Xao xuyến giữa mùa Thu Cao nguyên đá

15:14, 25/09/2023

BHG - Qua những ngày rực nắng, mùa Thu về trên Cao nguyên đá Đồng Văn thật dịu dàng. Cái cảm nhận đầu tiên về mùa êm đềm nhất trong năm ở đây là sự trong veo của không gian mênh mông đá, nơi có độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển. Những khoảng trời trong xanh và cái nắng vàng đặc trưng của Cao nguyên thường kéo dài từ tháng 9 cho đến chừng tháng 11 dương lịch. Đó là một trong những thời điểm không gian đẹp nhất trong năm ở Cao nguyên đá, mùa vạn vật khỏe khoắn, chuẩn bị sự kiên cường để bước vào mùa Đông dài và lạnh giá của miền đá.

Cao nguyên đá có những mùa khắc nghiệt, nhất là mùa Đông và đầu Xuân với những cái rét sâu khiến cây cỏ khô tàn, làm đá xám xịt, mùa Hè cũng đầy nắng rát. Nhưng mùa Thu, tất cả lại dịu dàng và óng ả trong nắng, trong cái mát dịu làn da của vùng đất này. Mùa Thu có lẽ là mùa Cao nguyên đá có thời tiết giống Đà Lạt hay Tam Đảo và Sa Pa nhất. Cây cỏ vạn vật nơi đây như đẹp mã hơn trong mùa Thu, tận hưởng thời điểm đẹp nhất trong năm trước khi bước vào chuỗi ngày giá rét khắc nghiệt.

Mùa Thu ở Làng Văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, Đồng Văn.
Mùa Thu ở Làng Văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, Đồng Văn.

Mùa Thu phượt trên cung đường vắng Na Khê – Lao Và Chải của Yên Minh, đẹp đến mê li dưới những tia nắng vàng tơ xuyên qua những tán thông cao vút, khiến lòng lữ khách xốn xang. Có những buổi chiều nắng đẹp đến nao lòng ở những bản làng cực kỳ thanh bình của người Mông, người Lô Lô, người Dao… Những ngôi nhà trình tường ngói cổ phong rêu, tỏa khói cơm chiều như vẽ bức tranh về vùng sơn cước đáng sống. Không gian với ánh sáng trong trẻo giúp cho những bức ảnh cũng trở nên sâu nét, trong veo đến sướng mắt. Những cô nàng du khách thích “sống ảo”, được hòa mình trong khoảnh khắc Thu Cao nguyên không muốn về. Những điểm như Núi Đôi - Quản Bạ, đường qua Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản - Mèo Vạc, những dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh, Sủng Là, cua M - Đồng Văn hay đường lên các xã Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn của Mèo Vạc… là những điểm check-in đẹp hút hồn trong nắng mùa Thu.

Thu về miền đá, là thời điểm bà con các dân tộc thu hoạch trên các nương núi. Những quẩy tấu ngô, rau đậu chắc nịch được người dân địu về bản. Tiếng bò, dê thong dong giữa đá núi chiều về như bản nhạc êm nhẹ của buổi chiều tà cô liêu. Tất cả như đang chuẩn bị dồn năng lượng cho những ngày Đông giá ở nơi đây. Thời tiết dịu mát khiến cho đôi má của những em bé, của những cô gái, chàng trai mới lớn ở các làng bản trở nên hồng hào hơn, đây có lẽ là nét đặc trưng ở vùng Cao nguyên đá.

Cuối Thu, khi mùa màng đã gòn gọn, những phiên chợ Cao nguyên bắt đầu đông vui hơn. Những người phụ nữ Mông bền bỉ gùi quẩy tấu đánh tay rất dẻo xuống chợ với những bước chân rộn ràng. Nhiều phiên chợ Cao nguyên giữa mùa Thu vẫn giữ đậm nét văn hóa truyền thống với trang phục rực rỡ, với những tiếng hàn huyên bầu bạn bên chén rượu ngô men lá. Phiên chợ mùa Thu phản ánh rõ nhất về sức sống và thành quả lao động trên miền đá. Vì thế, du khách đến đây không khỏi thích thú với những sắc màu. Hà Giang ơi sao mà yêu thế, những ánh mắt lúng liếng của các thiếu nữ tuổi trăng tròn, những sắc áo khăn xúng xính khiến ai đó xao xuyến, tương tư giữa mùa Thu nơi đây.

Mùa Thu về trong tiết trời Cao nguyên bắt đầu chuyển lạnh, khiến cho những đôi trai gái dễ mến tìm nhau và gần gũi bên nhau hơn, họ đang lấy đà cho một mùa Xuân nên duyên đấy. Mùa Thu cũng là thời điểm du khách tìm lên Cao nguyên đá đông hơn. Trong cái tiết trời cực yêu này, những nụ Tam giác mạch của Cao nguyên bắt đầu lớm chớm bật nở, càng lạnh càng nở đẹp hút mắt giữa ngút ngàn đá.

Mùa Thu năm nay, Cao nguyên đá lần thứ 3 đón bằng công nhận tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Trên những cung đường “đặc sản” uốn mềm như dải lụa, những đoàn du khách đang lên nhiều hơn. Mùa Thu là mùa bắt đầu cho mùa du lịch, cho những nhịp điệu và sức sống mới của miền đá, mùa dễ chạm vào tình yêu khi đến và chạm vào nỗi nhớ khi xa Cao nguyên đá.

Bài, ảnh: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sắc màu văn hóa tô điểm những miền ruộng bậc thang
BHG - Hàng năm, dưới ánh nắng dịu dàng của mùa Thu, có một mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang di sản của miền núi Hà Giang. Từ Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đến Xín Mần, trên những đám ruộng bậc thang giữa núi rừng hoang sơ, kỳ vỹ một mùa bội thu của người dân miền núi rộn ràng bắt đầu. Những miền di sản ruộng bậc thang cuốn hút, mời gọi du khách ấy đã được tạo tác bởi những nền văn hóa đậm chất riêng của đồng bào dân tộc La Chí, Mông, Dao, Nùng, Tày... những dân tộc đã làm nên sự đa dạng sắc tộc và văn hóa bản địa vùng trồng lúa nước Hà Giang.
25/09/2023
Tăng tốc phát triển du lịch bền vững
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
25/09/2023
Khai trương Phố đi bộ Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang
BHG - Tối 22.9, thành phố Hà Giang tổ chức khai trương Phố đi bộ Nguyễn Trãi. Dự lễ khai trương có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy, các sở, ngành, thành phố Hà Giang, thường trực huyện ủy, UBND các huyện, cùng đông đảo nhân dân và du khách.
22/09/2023
Thôn biên giới Thèn Ván 1 giữ gìn nghề đan quẩy tấu
BHG - Trong chuyến công tác huyện Quản Bạ, chúng tôi về vùng biên cương thôn biên giới Thèn Ván 1, xã Cao Mã Pờ. Được đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch xã dẫn đến thăm gia đình cựu chiến binh Tẩn Dâu Sài, 61 tuổi, người cao tuổi giữ gìn nghề đan quẩy tấu. Ngồi trước hiên nhà trình tường, bàn tay ông thoăn thoắt đan quẩy tấu, trò chuyện với tôi, ông chia sẻ: “Đối với đồng bào Mông, trong các vật dụng gắn liền với cuộc sống thường ngày, chiếc quẩy tấu được xem là vật “bất ly thân”. Với địa hình núi dốc hiểm trở, chiếc quẩy tấu trở nên hữu dụng khi trở thành “người bạn” trên lưng theo chân người Mông những lúc lên nương hay xuống chợ”.
20/09/2023