sống cho hội viên.
16/06/2008