Những nẻo đường phóng viên
(HGĐT)- Làm phóng viên, công việc chính của họ là đi và viết. Muốn viết được thì phải đến cơ sở tìm hơi thở cuộc sống, gặp những điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực. Muốn viết hay, phản ánh được mọi mặt của xã hội thì ngoài năng khiếu, trình độ, năng lực, sự am hiểu cuộc sống... thì người phóng viên cần có sức khỏe tốt, đôi chân săn chắc, dẻo dai để chinh phục những nẻo đường có thể nói là chưa bao giờ bằng phẳng trên đường tác nghiệp.
Để có bài điều tra về nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, Ban Biên tập phân công phóng viên Phan Mạnh Hùng (bút danh Đức Tùng) và Thiên Thanh (bút danh Tiến Chiến) lên đường “trinh sát”. Sau nhiều ngày “mai phục”, các anh đã nhằm mục tiêu là đỉnh Khau Peo cách trung tâm huyện 20 km. Từ chân núi lên hiện trường khoảng 6 km, khoác túi máy ảnh và một số trang bị khác (khoảng 6kg) hai anh thẳng tiến. Sau 3 giờ đồng hồ tay cào, chân đẩy, vạch lá, đẩy cành, leo dốc, luồn rừng các anh đến hiện trường. Ngổn ngang những cây cổ thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi bị đốn ngã không thương tiếc trong rừng sâu cao vợi. Đôi chân rã rời, mồ hôi ướt đẫm, miệng, mũi tranh nhau thở, chiếc túi máy ảnh chỉ 6 kg bỗng như tăng trọng lượng lên gấp 10 lần. Mệt, đói, khát mà lòng thì quặn đau khi chứng kiến “máu” rừng đang chảy.
Ở phòng Phóng viên Báo Hà Giang, phóng viên Phan Mạnh Hùng thuộc dạng “mõ” nhất vì anh là người nhiều tuổi nhất trong phòng (sinh năm 1959) nhưng về mặt “lọ mọ” đường trường thì không kém gì cánh thanh niên trong phòng. Sau chuyến đi rừng ấy, các anh đã có một loạt bài phóng sự điều tra gây tiếng vang trong dư luận.
Chiêu Lầu Thi là một đỉnh núi cao trong dãy Tây Côn Lĩnh nằm trong địa phận huyện Hoàng Su Phì, nơi đây có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, về phát triển những cây trồng ôn đới và nuôi cá hồi nước lạnh. Biết được chủ trương của đồng chí Triệu Tài Vinh, ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, sẽ liên doanh với công ty nước ngoài để xây dựng Chiêu Lầu Thi thành khu du lịch, khai thác các tiềm năng khác của đỉnh núi này, phóng viên Nguyễn Mạnh Hùng đã bỏ xe máy, xỏ đôi ba ta chinh phục Chiêu Lầu Thi. Túi máy ảnh khi vai phải, khi vai trái, khi ôm trước bụng, khi cõng trên lưng (may mà không bị kéo lê), Mạnh Hùng mải miết ngược dốc. Nguyễn Mạnh Hùng thuộc loại “mõ nhì” của phòng nhưng lại là người lên đỉnh Chiêu Lầu Thi sớm nhất trong tất cả anh em phóng viên. Khi lên, đôi giầy ba ta “mới đét” mua ở chợ Nậm Dịch giá 30 ngàn đồng, khi xuống tơi tả, rách mũi, đế bong... nhìn đôi giầy mới biết “mõ nhì” không kém gì “mõ nhất” và mồ hôi, công sức của anh bỏ ra. Chiêu Lầu Thi được đông đảo bạn đọc biết đến trong bài ghi chép của anh.
Đi bộ, khái niệm trong thể thao là chuyện khác, đi bộ của phóng viên trong khi tác nghiệp lại khác. Nó không thể tuân thủ những quy định của thể thao. Chị Lương Kim Duyên, phóng viên của Báo Hà Giang (đã chuyển công tác sang Cục Hải Quan) là người nhận biết điều đó rõ nhất vì: Là một người hâm mộ và thường xuyên tập môn đi bộ trong thể thao nhưng trong đợt lũ quét tại xã Du Tiến, Du già (Yên Minh), để có một bài ghi nhanh, chị đã khóc vì... đau, không những chân mà đau hết “cơ quan, đoàn thể” do đi bộ! Bài ghi nhanh của chị đã phản ánh nhanh nhất, sớm nhất về trận lũ quét lịch sử tại xã Du Tiến, Du Già năm nào. Từ đó, đã kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trong toàn quốc chia sẻ những đau thương, mất mát cho cả một cộng đồng người gặp nạn.
Còn rất nhiều, rất nhiều những phóng viên của Báo Hà Giang đã hết lòng vì nhiệm vụ, họ không “thèm chấp” mọi con đường, dù khó khăn đến mấy, mưa lầy, gió bụi, núi cao, vực thẳm... Nhiệm vụ được giao là họ đến, với đôi chân, khối óc và bản lĩnh của người làm báo họ luônlàm tròn bổn phận của mình.Với tư cách là một phóng viên, tôi xin chia sẻ những nẻo đường khó khăn với mọi đồng nghiệp của các loại hình báo chí trong tỉnh: Báo viết (Báo in), báo nói (Đài phát - truyền thanh), báo hình (Đài truyền hình), báo ảnh và báo mạng (In-tơ-nét).
Ý kiến bạn đọc