Giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học ở Mèo Vạc
BHG - Nhằm hình thành cho học sinh những tình cảm tốt đẹp trong môi trường giáo dục, phát triển đúng đắn, lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất cũng như góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống (VHTT) các dân tộc, việc giáo dục kỹ năng sống (KNS) và đưa VHTT vào giảng dạy tại các nhà trường luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đặc biệt quan tâm.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động chăm sóc vườn rau của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Cán Chu Phìn. |
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc, Bùi Văn Thư: Với phương châm “Còn lưu giữ nét văn hóa đặc sắc riêng của mỗi dân tộc là còn truyền thống văn hóa, mà còn truyền thống văn hóa chính là còn động lực để phát triển”; theo đó, ngành Giáo dục huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò, tầm quan trọng của KNS và các giá trị VHTT tốt đẹp đối với xã hội hiện nay. Từ đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục và lưu giữ nét VHTT của các dân tộc trên địa bàn.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng tổ chức các hội thi giúp nâng cao kiến thức về văn hóa truyền thống cho học sinh. |
Những năm qua, việc giáo dục KNS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Mèo Vạc cơ bản đã cung cấp cho học sinh các kỹ năng cần thiết, giúp các em có thêm kỹ năng giao tiếp, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt trong sáng, thân thiện. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài giờ lên lớp được ngành Giáo dục huyện chú trọng và tổ chức thực hiện có hiệu quả như: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt đoàn, đội, câu lạc bộ. Theo đó, học sinh được hướng dẫn, trang bị các kỹ năng, về: Chăm sóc sức khỏe, tham gia giao thông, phòng tránh đuối nước, thiên tai, hiểm họa từ ma túy, tội phạm bắt cóc, mua bán người…
Trong quá trình triển khai thực hiện giáo dục KNS và đưa VHTT vào giảng dạy tại các nhà trường, ngành giáo dục huyện Mèo Vạc đã có nhiều mô hình hay với cách làm sáng tạo. Cụ thể, đa số các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc thành lập các câu lạc bộ và hoạt động hiệu quả, thường xuyên, trở thành sân chơi thu hút được hầu hết học sinh tham gia. 100% các trường thực hiện tốt việc bố trí, trưng bày các nhạc cụ dân tộc, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất của các dân tộc trong phòng truyền thống, thư viện, góc lớp giúp các em tìm hiểu, nhận biết nét đẹp văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Đặc biệt, huyện đã sưu tầm và biên soạn cuốn tài liệu “VHTT các dân tộc tiêu biểu huyện Mèo Vạc – tỉnh Hà Giang” để đưa vào giảng dạy tại các nhà trường. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có tổ chức phi chính phủ Plan hoạt động, theo đó, tổ chức này đã phối hợp với ngành giáo dục huyện tổ chức nhiều cuộc thi giúp nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, như cuộc thi: Tìm hiểu về Luật an toàn giao thông, thi rung chuông vàng, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu về phòng tránh tai nạn rủi ro, thiên tai… Một số đơn vị trường học tiêu biểu thường xuyên tổ chức tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, như: Cấp tiểu học gồm: Tiểu học thị trấn Mèo Vạc, Pả Vi, Sủng Trà… hay cấp THCS gồm: Phổ thông dân tộc Nội trú, THCS Thượng Phùng, Tả Lủng…
Cũng theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc, Bùi Văn Thư: Để việc giáo dục KNS và đưa VHTT vào giảng dạy tại các nhà trường đạt hiệu quả cao, việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên kiêm nhiệm công tác giảng dạy VHTT được Phòng đặc biệt lưu tâm. Cùng với đó, Phòng cũng chỉ đạo các nhà trường tham mưu cho chính quyền các xã, thị trấn lựa chọn, mời các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín tại địa phương có hiểu biết sâu sắc về các loại hình VHTT tham gia giảng dạy cho học sinh các trường trên địa bàn…
Ý kiến bạn đọc