Mơ ước trước Tết
HGĐT- Nhà tôi nghèo. Tôi mười ba tuổi và điều quan tâm lúc này là mấy bạn cùng bản đã làm răng rồi. Ý định làm răng theo tôi từ năm ngoái, nhưng vẫn chưa có tiền để thực hiện mơ ước giống hàng vạn, hàng vạn cô gái như tôi trên cao nguyên này. Sáng nay bố mắng bóng gió.
- Răng vàng với chả răng vàng! Vớ vẩn! Nhà thì nghèo, làm răng vàng để mà ăn rau dắt hết vào răng trông kinh cả người.
Đấy là bố nạt chúng tôi, không cho làm răng vàng để chơi tết. Vì nhà tôi nghèo, không đủ tiền cho con cái chơi những thú chơi được gọi là sang của đồng bào mình. Tôi hiểu điều đó, thôi thì đành vậy. Nhà nghèo thì cái gì cũng khó. Bố tôi cũng không có răng vàng, mẹ cũng không có, vậy thì con cái không có cũng đừng nên lấy đó làm buồn quá. Nhưng nghĩ cho bố mẹ thì cũng nên nghĩ cho tôi, tết đến rồi mà không có thêm nụ cười lấp lóa thì buồn quá. Người mà tôi để mắt đến mà nhìn thấy tôi không có nụ cười duyên thì liệu người ta có nghĩ đến không? Bao nhiêu bạn đã gom đủ tiền làm răng rồi. Giá như tôi có một mảnh nương nho nhỏ để trồng cái gì đấy mà làm vốn thì chắc giờ này có tiền để làm răng rồi. Đằng này, nhà nghèo nên nương ruộng dù là mảnh con con cằn cỗi cũng không có làm của riêng. Số nương của nhà làm cật lực vẫn không đủ ăn. Cứ thế này thì đến bao giờ mới được đi ngang với bọn con gái có răng vàng.
Bố tôi cứ mắng không cho làm răng chứ thực tình, chính bố cũng muốn làm răng mà không đủ tiền làm thôi. À, đấy là ngày trước, khi bố còn trẻ, làm răng đắt lắm. Ngày ấy là làm răng vàng thật hoặc ít ra là cũng được mấy phần vàng. Răng đó mới giá trị. Chỉ cần làm một lần là được cả đời. Răng mình còn thì răng vàng còn. Răng đó bền và bắt rất chặt vào răng thật cho nên mới là thú chơi sang của chúng tôi. Bà Mai ở đầu bản làm cái răng vàng từ thời con gái mà đến bây giờ hơn chín mươi tuổi vẫn còn, vẫn sáng bóng lên mỗi khi cười, trông càng đẹp. Bà bảo ngày xưa răng bị sâu, đau buốt lắm, người ta bảo làm răng vào thì hết sâu răng luôn. Thế là có tí tiền nào là tích cóp vào để làm cho được cái răng. Làm được thì vừa đẹp, lại hết đau. Không biết ông thợ làm răng có cách gì mà làm xong cái răng vàng thì hết đau thật. Ngày ấy có biết gì đâu, cứ đến ngày hẹn thì ra cho ông ấy làm thôi, chứ có cần biết là vì sao lại hết đau đâu. Về sau này mới biết, ông ấy diệt tủy cho hết đi, chỉ còn mỗi cái xác răng thôi nên mới không đau răng nữa. Thảo nào, phải đến mấy lần liền, mỗi lần làm một tí, một tí đến khi làm được cái răng vàng mới thôi. Không như người khác làm răng chỉ cần hai lần là xong. Nhưng mà thế cũng hay, cái răng tuy đắt nhưng mà được lâu và đẹp, thỏa mãn ước mơ cả đời con gái. Tôi cũng đang ước được như bà mà chưa được, thèm có nụ cười như bà quá!
Năm trước, chú họ mất. Điều khiến nhiều người băn khoăn nhất là có nên cậy cái răng vàng của chú ra không? Người thì bảo cậy ra không có lại làm con ma vướng mồm rồihay về dọa con cháu. Người thì bảo không cậy, để cho đẹp, sống đã được đẹp sao chết lại bắt xấu đi. Cuối cùng thì quyết định không cậy, vì một lý lẽ rất thuyết phục. Không nên cậy ra, lúc sống chưa làm được điều gì to tát, chưa có công trạng gì thì để cái răng vàng ấy đến lúc được đầu thai kiếp sau lời nói sẽ có trọng lượng để mà được mở mày mở mặt. À, thế là cái răng còn có thêm một ý nghĩa tâm linh nữa. Vậy thì được làm răng vàng là ước muốn cao cả và đẹp đẽ của bất kỳ ai.
Chợ trước đi chơi, đang đứng xem cái Chá làm răng thì có một người chen vào hỏi những câu lạ lắm. Làm răng để làm gì? Làm lâu không? Nhiều tiền không? Răng đang bình thường thế sao lại bọc vào cho đau?...
Cái anh này không hiểu gì về phong tục của người mình nên mới tò mò như vậy. Cái Chá làm xong đứng soi gương cười tươi như hoa bầu, hoa bí. Anh ấy chụp liền mấy cái ảnh, bảo lần sau mang lên tặng, xinh lắm đấy. Cả đám đứng chen vào mà xem trên cái máy ảnh bé tí của anh ấy, thấy cái Chá soi gương xem răng, rồi thò tay vào cậy thử xem có rơi ra không, sau nữa là nó cười đẹp thật. Tôi thấy ghen với nó vì vừa được làm răng lại vừa được chụp ảnh đẹp. Chợ sau hoặc chợ sau nữa cũng phải tìm cách làm cái răng chứ không thì xấu mặt. Nhưng biết lúc mình có được cái răng vàng thì cái anh máy ảnh này có ở đây không mà chụp. Thế thì tiếc nhỉ!
Anh ấy còn hỏi ông Lầm về chuyện làm răng của chúng tôi nữa. Đứng nghe lỏm cũng thấy hay hay và biết ra nhiều điều lạ về răng nữa. Ông Lầm bảo ngày xửa ngày xưa, chả biết có từ bao giờ, ai ai cũng thích làm răng. Nhưng mà ngày trước làm răng bằng vàng thật nên chỉ có nhà nào giàu mới có tiền để làm. Có răng vàng tức là nhà mình giàu có, đi ra đường được người khác nhìn mà thèm, nhưng người có răng vàng thì cái mặt lại quặp vào mà kiêu căng. Anh ấy lại bảo: Kiêu thì cái mặt phải vênh lên chứ sao lại quặp vào được. Chúng tôi buồn cười quá, người như anh ấy thì nói là vênh lên, nhưng chúng tôi hay nói quặp vào, ấy là không thèm nhìn ai, không thèm nói chuyện với ai. Có thế thôi mà cũng không hiểu. Cả bọn cười đến là vui.
Ông Lầm hỏi: Anh hỏi những chuyện này làm gì? Anh nói: Anh lên đây mấy ngày rồi, đi theo tiếng gọi của những chiếc răng vàng trong những câu chuyện đường rừng của Lan Khai và Thế Lữ.... Các ông ấy tả những thiếu nữ dịu dàng, lấp lóa với những chiếc răng vàng đến là mê cả người. Anh như chàng trai trong những truyện liêu trai đi tìm những thiếu nữ miền rừng. Ông Lầm bảo: Xưa rồi!
Chuyện mãi, chúng tôinghe lỏm thấy vừa hay vừa lạ. Rồi ông Lầm bảo: Thầy dạy nghề của ông nói thời còn nhiều thú dữ thì người ta làm răng để cho thú phân biệt được đấy là người mà sợ rồi không tấn công và cũng là để con ma phân biệt đấy là người sống để không trêu ghẹo. Tôi thấy cũng có lý, nhưng lại nghĩ thế mà bây giờ người chết đi lại không gỡ cái răng vàng ra, bảo là để cho kiếp sau ăn nói có trọng lượng. Thế hóa ra lúc là ma cũng sẽ có răng vàng rồi, làm sao mà phân biệt được người với ma nữa. Ái chà, mỗi thời mỗi cách nghĩ, cũng hay.
Ở vùng này, dân tộc làm nhiều răng nhất là người Mông chúng tôi. Người dân tộc khác ai thích làm thì làm, không thích thì thôi, không cần cố phải có cho được cái răng vàng. Dân tộc tôi thì ai cũng thích có, đấy còn là biểu tượng của sự sang trọng, cao quý nữa. Thế nên có cái răng vàng là tự tin hẳn lên. Mà bên mạn Mèo Vạc người ta làm nhiều răng hơn Đồng Văn hay Yên Minh, chắc là bên ấy người giàu nhiều hơn.
Nhưng mà bây giờ làm răng dễ quá. Không như ngày xưa. Chú họ tôi phải đổi một con ngựa to mới có được cái răng mà đến chết vẫn không rời. Bây giờ chỉ cần một con gà là được cái răng, nếu là cái răng có hình tim thì hai con. Thế ngẫm ra cũng không đắt. Được cái răng theo mình cả đời, rất bền chặt, nếu bị đen thì đánh chút bột gì đấy cho sáng lên, lại như mới, chả ai phân biệt được. Chỉ phải tội răng bây giờ làm bằng hợp kim nên không được tốt cho lắm. Có người làm ẩu hoặc làm răng giá rẻ quá mà chả mấy hôm lại bị rơi ra. Nếu chót bị rơi ở chỗ đông người thì xấu hổ chết.
Tôi muốn làm răng nhưng lại không muốn làm răng mỏng hay răng rẻ tiền. Làm được cái răng vàng thật để cười tự tin, thể hiện sự giàu có và được đeo nó cả đời là ước muốn lớn nhất của tôi.
Sắp tết rồi, lại càng nhiều người đi làm răng để chơi tết cho vui, cho tự tin. Có người đi mấy chợ rồi mà vẫn chưa đến lượt được làm răng, đã đặt tiền trước vẫn phải đợi. Càng ngày càng ít thợ làm được răng, không còn những ông thợ người Hán cao tay và cầu kỳ, cẩn thận. Không gặp được những người thợ Hà Thành thi thoảng mới đi một vòng cao nguyên đá để làm răng. Ông Lầm còn bảo cái răng của ông là do một người Hán làm 50 năm về trước, giờ vẫn chắc hơn gỗ lim. Ngày ấy nhà ông giàu mới có được cái răng này, rồi ông thích quá, mê quá mà đi theo ông thợ người Hán ấy để học nghề. Mất gần chục năm đi phiêu du, nghề này ngày trước là nghề cao quý. Thế mà bây giờ làm răng cứ quáng quàng cả lên, chả quan trọng như ngày xưa về độ mài răng, độ già của vàng hay nét đẹp của răng nữa.
Dù gì đi nữa, răng vàng vẫn là nét đẹp của chúng tôi. Ngày thường đi chơi chợ chưa có răng cũng không sao, nhưng lớn rồi, ngày tết đi chơi liếc nhau không có chiếc răng làm duyên thì thật e ngại quá.
Ý kiến bạn đọc