Tết này của Phấy và Sếnh

10:41, 13/02/2024

BHG - Cơn gió mùa Đông Bắc đặc quánh hơi nước đem theo cái lạnh cắt da thổi hun hút khắp sườn núi. Phấy đeo quẩy tấu lầm lũi đi vào khe suối tìm rau chăn lợn.

Vậy là hai mùa Đông đã qua, nhưng Phấy vẫn nhớ như in cái ngày gặp Sếnh. Hôm đó cả hai cùng đi dự đám cưới của người bạn cũng là người Dao ở xã bên, không biết trời đất dun dủi thế nào mà Phấy và Sếnh được sắp ngồi cùng mâm rượu. Ban đầu hai người ai cũng ngượng ngùng e thẹn, nhưng sau mấy lần cụng ly thì cả hai đều thấy có đốm lửa trong ánh mắt mỗi khi nhìn vào nhau, trời càng tối thì khoảng cách giữa hai người càng ngắn dần. Khi trời tối hẳn cũng là lúc Phấy cùng với Sếnh và đám trai gái hòa mình vào điệu Pá dung tha thiết. Cùng với đám bạn vừa uống rượu vừa xem nhảy Pút tồng, xem trò vật chày, đến gần sáng cả Phấy và Sếnh đều cảm thấy buổi tối sao mà ngắn ngủi, câu Pá dung được Sếnh nói thay lời “…Mưa rơi xuống đất tụ thành sông/Kết tình chưa lâu trời đã sáng/Lại sắp xa nhau ở cách làng”...

Minh họa: PHƯƠNG THẢO
Minh họa: PHƯƠNG THẢO

Cũng từ hôm ấy tình yêu như chất men say kỳ lạ, như thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt khiến hai người chỉ tìm cơ hội để gặp nhau, nó bóp nghẹt làm trái tim cứ đập loạn xạ lúc nhanh lúc chậm mỗi khi chạm mặt. Mỗi tháng hai người phải gặp nhau ít nhất hai ba lần không thì đầu óc cứ như trên mây, trái tim như phơi trên nương trên rẫy mà không thể tập trung để làm ăn suy nghĩ được gì.

Chuyện tình yêu đôi lứa như một lẽ thường, trai chưa vợ, gái chưa chồng rồi sẽ tự tìm đến với nhau như ông trời sắp đặt. Nhưng với Phấy thì khác bởi cái sợi dây duyên của cô có chỗ to có chỗ nhỏ, có chỗ gấp khúc nên không bền chắc. Vào dịp gần Tết năm ấy, gia đình Sếnh đã nhờ Sài cố mang một con gà và một chai rượu đến nhà làm cơm và ngỏ ý muốn lấy Phấy về làm con dâu. Sau một hồi từ chối lấy lệ thì bố mẹ Phấy cũng đồng ý để bên gia đình Sếnh về xem tuổi và hẹn ngày lành tháng tốt sang ăn hỏi. Thế nhưng điều cả Phấy và Sếnh đều không ai ngờ là trong buổi ăn hỏi bố mẹ Phấy đòi sính lễ quá cao, ngoài 100 sải vải chàm thì bố mẹ Phấy còn thách cưới 80 đồng bạc già, 200 chai rượu, 100 cân gạo và 100 cân thịt móc hàm. Bên nhà Sếnh thương lượng hạ thấp xuống một tý nhưng ông Hín bố Phấy dứt khoát không chịu.

Bàn cãi cả ngày, ai cũng giữ cái lý của mình lại có tý men, hai bên nổi nóng ngay bên mâm rượu, thế là bố mẹ Sếnh và Sài cố tuyên bố không cưới xin gì nữa rồi kéo nhau về để mặc Phấy và Sếnh đứng chết lặng.

Đợi đến hôm sau, khi bố mẹ nguôi giận và hết hơi rượu, Phấy tìm lời khuyên can bố mẹ, nhưng bố Phấy gằn giọng: Tao chỉ có mỗi mày là con gái, không lấy nhiều một tý thì là mày mất giá à, rồi sau này lấy vợ cho em mày mới có bạc mà trả cho nhà người ta. Tao đây này, trước đây để lấy được mẹ mày ông bà cũng mất gần trăm đồng bạc già chứ ít à...

- Nhưng bây giờ khác rồi, bố lấy nhiều thế thì chỉ khổ chúng con, nhà Sếnh cũng nghèo như nhà ta, sau này lại phải còng lưng ra làm để trả nợ...

- Việc đó là do nhà người ra. Mày đi lấy chồng và làm ma nhà họ thì tao cũng chỉ lấy để làm vốn sau này đến lượt thằng Tá em mày thì mới có cái mà hỏi vợ cho nó thôi. Mà mày không phải lo, người Dao có phải là đã hết con trai đâu...

Biết tính bố, Phấy không dám cãi lại, cô lẳng lặng đeo gùi ra ruộng, đợi dịp khuyên can bố. Đang lúi húi hái rau chăn lợn, trái tim Phấy sắp rơi ra khỏi lồng ngực khi chợt thấy Sếnh đi bộ từ bên kia khe núi tìm Phấy. Ngồi cạnh nhau, hai người chỉ nước mắt ngắn nước mắt dài mà chẳng nói được câu gì. Mãi gần trưa Phấy mới bảo: Hay là Sếnh về cùng bố mẹ vay anh em cho đủ số bạc, mình có sức khỏe, sau này sẽ làm để trả nợ sau...

