Văn học nghệ thuật trong dòng chảy văn hóa
BHG - Văn hóa (VH) là ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo cho Văn học - nghệ thuật (VHNT) và VHNT góp “tiếng nói” quan trọng của mình làm phong phú thêm hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị VH. Sự hòa quyện ấy tạo nên giá trị bền vững, hướng đến vẻ đẹp chân, thiện, mỹ, góp phần xây dựng và phát triển VH, con người Hà Giang đậm đà bản sắc.
Hà Giang là vùng đất có lịch sử VH lâu đời, địa bàn sinh sống của 19 dân tộc, trong đó mỗi dân tộc đều sở hữu các giá trị VH độc đáo riêng gắn với phong tục, lễ hội truyền thống, trang phục, chữ viết, kiến trúc nhà ở, nhạc cụ, VH dân gian, tập quán canh tác, sản xuất khác nhau tạo nên bức tranh sinh động, sắc màu, phong phú về đời sống xã hội, là “mảnh đất” màu mỡ để “nở hoa” những tác phẩm VHNT giá trị. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, đội ngũ văn, nghệ sỹ của tỉnh không ngừng tìm tòi, sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm VHNT chất lượng, đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT của T.Ư, địa phương và được công chúng nhiệt tình đón nhận, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh mảnh đất và người Hà Giang đến với du khách trong và ngoài nước. Tiêu biểu là Nhà văn Chu Thị Minh Huệ, là người gắn bó và yêu tha thiết mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nhà văn Chu Thị Minh Huệ thường xuyên đi thực tế ở cơ sở, tìm hiểu từng nét VH độc đáo, tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số và phản ánh sinh động, rõ nét, sắc sảo VH truyền thống các dân tộc vào tác phẩm của mình. Những tác phẩm tiêu biểu của chị như: “Hồng trần”, “Sợi lanh dài”, “Kiếp đào phai”, “Bông dẻ đẫm sương”, “Bao nhiêu một đứa đàn bà”, “Mười hai tầng trời”, “Ngược dòng thiên di”, “Đường lên Hạnh Phúc”, “Chủ đất”... đều là những lát cắt cuộc sống của người dân trên Cao nguyên đá, mang đến cho độc giả cái nhìn thấu tận tâm can, để hiểu, để sẻ chia với họ. Nhà văn Chu Thị Minh Huệ chia sẻ: “Văn hóa đồng bào các dân tộc là chất liệu, ngọn nguồn, cảm hứng sáng tạo văn chương trong tôi, đặc biệt là văn hóa dân gian, vì đó là văn hóa “mẹ”. Trong mỗi tác phẩm, tôi đều muốn chuyển tải cuộc sống của đồng bào thông qua các sinh hoạt văn hóa, tư duy nếp nghĩ, phong tục tập quán, từ đó mong muốn gìn giữ và phát huy các nét đẹp văn hóa để phục vụ cuộc sống”.
Trại sáng tác Mỹ thuật tại huyện Quản Bạ thu hút hơn 30 họa sỹ trong cả nước góp phần quảng bá văn hóa Hà Giang. |
Hội VHNT tỉnh hiện có 158 hội viên, sinh hoạt tại 6 chi hội chuyên ngành gồm: Chi hội Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Sân khẩu điện ảnh và 7 chi hội cơ sở ở các địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của VHNT trong bảo tồn và phát huy bản sắc VH dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Hội VHNT đã triển khai nhiều hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên sáng tác, quảng bá tác phẩm. Trong năm 2023, Hội VHNT tổ chức 10 trại sáng tác, tập huấn, thực tế cho 160 lượt hội viên, cộng tác viên tham gia như: Mời các chuyên gia ở Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đến tập huấn cho trên 50 hội viên về chuyên đề giải pháp nghiên cứu, sưu tầm, phát huy giá trị VH dân gian trong đồng bào các dân tộc; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức trại sáng tác Mỹ thuật tại huyện Quản Bạ thu hút hơn 30 họa sỹ đến từ nhiều địa phương trong cả nước; phối hợp với huyện Hoàng Su Phì tổ chức trại sáng tác nhiếp ảnh Mùa vàng; tổ chức trại sáng tác văn học trên Cao nguyên đá, trại sáng tác âm nhạc tại huyện Bắc Mê. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, Hội VHNT tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương “Gạn đục khơi trong” trong bảo tồn VH truyền thống.
Các tác giả tiêu biểu, có nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài dân tộc, miền núi, VH như: Các Nhà văn Chu Thị Minh Huệ, Trần Mỹ Thương, Hồng Quang; nhiếp ảnh gia Chu Việt Bắc, Vũ Chinh; họa sỹ Hoàng Tiến Dũng, Triệu Đào; nhạc sỹ Ngô Sỹ Tùng, Bùi Trường Giang... Các tác phẩm của họ dù ở lĩnh vực nghệ thuật nào cũng đều mang âm hưởng của cuộc sống đồng bào rẻo cao Hà Giang, phản ảnh sinh động, đầy đủ về cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, những nét VH truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc.
Xác định rõ vai trò của VHNT trong dòng chảy VH dân tộc, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho hoạt động VHNT, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các văn, nghệ sỹ hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm; tổ chức và tham gia nhiều sự kiện văn hóa, quảng bá tác phẩm VHNT trong và ngoài tỉnh; khen thưởng các văn, nghệ sỹ đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế, đồng thời xét trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật cao thông qua giải thưởng Tây Côn Lĩnh và nhiều cuộc thi sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí khác.
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Tiến Mạnh chia sẻ: “Những nét đẹp của phong tục, tập quán truyền thống dân tộc qua “lăng kính” của văn, nghệ sỹ có giá trị VH, thẩm mỹ cao hơn. Thông qua các tác phẩm VHNT giúp công chúng, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận ra giá trị của VH truyền thống trong những điều bình dị nhất, từ đó tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ để họ nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc VH của dân tộc mình. VHNT nhờ đó sẽ phát huy tối đa vai trò trong việc giữ gìn và tôn vinh nét đẹp VH, hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc