Hiệu quả kép từ Nghị quyết 05

11:07, 15/03/2022

BHG - Ngoài mục tiêu tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, hàng nghìn mảnh vườn sau cải tạo còn giúp thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, góp phần xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ môi tường, tạo cảnh quan sạch - đẹp, ứng dụng KHKT và liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác và tạo phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp.

Chị Phạm Thị Dung, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên) chăm sóc vườn Thanh long.
Chị Phạm Thị Dung, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên) chăm sóc vườn Thanh long.

Chị Phạm Thị Dung, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên) thực hiện cải tạo vườn tạp (CTVT) được 1 năm, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, khu vườn của chị ngoài trồng cây Thanh long ruột đỏ được tận dụng trồng xen các loại rau, quả ngắn ngày như Su hào, Bắp cải, Dưa hấu, năm đầu tiên cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Chị Dung chia sẻ: “Vườn tạp sau khi cải tạo không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập, nguồn rau xanh cải thiện bữa ăn mà nhờ được quy hoạch, sắp xếp lại một cách khoa học, khu trồng cây và chăn nuôi riêng nên cảnh quan sạch sẽ, gọn gàng, được nhiều chị em phụ nữ trong thôn đến tham quan, học tập”.

Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 6.500 hộ với trên 6.500 vườn có thu nhập khá. Sau hơn 1 năm đi vào cuộc sống, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng nhiệt tình của người dân, nghị quyết đã vượt xa mong đợi. Năm 2021, có 2.477 hộ thực hiện CTVT với tổng diện tích 1.131.729 m2; trong đó hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị Quyết số 58 của HĐND tỉnh là 1.220 hộ, vượt 289% so với năm 2021. Tổng số kinh phí thực hiện hỗ trợ CTVT trên 36,8 tỷ đồng; trong đó kinh phí từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH giải ngân cho các hộ vay vốn trên 30,3 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các gia đình gần 6 tỷ đồng. Các hộ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích, đầu tư mua cây, con giống, vật tư nông nghiệp, xây dựng, tu sửa chuồng trại, bổ sung đất vào nương đá. Đến nay, các hộ đã trồng được 38.194 cây ăn quả, gieo 1.622 kg hạt giống rau, đậu các loại, trồng 44.860 cây lâm nghiệp, nuôi 3.096 kg giống thủy sản, 40.085 con gia súc, 33.953 con gia cầm.

So với tiêu chí của Đề án CTVT của UBND tỉnh, có 808 vườn đạt từ 3 tiêu chí trở lên được đánh giá đạt chất lượng; có 629 vườn bắt đầu cho thu nhập với tổng số tiền 24.066 triệu đồng; bình quân lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 8,3 triệu đồng/hộ, gấp 2-3 lần so với trước khi CTVT, một số vườn tại Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Minh cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Các sản phẩm mang lại kinh tế chủ yếu là từ vườn rau, chăn nuôi gia cầm, lợn và một số ít từ các sản phẩm phụ trong sản xuất; còn một số vườn chưa cho thu nhập do giải ngân sau hoặc trồng các loại cây ăn quả dài ngày, đầu tư mua con giống bố mẹ.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, Nghị quyết số 05 mang lại lợi ích về văn hoá - xã hội, môi trường. Chương trình CTVT giúp không gian sinh sống của gia đình được sắp xếp lại hợp lý, khoa học, ngăn nắp, thuận lợi cho sinh hoạt; thôn xóm sạch – đẹp, cải thiện môi trường sinh thái, tác động mạnh đến chương trình xây dựng Nông thôn mới; góp phần thay đổi nhận thức của người dân về tập quán sản xuất từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang, tạo ra những hướng đi tiềm năng, hiệu quả; các vườn sau cải tạo giải quyết được nguồn cung cấp thực phẩm xanh cho gia đình, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Chương trình huy động được nguồn lực xã hội hoá từ các tổ chức, cá nhân và chung tay của toàn xã hội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về kinh phí, cây con giống, ngày công để CTVT. Các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hàng trăm buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho hàng nghìn người là thành viên Ban chỉ đạo, Hội Nông dân, Phụ nữ, Tổ thẩm định cấp xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn bản và các hộ dân. Nghị quyết số 05 tạo ra phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp. Có 1.257 hộ không thuộc đối tượng được thụ theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh thực hiện CTVT, xây dựng vườn mẫu với tổng diện tích 1.757.428 m2. Đặc biệt, với sự chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, qua chương trình đã xuất hiện những cách làm hay, chủ động, sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở như: Huyện Vị Xuyên, Bắc Quang xây dựng thêm tiêu chí, hướng dẫn các hộ dân ghi chép sổ nhật ký hạch toán thu - chi kinh tế gia đình, giúp quá trình sử dụng nguồn vốn vay đạt hiệu quả cao nhất; Hoàng Su Phì áp dụng biện pháp che phủ ni lông cho cây ngô; Quản Bạ lập nhóm Zalo để trao đổi thông tin hàng ngày, xếp đá đổ đất, triển khai hình thức đầu tư có thu hồi, hợp đồng với trường học bao tiêu sản phẩm rau; phát động CTVT gắn với Chương trình 1953 của tỉnh về xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo; Mèo Vạc, Đồng Văn thực hiện xếp đá, đổ đất để trồng cây ăn quả, chăn nuôi, huy động được lực lượng cán bộ và nhân dân, tích cực tham gia giúp đỡ các hộ thực hiện; các địa phương giao cán bộ, đảng viên hỗ trợ, phụ trách hộ CTVT, liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ các hộ chuyển giao KHKT và tiêu thụ sản phẩm. Chương trình CTVT đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong công tác lãnh, chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thức hiện nghị quyết tại cơ sở.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Phương Độ phát động cải tạo vườn tạp đợt 3

BHG - Nhằm tiếp tục thực hiện chương trình Cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, UBND xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) vừa phối hợp với Ban CHQS và Ủy ban MTTQ TP. Hà Giang tổ chức phát động cải tạo vườn tạp đợt 3.

30/08/2021
Hỗ trợ đối tượng yếu thế cải tạo vườn tạp

BHG - Nghị quyết 05-NQ/TU (NQ) của Tỉnh ủy về "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025" là NQ đầy tính nhân văn, trong đó, quan điểm chỉ đạo là các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến thôn phải vào cuộc phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp để tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

29/09/2021
Cải tạo vườn tạp "cải tạo tư duy"
BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh nhiều lần nhấn mạnh: “Muốn cải tạo vườn tạp, trước hết phải cải tạo tư duy”.
27/11/2021
“Bù đất, lấp đá” tạo sinh kế cho người dân Quản Bạ
“Bù đất, lấp đá” để tạo nên những mảnh vườn màu mỡ, cho ra quả ngọt là cách làm của huyện quản bạ đối với một số hộ dân có những mảnh vườn cằn cỗi, có nhiều đá tai mèo trong cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người nông dân.
24/02/2022