 - Bố mẹ cũng hỏi vay mượn khắp anh em bạn bè rồi, nhưng không đủ số ấy, vì đầu năm đã đi vay để cưới vợ cho anh trai rồi.

- Hay là hai đứa mình cùng xin đi làm công ty rồi sau đó tính sau.

 - Sếnh ngập ngừng.

- Không được, Phấy biết tính bố, chưa tổ chức cưới xin thì bố không cho về nhà người khác đâu.

Nghe vậy, Sếnh nén tiếng thở dài và lấy tay lau giọt nước lăn ra từ đôi mắt mòng mọng của Phấy…

Câu chuyện của Sếnh và Phấy tưởng chừng đi vào ngõ cụt, ai ngờ đến gần Tết thì bất chợt rẽ sang con đường lớn. Chẳng là sau khi Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 về việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, các cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc quyết liệt, nhất là việc bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, làm ma to, thách cưới lớn. Ở xã và thôn của Phấy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức cho từng bộ ký cam kết thực hiện, trong đó các hộ gia đình đều thống nhất không được thách cưới quá 15 đồng bạc già, không quá 60 cân thịt lợn, không tổ chức linh đình quá 2 ngày. Lúc đầu bố mẹ Phấy khăng khăng một mực không chịu, nhưng rồi được cán bộ huyện và cán bộ xã giải thích, tất cả mọi người ai cũng thực hiện thì ông bà cũng đã hiểu ra rằng thằng Tá sau này có lấy vợ thì cũng không cần đến bạc để trả cho nhà gái nữa.

Chiều hôm ấy, sau khi ký cam kết với thôn về thực hiện quy ước nếp sống văn hóa mới, ông Hín gọi Phấy ra pha một ấm trà rồi bảo.

- Thế dạo này thằng Sếnh nó còn qua lại nữa không. Nghe vậy Phấy chực òa khóc:

- Thôi, bố đừng nói đến nữa, con khổ lắm rồi.

- Tao là tao hỏi thật, nếu nó còn qua lại, hai chúng mày còn thương nhau thì bảo bố mẹ nó nếu không để bụng, không giận thì sang đây nói chuyện. Cái chuyện cưới xin của chúng mày thì tao chỉ lấy 15 đồng bạc và 60 cân thịt, 100 chai rượu, thế thôi để làm cơm mời anh em dân làng. Cái quy ước nếp sống văn hóa quy định thế rồi, tao cũng không muốn làm trái để chúng mày phải khổ và dân làng chê cười...

Chiều hôm sau, bố mẹ Sếnh cùng Sài cố mang một con gà, một chai rượu đến thưa chuyện với gia đình Phấy. Lúc đầu cả hai bên đều ngượng nghịu khi nhắc lại câu chuyện hôm nào, nhưng sau bữa cơm đầm ấm có đủ cả thịt lợn, thịt gà thì hai bên đã hiểu rồi thông cảm cho nhau và chốt được ngày tổ chức đám cưới cho Phấy và Sếnh vào sau Tết.

Tết này là Tết cuối cùng Phấy ở nhà ăn Tết với bố mẹ, Phấy đeo quẩy tấu lên rừng hái lá dong về cho mẹ gói bánh rùa pêu, lấy lá xôi đỏ để chuẩn bị làm lễ Quỹas Hiéng. Lòng lâng lâng hạnh phúc, Phấy thầm cảm ơn cấp ủy, chính quyền đã giúp sửa lại cái dây duyên mà ông trời se nhưng bị lỗi ngày nào. Có lẽ đây cũng là cái Tết vui nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời Phấy và Sếnh. 

TRẦN CHÍ NHÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhớ về năm tháng chưa xa
BHG - Khi chợ quê đã có người bán hạt sen, một món ăn vào vụ mới, khá bổ dưỡng đối với nhiều người, thì cũng có những người hiểu rằng sen đã tàn và mùa Hạ sắp qua. Hình ảnh những con Chuồn ớt dửng dưng bay rồi lì lợm đậu trên những cuộng sen úa tàn như một đốm than hồng bỗng chốc thổi bùng lên ngọn lửa cháy trong mớ bòng bong của ký ức.
30/07/2023
Lan tỏa sâu rộng những giá trị tốt đẹp đạo đức cách mạng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật
Nhận thức sâu sắc vai trò của văn học nghệ thuật, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người”.
29/08/2023
Huyền thoại Mẹ!
​​​​​​​BHG - Không thể tìm ra một dân tộc thứ hai nào trên địa cầu này có danh hiệu “Mẹ anh hùng” được phong tặng. Cũng không có một đất nước nào dành riêng một ngày kỷ niệm vừa thiêng liêng lại cảm động đến thế, ngày để người ta nhắc nhiều hơn đến Mẹ, cúi đầu thành kính trước Mẹ bởi những cống hiến, hy sinh không nói hết bằng lời
29/07/2023
Bế mạc Trại sáng tác Văn học năm 2023
BHG - Ngày 27.8, tại khu nghỉ dưỡng H'mongVillage, xã Đông Hà, (Quản Bạ), Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học năm 2023. Dự lễ bế mạc có lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Đỗ Bích Thúy cùng các nhà thơ, nhà văn tham gia trại sáng tác.
28/08/2023