Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng
BHG - Cùng với sự thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đọc (VHĐ) trong cộng đồng, hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở từng bước đáp ứng nhu cầu bạn đọc; công tác bổ sung sách, báo, tạp chí và tin học hóa thư viện được quan tâm, đầu tư… tạo thành phong trào đưa VHĐ lan tỏa đến mọi ngõ ngách của cuộc sống để tạo nên những giá trị vững bền, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, giáo dục miền cực Bắc.
Thư viện ngoài trời tạo hứng thú đọc cho sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Xín Chải (Vị Xuyên). |
“Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời cũng là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ” nên khi về nghỉ chế độ hưu trí, ngày nào tôi cũng duy trì thói quen đọc sách, báo; và nhắc nhở cháu ngoại dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc các xuất bản phẩm phù hợp với lứa tuổi… Đọc một cuốn sách hay cũng như gặp gỡ một người bạn tốt hay một người thầy vĩ đại trên con đường mở mang tri thức, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách và hình thành lối sống lành mạnh. Với tuổi già, đọc sách chính là trì hoãn quá trình lão hóa của não, giúp giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ và quên đi bệnh tật – bà Nguyễn Thị Lới, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) chia sẻ. Còn thầy giáo Nguyễn Quang Thành, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Xín Chải (Vị Xuyên) cho biết: Với học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn như Xín Chải thì việc khuyến khích các em phát triển VHĐ là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dạy và học của trường. Điều này không chỉ giúp các em trau dồi tri thức, kỹ năng sống mà còn tạo thói quen giao tiếp bằng tiếng Việt cho các em. Do vậy, ngoài thời gian đọc sách tại Thư viện nhà trường hay Thư viện ngoài trời, riêng học sinh lớp 1 còn được thầy, cô dạy kèm 1 tiết tiếng Việt/tuần, giúp các em giao tiếp thành thạo tiếng phổ thông.
Theo Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển VHĐ trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của VHĐ trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Thực hiện Quyết định này, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tỉnh ta đã xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân sinh sống ở vùng nông thôn, biên giới, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn nhằm cải thiện môi trường đọc.
Theo đó, các cấp, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động xây dựng thói quen đọc sách, như: Hội báo Xuân thường niên vào dịp Tết Nguyên đán với hơn 300 ấn phẩm của nhiều cơ quan báo chí trong nước; luân chuyển trên 2.500 lượt báo, tạp chí tại trường học và Trung tâm hoạt động thanh, thiếu niên tỉnh; tổ chức hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh… để vận động và khuyến khích các thành phần, lứa tuổi tham gia đọc sách. Đặc biệt, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh thường xuyên duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ năm 2017 đến nay, đã mở cửa trên 21.300 buổi, phục vụ gần 9 nghìn lượt bạn đọc; duy trì trên 26,8 nghìn lượt thẻ thư viện, gần 980 nghìn lượt sách, báo được đưa ra phục vụ. Không những vậy, hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở còn hướng dẫn, trang bị kỹ năng đọc và phương pháp đọc cho người dân, nhất là học sinh về: Kỹ năng đọc lướt, tóm tắt, lập đề cương, phân chia nội dung để từ đó, giúp người đọc học thuộc hay tra cứu tài liệu một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, từ công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động thư viện nói riêng, 145 máy tính thuộc Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet cộng đồng” do Quỹ Bil & Melinda Gates tài trợ cho Thư viện tỉnh, thư viện 11 xã trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Bởi dự án đã tập trung hỗ trợ người nghèo, nhóm yếu thế và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin. Hơn nữa, còn giúp họ hưởng những lợi ích về KT-XH mà việc tiếp cận công nghệ thông tin mang lại để có hành động tích cực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phát triển VHĐ, trọng tâm là phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình. Tính đến nay, toàn tỉnh có 920 tủ sách cơ quan, đơn vị, trường học, xã, phường với trên 1 triệu bản sách; tiếp nhận trên 15,7 nghìn cuốn sách biếu, tặng…
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các thiết bị điện tử hiện đại và hệ thống mạng xã hội đã giúp người đọc tiếp cận thuận tiện với tài liệu điện tử. Do vậy, phong trào đọc bằng bản in không còn phát huy vị trí độc tôn. Điều này dẫn đến tỷ lệ người dân đến hệ thống thư viện thấp, chủ yếu là học sinh và người cao tuổi. Thực tiễn này cũng đặt ra yêu cầu cần thiết trong việc ban hành cơ chế, chính sách hợp lý nhằm phát triển VHĐ. Đi liền với đó là nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin, thư viện, chất lượng nội dung, hình thức xuất bản phẩm…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc