Đội ngũ giáo viên với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư

10:37, 29/04/2014

HGĐT- Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời (HTSĐ) trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư là một trong những hoạt động thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển xã hội học tập (XHHT) ở nước ta. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”.


Xây dựng XHHT từ cấp Trung ương, tỉnh/thành đến quận/huyện, xã/phường, thị trấn…. ở mỗi vùng miền trong cả nước với những mô hình XHHT khác nhau.... Trong đó, xây dựng mô hình XHHT ở từng cơ sở, xã, phường, thị trấn thực sự rất cần thiết, đòi hỏi sự đóng góp quan trọng, chung tay xây dựng của các gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư.

 

Thực tế, nhiều địa phương đã có nhiều biện pháp và các hoạt động cụ thể đẩy mạnh phong trào HTSĐ, mọi người tự nguyện, tự giác học tập như tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng XHHT, HTSĐ, vận động đóng góp quỹ, đầu tư xây dựng trường tư thục; đầu tư thời gian chăm sóc, nhắc nhở, giám sát con học tập; tổ chức gặp mặt, khen thưởng, biểu dương truyền thống gia đình, dòng họ.… Phong trào này được lan rộng, phát triển lớn về tổ chức và số hội viên tham gia, có ý nghĩa lớn đối với nhu cầu học tập, tiến bộ của tất cả mọi người. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn một số khó khăn do những hạn chế: Nhận thức về HTSĐ, xây dựng XHHT của một số cán bộ quản lí các cấp, người dân chưa rõ ràng. Vì vậy, vẫn chưa có nhiều biện pháp thiết thực đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện nâng cao năng lực HTSĐ, xây dựng XHHT ở một số địa phương còn có tính hình thức, chủ yếu động viên, ra văn bản... Việc tổ chức, hướng dẫn nội dung học chưa phong phú, nhiều người chưa có phương pháp, thói quen thường xuyên tự học. Vì vậy, số lượng người tham gia học tập, ham học, có nhu cầu học tập ở từng địa phương còn chưa nhiều.

Mặt khác, có thể nhận thấy với sự tham gia của nhiều đối tượng với số lượng lớn và những nhu cầu học tập khác nhau như trẻ em, thanh niên, người lao động, người cao tuổi; người tàn tật, người phạm pháp và các đối tượng thiệt thòi khác... đòi hỏi phải có những nội dung, chương trình, phương pháp phù hợp mới đáp ứng được nhu cầu từng người, từng cộng đồng, vùng miền…. Việc học tập diễn ra ở mọi nơi ở các tổ chức, thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ, trung tâm, nhà trường, nhà văn hóa, xóm, bản, tổ dân phố…. Dù ở đâu và với hình thức, nội dung nào thì mỗi cá nhân muốn phát triển việc học tập bền vững, HTSĐ nâng cao các kĩ năng và các năng lực trước yêu cầu công việc, cần có phương pháp học tập thật tốt mà cốt lõi là tự học. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Ai là người tổ chức, hướng dẫn về HTSĐ trực tiếp, cụ thể và hiệu quả nhất?

Bài viết này chúng tôi mong muốn chia sẻ và đề cập đến vai trò của giáo viên (GV) trong phong trào HTSĐ của các gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Giáo viên ở đây được hiểu là những người thầy đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, Trung tâm học tập cộng đồng, giáo viên đã nghỉ hưu, những cán bộ khoa học đang giảng dạy, hướng dẫn chuyển giao công nghệ trong phát triển nông, lâm, ngư, nghiệp, dịch vụ chăn nuôi... và các lực lượng tình nguyện hướng dẫn sự học trong gia đinh, dòng họ, cộng đồng... Đó là lực lượng có vai trò quan trọng, làm nòng cốt trong việc tổ chức, hướng dẫn trực tiếp, cụ thể quá trình HTSĐ cho mọi người trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cả nước trở thành một XHHT.

Ngày nay, trong hoạt động nghề nghiệp, người GV  phải thực hiện nhiều chức năng: Nhà chuyên môn: Truyền thụ và hướng dẫn việc hình thành tri thức, kỹ năng, kỹ xảo; hình thành và phát triển về chuyên môn, về nghề nghiệp... cho người học; nhà giáo dục: Thuyết phục và uốn nắn, hình thành ý thức, thái độ, hành vi đạo đức, lối sống tích cực... ở người học phù hợp với các chuẩn mực văn hóa-xã hội; người tổ chức: Mọi hoạt động của người học dù có tính chất tập thể, nhóm nhỏ hay cá nhân trong phạm vi trách nhiệm của GV đều cần phải được tổ chức, đảm bảo những yêu cầu sư phạm; người cố vấn: Người học đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn cần được chia sẻ, nâng đỡ, tư vấn từ người GV; người phối hợp: GV là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, có uy tín và trách nhiệm giáo dục trong cộng đồng, cho nên nhà giáo có vai trò quan trọng trong tổ chức, điều phối hoạt động giáo dục giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội.

Quá trình lao động của người GV luôn hướng tới mục tiêu dạy mọi người học một cách hiệu quả, hình thành và phát triển nhân cách của người học, yếu tố này quyết định sự phát triển xã hội và sự tiến bộ, thành công của mỗi một người. Ở Nhật Bản (thời Minh trị) tiến hành cải cách đổi mới giáo dục. Lúc đó, Nhật Bản không có gì, còn nghèo nhưng họ có đội ngũ GV cốt cán đầy tâm huyết, quyết tâm đổi mới về giáo dục và thực hiện đổi mới thành công. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục nước ta hiện nay đòi hỏi GV phải đảm nhiệm với hàng loạt nhiệm vụ mới. Có rất nhiều hoạt động tham gia phong trào HTSĐ liên quan đến nhiệm vụ, năng lực và tâm huyết của người GV.

Các nhiệm vụ mới của người GV hiện nay đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục như nâng cao hiệu quả dạy học với từng đối tượng HS, tư vấn học sinh trong tự học, cập nhật kiến thức chuyên môn, sử dụng ICT trong dạy học, cộng tác chặt chẽ với phụ huynh và xây dựng quan hệ với cộng đồng xung quanh, khơi gợi lòng ham học suốt đời. Học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để tự học và trở thành những người HTSĐ.

Trong dạy học và giáo dục hiện đại đã có những yêu cầu thay đổi về vị trí của người GV - chuyển từ vị trí là người cung cấp tri thức sang vị trí là người dẫn dắt HS tới các nguồn tri thức, GV là người tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ người học. GV bước đầu đã có đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học và đổi mới cả kiểm tra đánh giá. Việc dạy học về thực chất đã trở thành việc dạy cho người học biết cách học, HTSĐ, biết cách tìm kiếm và sử dụng tri thức, qua đó mà phát triển các năng lực cần thiết để tồn tại và phát triển.

Mặt khác, quá trình học tập của mỗi người, dù bất cứ với hình thức nào, phương pháp nào đều rất cần sự tham gia, hướng dẫn của người thầy - định hướng về tri thức, lấy nhân cách để giáo dục nhân cách cho người học. Bởi vậy, người GV không những biết học tập một cách sáng tạo, HTSĐ và biết tìm đến các phương pháp tự học hiệu quả nhất và có năng lực dạy học, năng lực tổ chức, hướng dẫn, tư vấn cho người học biết cách tự học, tự tìm tòi, tự giáo dục để thực hiện nhiệm vụ của mình là mang giáo dục đến từng người và giúp mọi người HTSĐ, học tập bền vững trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.

Ở địa phương (trong cộng đồng), đội ngũ GV và những người hướng dẫn là những người nhiệt tình, có kiến thức chuyên môn và kiến thức sư phạm với sự am hiểu địa phương nên họ thường có cách thức xử lý tin cậy, phù hợp trước những tình huống khác nhau vì lợi ích của người học và đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, tham gia thực tế địa phương với việc tổ chức, hướng dẫn mọi người HTSĐ, GV cũng được học tập từ trải nghiệm thực tiễn. Đó cũng là nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa lớn trong việc gắn kết giữa nhà trường với các gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư. Thực tế đã có rất nhiều GV, người hướng dẫn đã không ngại khó khăn, gian nan, vất vả tham gia nhiệt tình với công tác khuyến học, khuyến tài.

GV có thể tham gia rất nhiều các hoạt động, cụ thể là: Vận động mọi người tham gia các phong trào ở địa phương, đặc biệt phong trào HTSĐ. Tổ chức, giúp đỡ, hướng dẫn mọi người nâng cao nhận thức về xây dựng XHHT, có khả năng tự học, tự nguyện, tự giác học tập và HTSĐ. Trực tiếp dạy học các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học giúp mọi người đáp ứng yêu cầu công việc, giao lưu văn hóa… GV tổ chức, hướng dẫn người học tìm tư liệu, đọc sách, khai thác CNTT trong các thư viện, bảo tàng của cá nhân, dòng họ… xây dựng văn hóa HTSĐ. Tham gia dạy nghề, tư vấn nghề nghiệp, dạy học các chuyên đề, các ngành….cho thanh niên, hỗ trợ giúp đỡ người lớn nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tay nghề để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, lao động hiệu quả hơn. Giáo dục kĩ năng sống cho mọi người, góp phần thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội, ngăn ngừa các vấn đề xã hội, sức khoẻ và bảo vệ quyền con người. Ngoài ra, GV còn có thể tham gia giải quyết những thách thức phát triển bền vững như nghèo đói, bình đẳng giới, đa dạng văn hóa; những vấn đề về môi trường như thiên tai, biến đổi khí hậu....

Vậy, làm thế nào để đội ngũ GV, người hướng dẫn tham gia thực sự, mạnh mẽ đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư?

Với nhiều loại hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia học tập rất cần có đội ngũ GV, người hướng dẫn với nhiều thế hệ khác nhau, thuộc ngành giáo dục và thuộc các ngành khác nhau chịu trách nhiệm với người học, với cộng đồng mới có thể thực hiện được. Có thể nói, đây là một lực lượng nòng cốt có tác động lớn, một nhân tố không thể thiếu trong sự hình thành, phát triển và lan tỏa phong trào HTSĐ, xây dựng XHHT.

Để đội ngũ GV thực sự được tập hợp, tổ chức tham gia mạnh mẽ vào xây dựng XHHT, giúp mọi người dân có ý chí, vượt qua tất cả những khó khăn, đẩy mạnh nội dung cốt lõi là HTSĐ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư cần có các giải pháp chủ yếu là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên cho mọi người.Mong muốn và yêu cầu mọi người thực hiện HTSĐ, trước hết chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục thường xuyên nâng cao nhận thức và đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư khuyến khích mọi người có nhu cầu, thói quen học tập thường xuyên, HTSĐ và tham gia xây dựng XHHT.

Để đáp ứng nhu cầu người học cần xây dựng mối quan hệ giữa các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng… với các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư và tổ chức, hướng dẫn học tập cụ thể cho người học. Tuy vây, quá trình HTSĐ không chỉ là học tập tại các TTGDTX hay TTHTCĐ…. Vì vậy, GV cần tham gia tổ chức, hướng dẫn trực tiếp tại các câu lạc bộ, gia đình, cộng đồng ở xóm, thôn, bản, tổ dân phố để nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu thực tế, tạo cơ hội để HTSĐ phù hợp với mọi đối tượng trong cộng đồng của mình. Thúc đẩy hoạt động của đội ngũ GV tham gia mạnh mẽ vào phong trào HTSĐ.

Để đội ngũ GV, người hướng dẫn tham gia thực sự nhiệt tình, mạnh mẽ những hoạt động cụ thể tổ chức, hướng dẫn mọi người học tập, rèn luyện thường xuyên, có năng lực HTSĐ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư Hội khuyến học ở các địa phương cần có sự phối hợp với các cơ sở giáo dục, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư huy động, động viên, thúc đẩy hoạt động của đội ngũ GV (cả những GV đã nghỉ hưu), người hướng dẫn học tập thực sự vào cuộc, có trách nhiệm trong phong trào HTSĐ, xây dựng XHHT. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ GV, người hướng dẫn

GV phải là người đi đầu trong việc HTSĐ mới có thể tổ chức, hướng dẫn mọi người thường xuyên học tập. Tuy nhiên, vấn đề XHHT đối với đội ngũ GV còn khá mới mẻ: GV chưa được tập huấn, chưa có các tài liệu và văn bản hướng dẫn, quy định vai trò, vị trí, trách nhiệm của họ đối với XHHT. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương, các nhà trường, cơ sở giáo dục và hội khuyến học ở các địa phương, đoàn thể, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư cần thiết tạo điều kiện cho GV được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực HTSĐ, xây dựng XHHT; đổi mới phương pháp tổ chức, hướng dẫn cách học tập, đổi mới  cách KTĐG, giám sát và đánh giá quá trình học tập của người học… Xây dựng đội ngũ GV thực sự là lực lượng nòng cốt tham gia trực tiếp, thường xuyên để tổ chức, hướng dẫn mọi người cách học, phương pháp tự học. Từ đó, thúc đẩy và lan tỏa phong trào HTSĐ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư từ xóm, thôn, bản đến thị trấn, thị xã… Cần có cơ chế, chính sách thích hợp và tổ chức phong trào thi đua tham gia xây dựng XHHT đối với đội ngũ giáo viên, người hướng dẫn

Các cấp chính quyền địa phương, các nhà trường, cơ sở giáo dục và hội khuyến học ở các địa phương, đoàn thể, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư cũng cần: Phối hợp, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh nhà giáo tích cực tham gia phong trào HTSĐ. Từ đó, chọn lọc những tấm gương thường xuyên nhiệt tình với những hoạt động giúp đỡ mọi người trong suốt quá trình học tập và rèn luyện, xây dựng phong trào và nâng cao năng lực HTSĐ cho người dân. Tổ chức hoạt động cụ thể để khen thưởng và chia sẻ, báo cáo, tổng kết những kinh nghiệm, rút ra bài học trong việc tham gia đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng. dân cư của đội ngũ GV, người hướng dẫn.

Các cấp chính quyền, các tổ chức, hội khuyến học các cấp ở địa phương, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư… có thể dành một khoản kinh phí để hỗ trợ, động viên  GV tham gia phong trào HTSĐ; học tập, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực HTSĐ và xây dựng XHHT.

Việc nâng cao năng lực HTSĐ cho mọi người đòi hỏi phải có một quá trình thường xuyên giúp đỡ, tổ chức, hướng dẫn mọi người học tập và rèn luyện. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng đội ngũ GV - lực lượng nòng cốt để triển khai thực hiện và cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho đội ngũ GV, người hướng dẫn tham gia xây dựng, phát triển phong trào HTSĐ. 


Phạm Thị Thanh, Viện Nghiên cứu XD và PT- XH học tập

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thành phố Hà Giang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề
HGĐT - Nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, tính kỷ luật, phẩm chất đạo đức của người lao động (NLĐ); trong những năm qua, thành phố Hà Giang không ngừng đổi mới, đầu tư và trú trọng tới công tác dạy nghề.
29/04/2014
Khánh thành nhà lớp học điểm trường Mầm non thôn Tò Đú, thị trấn Mèo Vạc
HGĐT- Sáng 27.3, UBND huyện Mèo Vạc phối hợp với Hội Wetter Foundation (Thụy Sĩ) tổ chức lễ khánh thành công trình nhà lớp học điểm trường Mầm non thôn Tò Đú, thị trấn Mèo Vạc. Đến dự có ông Rudolf Hans Kuehne - Chủ tịch Hội Wetter Foundation; lãnh đạo huyện Mèo Vạc; cấp ủy, chính quyền thị trấn Mèo Vạc.
27/03/2014
Trường THCS Phương Độ đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2013 - 2018
HGĐT- Ngày 26.3, Trường THCS Phương Độ đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận trường THCS đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2013 – 2018. Dự buổi lễ có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hà Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện các trường học trên địa bàn thành phố, cùng các thầy cô giáo và các em học sinh.
26/03/2014
Học sinh Nguyễn Văn Tiến tấm gương sáng để noi theo
HGĐT - Tại buổi Lễ tổng kết phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 83 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy đối với học sinh của trường THCS Lê Lợi – TPHG, để lại ấn tượng trong tôi về em Nguyễn Văn Tiến, học sinh lớp 7B với hành động đầy ý nghĩa đó là "nhặt được của rơi trả lại người đánh mất".
26/03/2014